Câu chuyện về chàng sinh viên Lê Doãn Ý (23 tuổi, ĐH Mở Hà Nội tại Đà Nẵng) trả lại sổ tiết kiệm hơn 1,3 tỷ đồng nhặt được cho người đánh mất đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Chúng tôi đã liên lạc với chị Phạm Ngọc Minh Thư, chủ nhân của số tiền bị đánh mất để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này.
Chị Thư hiện đang làm công tác sinh viên ở trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm ở Đà Nẵng. Ngày 22/3, chị Thư đã đánh rơi chiếc ví trên đường Phan Tứ (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Trong ví có 15,5 triệu đồng tiền mặt, một điện thoại iPhone 5s, giấy tờ xe SH và hai sổ tiết kiệm trị giá hơn 1,3 tỷ đồng mang tên Phạm Ngọc Minh Thư.
Chị Phạm Ngọc Minh Thư bên cạnh Lê Doãn Ý - cậu sinh viên thật thà đã trả lại toàn bộ số tiền 1,3 tỷ nhặt được.
"Tôi đi trình báo vụ việc với Công an phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Chồng tôi gọi vào số máy điện thoại bị mất của tôi thì không ai bắt máy, nhưng lát sau có một người điện thoại vào số của chồng tôi hỏi thăm chủ nhân của cái ví. Tôi lấy điện thoại của chồng gọi lại, bên kia hẹn 19g đến nhà nghỉ Sao Mai nhận lại đồ đánh mất." - Chị MinhThư chia sẻ.
Sau khi nhặt được chiếc ví, Ý đã liên lạc với chị và hai người hẹn gặp ở nhà nghỉ Sao Mai 2. Mới đầu chị Thư lo sợ việc nhận lại tài sản sẽ gặp bất trắc, lại có 4 địa chỉ nhà nghỉ Sao Mai trên cùng địa bàn nên đã nhờ công an giúp đỡ. Lúc nhận lại chiếc ví bị mất vẫn đầy đủ tiền bạc, điện thoại, giấy tờ chị Thư rất mừng và đã đưa cho Ý một số tiền để cảm ơn nhưng Ý khăng khăng không nhận.
“ Mình đã gửi cho Ý một số tiền ngay lúc đó. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng là tấm lòng của gia đình. Ban đầu Ý không nhận nhưng sau khi các anh công an và gia đình nói mãi Ý mới ngại ngùng nhận. Sau này gia đình cũng có mời Ý đi liên hoan nhưng Ý đã từ chối vì bận đi học và đi làm ”.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Thư không giấu được sự vui mừng và bất ngờ khi trên đời vẫn còn những người tốt và khiêm tốn như Ý. Trước câu chuyện này, bên cạnh những người khen ngợi và khâm phục sự thật thà, tốt bụng của cậu bạn sinh viên này thì cũng có không ít người bảo rằng Ý… dại dột khi nhặt được số tiền lớn như thế mà vẫn mang trả lại. Lại còn có ý kiến nhận xét theo chiều hướng tiêu cực, rằng: "nhặt được sổ tiết kiệm thì trả lại là đúng rồi, chứ làm sao mà rút được tiền".
Với tư cách là chủ nhân của tài sản bị mất, chị Thư đã chia sẻ: “Có câu “sông càng sâu càng tĩnh lặng, lúa càng chín càng cúi đầu”. Người làm việc tốt lại rất khiêm tốn. Mình nghĩ những người có bình luận tiêu cực về Ý khó mà giàu được, vì các bạn ấy nghèo lòng tin quá. Các bạn ấy hơi thiếu suy nghĩ và thực dụng khi bảo rằng Ý dại. Nhưng mình cũng tin rằng, ngọc sẽ sáng mãi như thế, bất chấp người ta có tin rằng đó có phải là ngọc hay không."
Thậm chí, trước những ý kiến ác ý của một số cư dân mạng cho rằng: "Vì đấy là sổ tiết kiệm, không "ăn" được nên bạn Ý mới trả lại chủ nhân", chị Thư đã tỏ ra cực kì bức xúc:
"Mình là người mất tài sản, vài lời với các bạn. Số tiền 15.5 triệu và cái điện thoại đối với mình cũng là lớn. Ngoài ra, về 2 cuốn sổ tiết kiệm, có ngân hàng bịt mặt vẫn rút được tiền, chỉ cần đưa CMND và sổ tài khoản là ok (mình đã từng như vậy). Thêm nữa là trong đó có một tờ giấy biên nhận, có chữ ký của mình (cũng tương đối dễ giả chữ ký lại) mà xui xui gặp nhân viên ngân hàng chủ quan, hoặc nghiệp vụ non thì thôi xong. Cuộc đời mà, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nói vậy để các bạn biết là mình rất trân trọng và biết ơn Ý đã trả lại tài sản cho mình. Một sinh viên phải đi làm thêm lấy tiền ăn học nhưng không tham của rơi, cũng hiếm có lắm đấy ạ. Nhờ mọi người, trước khi gõ phím và chửi người khác, vui lòng tự đặt mình vào trường hợp đó nhé." - Ý kiến này của chị Minh Thư đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người.
Chân dung của cậu bạn Lê Doãn Ý - một tấm gương sáng về lòng tốt trong cuộc sống bây giờ
Trên trang cá nhân của mình chị Thư cũng có viết: "Nói thiệt tình, tất cả mọi người không ai ngờ được, một sinh viên nghèo, ở trọ tại môi trường có nhiều đối tượng trộm cắp và phức tạp (đường Phan Tứ) lại trung thực và đạo đức đến vậy. Nếu là người khác, hoặc là họ lấy tiền mặt, còn quăng giấy tờ và điện thoại đi, hoặc là tham hơn, họ sẽ đòi tiền chuộc để chuộc lại giấy tờ, hoặc xin pass điện thoại để đổi giấy tờ. Nói một cách thực tế, người tốt như em, có lẽ ngàn người mới có một."