Làm dân công sở, có lẽ ai cũng sợ hãi mỗi khi đồng nghiệp có lý do gì đó mà xin nghỉ ít hôm, bởi khi ấy, khối lượng công việc của người nghỉ sẽ được dàn trải ra cho cả team cùng “gánh” hoặc được “gánh” trực tiếp bởi một cá nhân duy nhất. Nhưng đáng mừng là chỉ ít hôm mà thôi, không phải kéo dài, đồng nghiệp hỗ trợ nhau một tí thật cũng chẳng đáng gì mà oán than.
Tuy nhiên, nàng công sở trong câu chuyện dưới đây lại khác, cô không những một mình gánh việc cho đồng nghiệp nghỉ phép trong thời gian dài mà còn “được” sếp suốt ngày giục giã, hối thúc. Có chăng mỗi khi sếp ra tay giúp cũng rất qua loa hời hợt, thậm chí còn “hư bột hư đường”.
Cô đăng đàn than khóc trên một hội nhóm chuyên “tám” chuyện công sở rất lớn trên MXH như sau:
“Dạo này em bị stress ảnh hưởng đến sức khỏe do chỗ làm phát sinh một số vấn đề. Đồng nghiệp nghỉ phép thời gian dài do vấn đề cá nhân. Trưởng nhóm giao việc của người đồng nghiệp đó cho em làm và thế là mỗi ngày em cặm cụi làm liên tục mà vẫn không sao kịp.
Trưởng nhóm thì kiểu sao em làm chậm thế, làm một mình thì phải nhanh tay lên. Cái quan trọng là mình gánh việc của hai người, mà yêu cầu mình phải làm nhanh mà còn phải chính xác vì nếu sai là em phải ôm hết, cũng chả quan tâm hỏi em cảm thấy như thế nào, hay em có cần giúp đỡ không. Nhiều khi em quá tải em báo thì nhận được câu trả lời kiểu em tự làm đi, em phải tự nhờ đối tác hỗ trợ giúp.
Nhiều hôm em phải vừa làm vừa ăn, không nghỉ trưa và nói chuyện với khách liên tục dẫn đến đau bao tử, nhức đầu, viêm họng. Nói trưởng nhóm không giúp gì thì cũng không đúng, nhưng mà có giúp theo kiểu nửa vời và cho có và em phải đi khắc phục hậu quả. Trưởng nhóm cấm không được báo khách như vậy nếu em làm sai em sẽ bị khiển trách còn đến lúc giúp em thì vẫn báo như bình thường và báo sai tùm lum em phải dò để sửa nữa, rất là mất thời gian.
Nói đến đây là em gần như đến giới hạn chịu đựng, em muốn nộp đơn xin nghỉ ngay nhưng em cũng sợ thất nghiệp, em không biết phải làm sao? Mọi người cho em góc nhìn với ạ”.
Câu chuyện sau khi đăng đàn ít lâu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Và với hoàn cảnh kể ra khá bi ai của mình, nàng công sở nhân vật chính đã được dân mạng gửi gắm vài lời khuyên như sau:
“Nếu đồng nghiệp thực sự cần sự giúp đỡ thì bạn nên giúp đặt mình vào vị trí ấy mà thông cảm. Việc 2 người thì ưu tiên cái nào gấp thì xử lý, không cần hành xác bản thân như lời bạn kể, khiển trách thì bạn cứ giãi bày xem họ làm gì được bạn. Nói chung mình khuyên bạn nên thông cảm”.
“Cố lên, đôi khi những ca như này cũng là để thử thách khả năng của chính mình thôi. Sau đợt này, bạn sẽ thấy mình phát triển thêm được nhiều kỹ năng hay như quản trị thời gian, đối mặt với áp lực đấy”.
Tuy nhiên, ngoài những bình luận an ủi động viên như trên, cũng có không ít người thẳng thừng mắng nàng công sở nhân vật chính là khờ dại.
“Bạn mấy tuổi rồi sao dễ dãi thế, khi làm phải gánh thêm việc ngoài những thứ em được yêu cầu làm thì em phải đòi hỏi đấu tranh giành quyền lợi cho mình, không muốn và không thể làm thì cứ bảo đó không phải là trách nhiệm của em”.
“Dại ghê, cứ lôi hợp đồng lao động ra mà nói, nghĩa vụ của mình làm bao nhiêu việc đấy, làm xong là hết trách nhiệm, bắt làm thêm với khối lượng công việc nhiều em phải yêu cầu công ty bonus thêm lương thưởng gì đó cho mình. Đừng có sếp bảo gì nghe nấy”.
Quả thật, trường hợp đồng nghiệp nghỉ phép mình phải ra tay trợ giúp là chuyện không hiếm trong môi trường công sở, tuy nhiên một khi phải giúp dài ngày với áp lực cao, cộng với thái độ ép buộc của sếp như thể đấy là trách nhiệm của mình thì hỡi anh chị em công sở, đã đến lúc chúng ta vùng dậy đòi hỏi quyền lợi chính đáng của bản thân!
Chứ như nàng công sở trên, gánh việc cho đồng nghiệp, bị sếp hối thúc không giúp đỡ được gì, xong còn đổ bệnh, không có thời gian ăn chẳng có thời gian ngủ thì khổ thân quá, đấy là bị bóc lột sức lao động rồi còn đâu, nhỉ?
Trang bị những thông tin, kiến thức hữu ích - kịp thời để xây dựng lá chắn bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại: https://lotus.vn/lachanviruscorona
Tải app Lotus để kiểm tra độ hiểu biết, nhận thông báo mới nhất và theo dõi các nguồn tin uy tín về dịch bệnh.
#LaChanVirusCorona #VirusCorona #Lotus #VCCorp