“Dành thời gian thật chất ở bên con”, cụm từ nghe có vẻ rất đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Và vì quá khó, nhiều bố mẹ sẵn sàng chi thật nhiều tiền để mua đồ chơi cho con, hoặc ném cho con một chiếc điện thoại, ipad để con ngồi yên, bố mẹ tự do thoải mái làm việc của mình. Thế nhưng, có một bà mẹ khác lại tách mình ra khỏi phần đông kiểu bố mẹ này. Chị là Hoàng Lan, mẹ của bé Kun 17 tháng, hiện đang sống ở Singapore.
Chị Hoàng Lan - bà mẹ sáng tạo với hàng trăm trò chơi cho con.
Học mà chơi, chơi mà học từ mọi hoạt động trải nghiệm.
Gia đình hạnh phúc của chị Hoàng Lan.
Chị Hoàng Lan thường được những người xung quanh mệnh danh là "bà mẹ siêu sáng tạo", "siêu chịu khó" khi không ngừng tìm tòi, hướng dẫn con cách chơi từ các vật dụng loanh quanh trong nhà hay trên đường đi. Bất cứ chỗ nào, chị cũng có thể tạo ra được trò chơi cho con, giúp con phát triển được rất nhiều nhóm kỹ năng mà không hề tốn nhiều tiền mua đồ chơi. Vì chị quan niệm “càng ít đồ chơi thì càng kích thích được sự sáng tạo trong con. Đồ chơi không quan trọng bằng cách chơi và trò chơi”.
Hãy cùng trò chuyện với chị xung quanh vấn đề này để “học lỏm” thêm nhiều bí quyết tổ chức trò chơi sáng tạo, chẳng tốn mấy đồng cho bé:
Chào chị! Chị thường dành thời gian nào để chơi với con?
Mình và chồng cùng làm toàn thời gian nên gửi bé Kun đi trẻ lúc 13 tháng. Bé đi học khá sớm, nên cả hai bố mẹ đều cố gắng dành thời gian thật chất lượng bên con vào buổi tối và ngày nghỉ.
Từ những vật dụng đơn giản, mẹ có thể nghĩ ra muôn vàn trò để chơi với con.
Trước hết, để có thời gian chất lượng bên con, mình và chồng cùng hạn chế hoặc tắt hẳn máy tính, điện thoại vào buổi tối khi chơi với con, trừ khi để chụp ảnh và gọi điện cho ông bà từ Việt Nam sang. Hai vợ chồng chỉ làm việc khi bé đã ngủ.
Chị thường chơi với bé những trò gì?
Với mình, từ "chơi" không chỉ mang đơn giản một nghĩa là ngồi cố định cùng với đồ chơi mua sẵn và chơi. Bé làm việc nhà, bé khám phá xung quanh... cũng đều là chơi.
Chỉ cần một chiếc vỏ đàn guitar của bố cũng có thể tạo ra trò chơi đi thăng bằng cho bé.
Trò chơi luồn ống hút vào răng lược giúp bé rèn luyện sự khéo léo.
Nơi đâu cũng có thể là chỗ chơi cho con.
Vậy nên mình để con tham gia rất nhiều hoạt động trong nhà. Ví dụ khi mẹ làm bếp, con giúp mẹ đút đũa vào ống hay rửa rau cũng là chơi, bé rất vui và háo hức được giúp mẹ, mà lại rèn bé tính tự lập. Dù nhiều lúc, giúp xong con còn bày bừa tung tóe ra hơn nhưng vợ chồng mình chấp nhận điều đó để bé được học hỏi và khôn lớn.
Trên đường đi học về, con còn lân la sờ hết hàng cây xù xì này đến hoa lá cỏ kia, vừa giúp con yêu thiên nhiên, vừa giúp con khám phá màu sắc của vạn vật. Hai mẹ con cũng cùng chơi đùa và “tập luyện" các động tác Yoga yêu thích trên những tấm thảm Yoga màu sắc.
Ngoài ra, mình còn thường gom “rác” cho con chơi, bởi vì những gì mình gom nhặt lại là cuộn giấy vệ sinh, thùng bìa carton, vỏ chai nước… kết hợp với một số thứ rẻ tiền mua ở đâu cũng có như: dây ruy băng, hạt pom pom, dây buộc tóc, bóng sắc màu, ống hút, bông ngoáy tai… là tạo được muôn vàn những trò chơi thú vị vô cùng cho bé, chứ không cần những gì quá cao siêu.
Mẹ làm bếp, con có thể chơi nồi.
Học từ thực tế cho đến tranh ảnh.
Giúp mẹ gọt rau củ.
Chị có thể chia sẻ về tác dụng của các trò chơi, hoạt động này đối với sự phát triển của trẻ?
Với từng độ tuổi khác nhau, các hoạt động sẽ tập trung phát triển nhóm kỹ năng khác nhau. Bé nhà mình là trong khoảng 12 đến 24 tháng, mình tập trung vào các hoạt động tăng cường: 5 giác quan, cử động tinh/thô, hoạt động nối (matching), hoạt động phân loại (sorting), lắp ráp đơn giản, và kỹ năng sống. Trong đó:
5 giác quan bao gồm: nghe (thính giác), nhìn (thị giác), nếm (vị giác), sờ (xúc giác) và ngửi (khứu giác); giúp bé nhạy bén hơn với các bề mặt chất liệu khác nhau, với màu sắc và âm thanh, mùi vị.
Cử động tinh là cử động dùng các cơ nhỏ của bàn tay, ngón tay và ngón tay cái, giúp tay con khéo hơn và là tiền đề cho việc cầm bút để vẽ hay viết sau này.
Ở mỗi độ tuổi, mẹ lại thiết kế trò chơi thích hợp với kỹ năng của con.
Hoạt động nối (matching skill) là tiền đề cho khả năng quan sát, phát triển ngôn ngữ. Hoạt động nối cũng chính là để chuẩn bị cho hoạt động phân loại (sorting skill) - tiền đề cho kỹ năng toán học và khả năng phân tích quan sát (Theo báo cáo của Đại học Michigan State - Mỹ).
Kỹ năng lắp ráp (assemble skill): là kỹ năng là giúp bé có thể làm theo hướng dẫn, lắp các bộ phần tách rời để thành một khối hoàn chỉnh.
Tháo ra tháo vào, được nghịch lô cuốn tóc của mẹ, bé cũng rất vui.
Lắp ráp.
Luồn tay lấy bóng.
Những kỹ năng trong cuộc sống, như hướng dẫn bé giúp mẹ rửa rau, gấp quần áo, xếp gọn đồ chơi…sẽ giúp bé trở thành một người có ích và biết giúp đỡ cảm thông chia sẻ với người khác.
Ngoài ra, còn rất nhiều các kỹ năng khác như kỹ năng tư duy logic, toán học và ngôn ngữ, khoa học, nghệ thuật dành cho các bé lớn hơn…, nhưng ở độ tuổi của bé nhà mình thì mình tập trung vào các kỹ năng trên.
Chị đã chứng kiến sự tiến bộ của bé qua các trò chơi như thế nào?
Trước hết, điều mình ghi nhận ở con là tính kiên nhẫn được cải thiện hơn rất nhiều. Bé mới đầu không làm được thường hay cáu gắt và ném đồ. Nhưng thái độ chia sẻ cảm thông, khuyến khích của mẹ vô cùng quan trọng để giúp con cố gắng lại. Mình đã chứng kiến những cung bậc cảm xúc của con khi chơi các trò chơi này, từ háo hức đến cáu giận rồi trở nên bình tĩnh hơn rất nhiều.
Dần dần, bé đã trở nên kiên nhẫn, bình tĩnh hơn.
Các hoạt động tinh sử dụng ngón tay của con cũng thành thạo hơn nhiều. Từ lúc chỉ biết đút vào lỗ to, giờ biết đút vào lỗ nhỏ hơn. Từ đút dọc biết đút ngang, từ không biết xoay cổ tay để điều chỉnh chiều đút vào, giờ biết xoay để điều chỉnh cho đúng, từ không biết cầm thìa ăn cơm giờ đã biết tự lập xúc ăn (dù vẫn còn vương vãi vụng về).
Hồi trước, bé hay ôm chân mẹ khóc đòi bế không cho mẹ nấu cơm, giờ thì bé vui vẻ giúp mẹ cất nồi vào đúng vị trí, hay rửa đồ giúp mẹ (thực ra cũng là để nghịch nước luôn)...
Chị có lời khuyên nào cho các bà mẹ bận rộn khác cũng muốn tạo ra thật nhiều trò chơi cho con?
Do đặc thù nghề nghiệp, mình được tiếp xúc với các từ khoá của google. Thật bất ngờ khi từ khoá “đồ chơi cho bé” được kiếm tìm gấp rất nhiều lần từ khoá “trò chơi cho bé”. Mình nghĩ, nhiều mẹ vẫn chưa để ý đến việc tự mình tạo ra trò chơi cho con thay vì mua đồ chơi sẵn.
"Mình muốn góp ý với các mẹ rằng không cần phải những gì quá cao siêu đâu".
Mình muốn góp ý với các mẹ rằng không cần phải những gì quá cao siêu đâu, mẹ có thể cùng con chơi từ rất nhiều hoạt động có sẵn trong nhà hay sinh hoạt hàng ngày. Và khi chơi với con thì đừng kỳ vọng quá cao rằng con sẽ làm “nhoay nhoáy” và tập trung xuất sắc. Hãy để ý nhiều hơn đến giá trị tinh thần mà con nhận được. Đôi khi, chỉ cần con vui, cũng đã là một thành công rồi.
Ngoài ra, các mẹ cũng không nên khen con "giỏi" hay "thông minh" nếu con chơi được, hãy khen con "tiến bộ" để con luôn nỗ lực cố gắng. Bởi vì việc khen con như thế nào thông qua các trò chơi cũng có thể ảnh hưởng đến nhân cách của con sau này (Theo Carol Dweck trong cuốn sách "Mindset" - Tạm dịch: Tư duy khai mở).
Cùng tham khảo thêm một số trò chơi đơn giản bà mẹ sáng tạo này thường làm cho con:
Trò chơi "nghịch bẩn" cho bé thỏa sức chơi đùa với màu sắc.
Trò chơi với chiếc thùng các tông bỏ đi.
Đơn giản với một cái hộp không và một lõi giấy vệ sinh cũng tạo thành trò chơi cho bé