Liên lạc với Bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Tâm - BS Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Dã chiến số 1, số 13 và số 14 - hỏi về những điều nhỏ nhặt lồng giữa những việc làm lớn lao mà anh đã cống hiến, chúng tôi càng thấu rõ sứ mệnh của một người làm nghề Y - dù giờ nghỉ ngơi, chuyện ăn uống cá nhân, ngủ nghỉ, đều phải cân nhắc và sắp xếp ưu tiên cho trọng trách chữa bệnh, cứu người của mình.
GIỜ NGHỈ TRƯA CỦA BÁC SĨ... CŨNG LÀ CỦA BỆNH NHÂN
Bác sĩ Tâm cho biết: "Đối với các Khoa điều trị nội trú gần như không có buổi trưa trọn vẹn, bệnh nhân vào lúc nào sẽ tiếp nhận và khám bệnh lúc đó, hoặc bệnh nhân có vấn đề gì khó chịu trong người, hoặc khi trở nặng thì nhân viên buộc phải đến khám, xử trí kịp thời.
Do thời gian nghỉ trưa ngắn và có thể có bệnh nhân bất cứ lúc nào, nên đa số nhân viên sẽ ăn tại căn tin bệnh viên, hoặc ăn thức ăn mang theo do gia đình hoặc cá nhân tự chuẩn bị, nhưng cũng có một số ít trường hợp có thể ăn trưa ở những quán gần bệnh viện.
Mình làm ở Khoa Điều trị nội trú nên hầu như không ra ngoài bệnh viện ăn trưa, vì như thế sẽ hao tốn thời gian nghỉ trưa vốn đã ít, đồng thời bản thân có thể xử trí nhanh những việc khi cần ở phòng bệnh của mình".
Đối với một bác sĩ, đang giờ nghỉ nhưng xảy ra việc khẩn cấp khiến họ phải bỏ ngang giờ nghỉ quay lại làm việc là chuyện quá đỗi bình thường.
"Trường hợp bỏ ngang giờ nghỉ trưa diễn ra hằng ngày tại Khoa Cấp cứu hoặc Khoa Điều trị nội trú. Mình nhớ một trưa hôm nọ, khoảng 12 giờ mình chỉ vừa ngồi xuống ăn trưa, mới ăn được vài muỗng cơm đầu thì Khoa báo có ca trở nặng, cần đặt nội khí quản thở máy, mình bỏ luôn dĩa cơm đang ăn dở, ba chân bốn cẳng chạy ra để cấp cứu bệnh nhân, sau đó bệnh nhân được xử trí ổn".
GIỜ TRỰC KHÔNG GIỐNG TƯỞNG TƯỢNG CỦA NHÂN VIÊN VĂN PHÒNG BÌNH THƯỜNG
Giờ làm việc tất nhiên phải tập trung cao độ, nhưng giờ nghỉ trưa cá nhân các bác sĩ cũng không thể thả lỏng tinh thần, đầu óc để nghỉ ngơi hoàn toàn. Nhưng khung giờ đáng sợ nhất phải kể đến giờ trực.
Nếu với những nhân viên văn phòng bình thường, giờ trực thường là giờ túc trực cần nhân sự phòng hờ để hỗ trợ những sự cố phát sinh. Chẳng hạn phóng viên sẽ trực để nếu có sự kiện thì kịp thời đưa tin nóng, tổng đài viên hỗ trợ khách hàng có mặt để nghe máy khi họ cần... Chính vì tình huống "có việc mới cần làm" nên những nhân viên văn phòng bình thường có thể tranh thủ để nghỉ ngơi, làm một số việc riêng miễn là không ngủ như ăn uống, đọc sách, xem phim, lướt facebook... giờ trực không hoàn toàn làm việc 100% thì đối với một bác sĩ hoàn toàn ngược lại.
"Giờ trực khối lượng công việc sẽ nhiều hơn giờ làm việc bình thường. Vì giờ hành chính có nhiều nhân sự, còn giờ trực chỉ có Ekip trực. Cụ thể Ekip trực Khoa của mình gồm 1 bác sĩ, 6 điều dưỡng. Còn giờ hành chính gồm 6 BS cơ hữu cộng với các giảng viên và các BS nội trú.
Giờ trực 1 bác sĩ làm những công việc sau: Khám, tiếp nhận bệnh mới, xử trí những bệnh nhân trở nặng đang điều trị tại khoa, xử trí xét nghiệm về, đi hội chẩn nội viên-ngoại viện, mổ cấp cứu (đối với BS ngoại khoa), tiếp hội chẩn, chuyển viện (đối với bệnh nặng như thở máy qua nội khí quản), cấp cứu ngoại viên, cho thuốc cho ngày hôm sau đối với bệnh nặng… Với khối lượng công việc nhiều như trên nên bác sĩ trực tuyệt đối không được rời khỏi bệnh viện vào giờ trực (trừ trường hợp đi hội chẩn ngoại viện hoặc cấp cứu ngoại viện có BS khoa khác hỗ trợ trực thay)".
NGỦ TRƯA 10 - 15 PHÚT RẤT QUAN TRỌNG
Vì cơ bản đặc thù của một bác sĩ sẽ khác văn phòng bình thường, không thể trải chiếu đắp chăn ngủ liền giấc cả tiếng đồng hồ, nhưng khối lượng công việc lại nhiều hơn và đòi hỏi sự tập trung cực kỳ cao. Thế nên để tỉnh táo và làm việc hăng say, anh chia sẻ bí quyết chăm sóc sức khoẻ bằng cách: "Ngoài giờ làm mình thường chơi thể thao, hoặc làm một việc yêu thích nào đó để giải trí, đêm thì phải tranh thủ ngủ đúng giờ để đảm bảo tỉnh táo, tập trung cho ngày làm việc hôm sau".
Nhiều dân văn phòng có quan niệm rằng nếu giờ nghỉ trưa không ngủ thì buổi chiều sẽ không thể làm việc hiệu quả. Điều này chính bác sĩ Tâm cũng có cùng ý kiến: "Đối với mình giấc ngủ trưa rất quan trọng, ngủ khoảng 10-15 phút cũng được, không cần ngủ nhiều, có như vậy đầu óc mới được tỉnh táo mà tập trung cho công việc buổi chiều. Hôm nào không được ngủ trưa thì sau giờ làm về nhà mình rất mệt, không thể làm thêm việc gì cả. Đã vậy mình là người rất khó ngủ, có khi nằm vậy thôi chứ không chợp mắt được, nên nghỉ trưa mà ngủ được 10-15 phút với mình rất quý giá".
Giờ nghỉ trưa và giấc ngủ trưa càng có giá trị hơn với anh chính vì anh đã đi qua 3 Bệnh viện Dã chiến ở thời điểm đại dịch căng thẳng. Cường độ làm việc rất cao khi anh đảm nhận vị trí Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp với tính chất công việc rất khác và rất nhiều so với công việc hằng ngày của anh tại bệnh viện.
"Thời điểm đó mình làm việc 24/7, không biết đến định nghĩa giờ nghỉ là gì, cứ tranh thủ chợp mắt được lúc nào thì hay lúc đó. Mỗi ngày 6 giờ sáng phải tổng hợp số liệu báo cáo Sở Y tế, sau đó tiếp điện thoại từ các Cơ sở Y tế liên hệ chuyển bệnh rất nhiều, mỗi ngày hàng trăm cuộc gọi đến và gọi đi. Song trách nhiệm của mình còn là điều phối việc nhận bệnh, liên hệ hội chẩn với tuyến trên để chuyển các bệnh nặng, giải quyết các công việc phát sinh trong bệnh viện, giải đáp thắc mắc cho thân nhân, bệnh nhân, điều phối xe cứu thương chuyển bệnh và cấp cứu ngoại viện, tìm tình nguyện viên đến hỗ trợ bệnh viện, chưa kể các việc khác như soạn công văn, văn bản, họp trực tuyến hằng ngày với Sở Y tế…".
"CÓ ĐAM MÊ THÔI LÀ CHƯA ĐỦ ĐỂ THEO NGHỀ"
Nói riêng về chuyện giờ nghỉ trưa bị "lấn chiếm", bác sĩ Tâm chia sẻ: "Đa số các ngành nghề thì giờ nghỉ trưa gần như được trọn vẹn, riêng ngành Y khá đặc thù, nên khi xác định đã theo nghề thì phải trải qua và chấp nhận những đặc thù nghề nghiệp đó. Tuy nhiên thỉnh thoảng nhìn mọi người thong thả nghỉ trưa không phải áp lực, mình cũng cảm thấy thiệt thòi một chút so với những ngành nghề khác...".
Theo anh nghĩ: "Để làm được công việc có giờ nghỉ trưa không "an nhàn" như vậy, trước hết là phải có đam mê, tuy nhiên đam mê chỉ là một phần. Môi trường làm việc là một trong những yếu tố tiên quyết để nhân viên ở lại gắn bó. Đối với công việc của mình hiện tại, thứ nhất là về mặt lãnh đạo khoa các anh chị rất quan tâm, luôn chỉ dạy, sửa chữa những sai sót và không tạo nhiều áp lực cho đàn em, thứ hai là anh chị em đồng nghiệp trong khoa luôn vui vẻ, hòa đồng và giúp đỡ nhau, nhã nhặn nhưng luôn giữ khuôn phép".
Với khối lượng làm việc khổng lồ, thời gian làm việc cả khi giải lao cũng không được ngơi nghỉ, phải nói dù có ngồi phòng điều hoà, làm công việc với hồ sơ giấy tờ, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để cống hiến như những người thầy thuốc.