Vài ngày nay, tấm bảng nội quy với chủ đề “20 điều làm anh Tư buồn” đang
được cộng đồng mạng chia sẻ liên tục. Hiện bảng nội quy này đang được đăng tải
trên nhiều trên các diễn đàn, fanpage và hút hàng trăm bình luận bởi sự hài hước.

Tẩm bảng với những điều như “Anh Tư nói không nghe, anh Tư buồn”, Rửa xe
dơ, anh Tư phát hiện”, “Đi không xin phép anh Tư, anh nhớ”, “Hút thuốc là không
mời Tư, Tư thèm”, “Nghiêm cấm không trêu ghẹo khách hàng cửa Tư, nhất là gái, để
Tư chọc thôi”… khiến người đọc phải phì cười vì sự ngộ nghĩnh.
Anh Tư là ai?
Qua nội dung “20 điều làm anh Tư buồn”, người xem có thể đoán được đây là bảng nội quy trong một tiệm rửa xe. Qua tìm hiểu, người sáng tạo nên tấm bảng nội quy có một không hai này là anh Nguyễn Thạch Thuận (26 tuổi), chủ tiệm xe Race Bikes (34A Vườn Lài, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM).

Về sự ra đời của tấm bảng, Thuận cho biết mình đã viết và treo lên tường
cách đây 4 tháng. Anh treo ở giữa lối vào tiệm sửa xe, để ai cũng có thể nhìn
thấy. Anh Tư không phải biệt danh của Thuận. “Tuy nhiên, trong nhà mình có ba anh chị em, người anh đầu gọi
là anh hai rồi đến chị ba, còn mình là thứ tư. Mọi người vì thế hay gọi mình là anh Tư hoặc anh Ba bịu”, Thuận giải thích.
Thuận làm nghề sửa xe
Tiệm sửa xe đã được Thuận cùng anh trai mở cách đây 8 năm và có nhiều bạn
trẻ thành nhề từ đây. Hiện tại có khoảng 4 nhân viên đang làm tại cơ sở của Thuận.
Những nhân viên đều là các bạn mới đôi mươi nên nhiều khi hơi cứng đầu, thiếu
nghiêm túc trong công việc nhất là hay vứt đồ đạc lung tung.
“Vì thế mình phải nhắc nhở các em dần dần để vào nề nếp như tháo lắp xe
phải để đồ gọn gàng, khách họ nhìn thấy thì mới ưng mắt; ăn mặc thì phải lịch sự. Nói
chung nơi làm việc nào cũng phải có nội quy. Tuy nhiên, mình không muốn mắng
nhiếc nặng nề hoặc liệt kê nội quy một cách khô khan nên nghĩ ra cách viết như
vậy, chỉ nửa tiếng là viết xong hết và đặt tên là “20 điều làm anh Tư buồn” cho
thân thiện”, Thuận giải thích.
Tấm bảng hài hước được Thuận viết chỉ trong nửa tiếng
Theo ông chủ, tấm bảng có những điều phạt nhưng chỉ để cho vui, trước giờ
chưa phạt nhân viên nào. Mục đích chính là sự nhắc nhở nhẹ nhàng, để anh em trong
tiệm tự ý thức với nhau. Và sau khi treo bảng, các hành vi vi phạm giảm hẳn,
nhân viên cũng ít cự cãi vì đã có nội quy rõ ràng.
“Thực ra trong 20 điều thì kiểu gì ngày nào cũng có người vi phạm. Nhưng
các em tự nhắc nhau là “Mày làm anh Tư buồn kìa” thì nghe rất thoải mái, dần dần
ai cũng ý thức để tránh vi phạm nội quy”, Thuận cười.
Hầu như ngày nào cũng sẽ có nhân viên làm “anh Tư buồn”, và thậm chí có
khi chính chủ nhân tấm bảng vi phạm nội quy. Khi bị chính nhân viên nhắc lại,
Thuận lại cười, chỉ xuống điều 20, tỉnh queo: “Anh Tư luôn đúng, anh Tư không
bao giờ sai. Nếu anh Tư sai thì cứ cho anh Tư đúng”. Tuy nhiên, mình sai thì tự
nhận lỗi chứ không cậy là chủ”, Tư chia sẻ
Tốt như anh Tư
Năm nay anh Tư 26 tuổi, đã lập gia đình và có một cậu con trai 2 tuổi
kháu khỉnh. Vợ làm công nhân, chồng sửa xe. Nhà anh ở quận 12, ngày nào cũng đến
đây từ 8 giờ sáng, cùng anh em sửa xe cho khách, chiều tối thì về.
Học đến lớp 9 vì yêu xe phân khối lớn nên Thuận học nghề sửa xe
Thuận vốn có một niềm đam mê lớn với xe mô tô phân khối lớn. “Học đến lớp
9, mình thi vô trường Trung cấp Kỹ thuật Cao Thắng học nghề sửa xe và học song song cấp 3 luôn. Sau
này, cùng anh trai mở tiệm sửa xe, bán phụ tùng… Thời gian đầu, mình còn xin đi
làm thêm cả bảo vệ, công nhân sau đó chuyển hẳn sang sửa, “độ” các loại xe”,
Thuận chia sẻ.
Khác với suy nghĩ của nhiều người về ông chủ “dễ buồn, dễ giận”, thực tế
ngoài đời anh Tư rất hài hước, có duyên. Theo anh Tư, gần như không có khoảng
cách trong tiệm, mọi người đều coi nhau như anh em trong nhà. Tuy nhiên, với
Thuận, bình thường vui tính nhưng khi làm việc lại luôn nghiêm túc, làm ra làm
chơi ra chơi.
Trong công việc, anh Tư luôn nghiêm túc
Thuận luôn sẵn sàng cưu mang các em mới chập chững theo nghề luôn lấm
lem dầu nhớt này. Suốt gần 8 năm qua, nhiều “đệ” của anh Tư đã ra nghề, mở được
tiệm riêng. Điều thú vị là ông chủ luôn sẵn sàng dạy nghề nhưng lại không lấy một
đồng học phí.
“Mình không nghĩ là dạy nghề, đơn giản là biết gì thì chỉ bảo lại các em
thôi nên ai nỡ tính học phí. Ngoài ra, em nào khó khăn thì có thể ở lại tiệm,
bao ba bữa cơm, hàng tháng mình cũng gửi tiền công đàng hoàng, cuối tháng thì tổ
chức đi chơi bằng mô tô. Nếu em nào cảm thấy theo được nghề thì mình luôn sẵn
sàng hỗ trợ nhiệt tình”, Thuận bộc bạch.
Các nhân viên được anh Tư hỗ trợ nhiệt tình trong cuộc sống, công việc
Bạn Trương Văn Phong (19 tuổi, quê Lào Cai) chia sẻ: “Em học nghề ở đây được ba tháng và ăn ở lại trong tiệm luôn. Các anh em ở đây sống thân thiện với nhau lắm. Riêng anh Tư thì vui tính nhưng khi làm việc thì nghiêm nghị, thẳng tính. Nếu mình làm sai là anh nói thẳng thắn để rút kinh nghiệm”.