Những câu chuyện từ thực tế làm nên một bác sĩ tài đức vẹn toàn
Cách đây 5 năm, ThS.BS Nguyễn Ngọc Tú (Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) tiếp nhận một sản phụ mang thai ở tuần 31, thai kỳ gặp biến chứng không ai mong muốn: Tràn dịch màng phổi, màng tim và ổ bụng.
Nhiều bệnh viện từ chối can thiệp do thai quá to. Tất cả chỉ cho cô một câu trả lời chung chung là "theo dõi", "chờ sinh rồi can thiệp". Nhưng với tình mẫu tử thiêng liêng, cô nghĩ mình phải làm điều gì đó, thay vì ngồi một chỗ để số phận quyết định. Và cô lựa chọn BS Tú làm nơi "chọn mặt gửi vàng".
Sáng thứ 4, sản phụ đến gặp bác sĩ để khám, hội chẩn. Chiều hôm ấy, cô quyết định làm thủ thuật. Thứ 5, cô đến làm bệnh án, tiêm mũi trưởng thành phổi đầu tiên. Thứ 6 quay lại tiêm mũi trưởng thành phổi thứ 2. Sáng thứ 7, cô vào phòng mổ làm thủ thuật đặt ống shunt dẫn lưu dịch. Tất cả mọi thứ cứ xảy ra chóng vánh như thế.
11 sáng thứ 7, BS Tú bước ra khỏi phòng mổ, nhanh chóng nhắn tin thông báo đến người thân: "Xong rồi. Tạm thời ổn". Nghe xong, ai cũng thở phào. Nhưng phẫu thuật thành công mới chỉ là bước đầu tiên.
Sau khi can thiệp đặt ống dẫn lưu dịch hơn 1 tuần, khoang dịch tràn lớn nhất giảm từ 55mm xuống 19mm. Do bị đa ối, tạo áp lực quá lớn lên ống shunt nên dịch tràn không rút tiếp được. Sản phụ phải tiếp tục can thiệp lần 2 để rút bớt ối, dịch tràn cho thai nhi. 3 ngày sau lần làm thủ thuật thứ 2, cô đi khám, dịch tràn xuống chỉ còn 11mm.
Đây là kết quả cực kỳ khả quan. Chiều tối hôm đó, sản phụ chuyển dạ sinh ở tuần 34, nằm trong dự định được lường trước. Sau 1 tuần nằm phòng NICU, con đã tự thở và được ghép mẹ. Đến 4/5/2019, sau khi siêu âm kiểm tra, dịch phổi của con rút hoàn toàn. 2 mẹ con yên tâm bồi dưỡng để rút ống shunt là hoàn tất hành trình vất vả.
"Đó là những ngày tháng mình phải trải qua căng thẳng cực độ. Nhưng kết quả gặt hái được khiến mình thấy những căng thẳng đó thật sự xứng đáng", BS Tú nhớ lại.
Đây không phải là câu chuyện hiếm hoi trong cuộc đời của BS Tú - người đã 2 lần theo dõi thai cho hot mom Hằng Túi và được cô ca ngợi hết lời.
Thai phụ có tiền sử 3 lần phù thai, cứ 28 tuần là thai lưu. Chị đến gặp BS Tú để được thăm khám, làm xét nghiệm. BS phát hiện cơ thể chị có kháng thể chống lại nhóm máu của thai, gây tan máu.
Nắm rõ tiền sử của chị nên khi theo dõi, BS Tú vô cùng sát sao. 24 tuần, sản phụ bắt đầu có biểu hiện thai bị thiếu máu. Dự kiến kế hoạch ngay từ đầu, anh gửi sản phụ qua bệnh viện để truyền máu cho thai.
Thai nhi được truyền máu an toàn. Mọi chỉ số đều tốt. Nhưng vì phù thai 3 lần, lượng kháng thể ngày càng mạnh. Thai nhi cứ nhận bao nhiêu máu thì dần dần lại tan máu. BS Tú chỉ định tiếp tục truyền máu. Sau 3 lần truyền, tình trạng thai nhi tạm ổn. Cán mốc 34 tuần thì được mổ bắt thai, khỏe mạnh bình thường.
"Trường hợp này cũng rất đặc biệt với bác sĩ. Mỗi lần truyền máu, gia đình phải mất vài chục triệu đồng, con số không nhỏ với hoàn cảnh của sản phụ. Đó là chưa kể những lần điều trị tiếp theo", BS Tú nhớ lại.
Thương mẹ con sản phụ vất vả đủ đường, BS Tú quyết định trích món quà nhỏ từ hòm từ thiện của mình. Số tiền này đến từ lòng hảo tâm của nhiều mẹ tới khám, "chỉ mong em bé sau này được khỏe mạnh, bình an", anh nói.
Không phụ lòng mong mỏi của BS Tú, em bé sinh ra khỏe mạnh bình thường. Khi được 6 tháng tuổi, bố mẹ mang con đến gặp BS Tú với niềm biết ơn sâu sắc, còn anh "thật vui vì đã làm được việc có ý nghĩa".
Những kỷ niệm khám chữa bệnh trong thời gian Covid-19 kéo dài, đối với BS Tú, cũng là những tháng ngày không thể nào quên. Vào năm 2021, BS Tú cùng đồng nghiệp thành công ca truyền máu cho thai nhi trong bụng mẹ. Đây là trường hợp 3 lần mất con vì mắc bệnh lý Rh âm.
"Đây là nhóm máu hiếm và khi mang thai gây ra tình trạng tan máu thai nhi. Thai nhi mất máu dẫn đến phù thai và tử vong", BS Tú nhận định.
Thai phụ đi khám nhiều nơi, không thể điều trị, được giới thiệu đến BS Tú. Ngay khi tiếp nhận, BS Tú hiểu rất rõ bệnh lý, biết mình có thể làm được. Anh cho truyền máu thai nhi 2 lần.
"Thai cần được truyền máu hiếm, rất khó có thể lấy máu được đúng thời điểm. May mắn, bằng mọi cách, bọn mình đã có được những bịch máu quý giá hơn vàng", BS Tú nhớ lại.
Lần thứ 2 truyền máu, đúng ngày 28 Tết, gia đình sản phụ bị cách ly do Covid-19. Được sự đồng ý của ban giám đốc, BS Tú cùng đội ngũ của mình thiết lập quy trình cách ly, liên hệ bệnh viện huyện, đưa xe chở riêng sản phụ đến bệnh viện, đi theo phân luồng cách ly.
Cuối cùng, em bé cũng cán mốc 35 tuần. Đến lúc lấy con ra, phải cho hồi sức một lúc mới khóc được. Da con vàng nhợt, máu trong cơ thể chỉ còn 1/3. BS Tú chỉ định truyền máu thêm 2 lần, tiêm những chất trung hòa kháng thể của mẹ.
"Con được ra viện, khỏe mạnh bình thường. Mình thật sự biết ơn sự ủng hộ của mọi người, từ những người thầy chỉ đạo trực tiếp mình theo dõi, mổ lấy em bé, đến những tấm lòng của hot mom Hằng Túi và nhiều mẹ khác ủng hộ em bé 120 triệu đồng. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, con đã ra đời một cách khỏe mạnh nhất", BS Tú cười nói.
Mặc dù vậy, trong quá trình hành nghề, BS Tú cũng gặp không ít các trường hợp không thể cứu chữa. Khi nhận tin buồn phải thông báo chấm dứt thai kỳ đến sản phụ, với anh, đây không phải chuyện dễ dàng. Anh luôn thu thập càng nhiều thông tin càng tốt để sản phụ và gia đình đỡ bị sốc.
"Sau đó, người ta quyết định như thế nào thì mình ủng hộ thôi. Nhưng đôi khi mình cũng dùng quyền của mình để áp đặt không được đình chỉ bào thai. Con chắc chắn sẽ phát triển khỏe mạnh, bình thường mà, sao lại nhẫn tâm bỏ con?", vị bác sĩ trầm ngâm nói.
Khao khát cùng đồng nghiệp chăm sóc, điều trị thai nhi ngay từ trong bụng mẹ
Chưa bao giờ tự mình khoe khoang, BS Tú luôn nói cảm ơn sau mỗi ca bệnh là nhờ sự giúp đỡ của nhiều người. Bởi, anh luôn quan niệm: "Cố gắng góp phần cùng với đồng nghiệp y học bào thai khác của nước nhà, nâng cao khả năng chăm sóc và điều trị cho những thai nhi trong bụng mẹ".
Vậy nên, một ngày làm việc của BS Tú khá bận rộn, xoay quanh việc cứu giúp thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Buổi sáng anh làm siêu âm, chiều thực hiện can thiệp bào thai. Đến tối, vị bác sĩ tiếp tục thăm khám cho sản phụ có nhu cầu tại phòng khám của mình.
Từ hình ảnh siêu âm, bác sĩ này có thể chẩn đoán những bất thường, đưa ra thêm chỉ định. Đó là lý do anh dễ dàng chẩn đoán và điều trị dứt điểm tình trạng thiếu máu, tràn dịch màng phổi ở thai nhi, truyền ối, đặt shunt...
Anh cũng là một trong những người đầu tiên của Việt Nam làm sinh thiết gai rau, rút ngắn thời gian phải chờ đợi xem thai nhi có bất thường gì. Ví dụ, siêu âm ở tuần 12 dự đoán có bất thường nhưng phải đến tuần 16 mới chắc chắn. Thay vì chờ đợi, anh sẽ thực hiện thủ thuật này để có kết quả sớm hơn. Nói chung là bất cứ vấn đề gì cần can thiệp để thai nhi khỏe mạnh bình thường, cho đến khi chào đời, BS Tú đều một tay đảm đương tất cả.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, BS Tú cho biết, anh sẽ tiếp tục nâng cao tay nghề, chuyên môn qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước.
"Mình muốn ngày càng làm tốt hơn những việc này, đặc biệt có thể khắc phục các vấn đề cho em bé ngay trong tử cung. Mong rằng niềm vui sẽ đến với cha mẹ ngay từ những hạt mầm hi vọng đầu tiên, không có buồn lo, bất hạnh. Chữa bệnh cho con ngay trong bụng mẹ không dễ dàng nhưng bác sĩ sẽ làm hết sức", BS Tú mỉm cười và nói.