Tìm ra cách học 1 biết 2 trong quá trình tự học
Anh Nguyễn Tiến Nùng sinh năm 1974, từng học Đại học Luật và Đại học Kinh tế quốc dân. Sau đó, anh du học tại chỗ tại Đại học Ngoại thương Hà Nội và tốt nghiệp thạc sĩ Luật Kinh doanh quốc tế - Đại học Tours và thạc sĩ Quản trị dự án - Đại học Nantes. Anh có hơn 10 năm đảm nhiệm các vị trí khác nhau tại các đơn vị kinh doanh và văn phòng luật của Việt Nam, cũng như 8 năm làm việc tại các công ty có vốn đầu tư của Mỹ, Singapore và Israel.
Hiện tại anh Nùng đang là luật sư - Đoàn luật sư Hà Nội. Là một người yêu thích ngoại ngữ nhưng thứ tiếng đầu tiên vị luật sư này theo học không phải tiếng Anh mà là tiếng Pháp. "Năm 20 tuổi, tôi bắt đầu học tiếng Pháp ở Đại học Luật. Sau đó tôi theo học cao học dịch chuyên ngành tiếng Pháp tại Trung tâm đào tạo Biên – Phiên dịch, Học viện Quan hệ quốc tế rồi đi làm.
Năm 2017, sau khi đi làm một thời gian, tôi muốn mở một văn phòng luật riêng. Lúc đó tôi nghĩ đến việc phải giỏi tiếng Anh để tư vấn cho các đối tác nước ngoài. Trước đó tôi từng làm việc cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên biết được các hợp đồng đều bằng tiếng Anh".
Trong thời gian này, anh Nùng bắt đầu theo học các lớp tiếng Anh pháp lý. Anh chia sẻ: "Tôi rất chăm học nhưng chẳng hiểu sao đọc viết toàn sai và rất hay quên. Cứ học xong, biết được từ nhưng lại không nhớ được nghĩa, được một thời gian sau lại quên sạch".
Sau đó, anh Nùng tình cờ đọc được thông tin trên mạng về một phần mềm tư vấn luật online. Anh Nùng lúc đó giật mình nghĩ, vài năm nữa công nghệ thông tin có thể thay thế trí tuệ con người. Nếu mình không cố gắng học tiếng Anh thì sẽ bị bỏ lại.
"Tôi cảm thấy công nghệ có ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, tôi bỗng nghĩ đến tin học và phép nhị phân. Từ đó, tôi chợt nghĩ đến việc học tiếng Anh bằng Nhị ngữ - Bilet /’Bailət/. Khi học một từ nào đó, ta sẽ không học từ đơn mà sẽ học theo một cặp từ, học cả cụm từ liên quan. Học cách này giúp chúng ta nhớ được từ dễ hơn, biết vận dụng đúng trường hợp, ngữ cảnh.
Chẳng hạn khi học từ "cộng hòa", ta sẽ học luôn cả từ "xã hội chủ nghĩa" và biết luôn từ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa"; "tự do" thì học kèm "bình đẳng", "bác ái",... Khi học từ "trán", ta sẽ học luôn các từ liên quan như "thái dương"; học từ "cốc" thì đi kèm luôn "cái lót cốc", "cái thìa khuấy"; học từ "rau cải thìa" thì học luôn "rau cải bẹ xanh", học "cái nạo" thì kèm luôn cả từ "cái gọt vỏ", "mổ cá" thì đi với "đánh vẩy"; "quyển sách" thì đi liền với "bìa sách", "gáy sách"... Những từ liên quan này rất nhiều người không biết và dùng sai nghĩa. Khi nói chuyện với người nước ngoài, mình dùng sai từ thì họ không hiểu".
Anh Nùng cho biết, điểm khác biệt của phương pháp Nhị ngữ là không chỉ cung cấp các cụm từ trái nghĩa, đồng nghĩa thông thường mà còn là các cụm từ liên quan đến nhau về lĩnh vực nào đó. Chẳng hạn như các từ cùng chỉ về bộ phận trên cơ thể, về rau củ quả, về thể thao, thể dục, các từ có cùng hậu tố,...
Với cách học Nhị ngữ, anh Nùng cho biết nếu chăm chỉ, người học có thể ghi nhớ được hàng trăm từ, cụm từ mỗi ngày và nhớ hơn 10 nghìn từ trong vòng 3-4 tháng.
Tìm được các cặp từ, cụm từ như tìm ra kho báu
Sau khi nghĩ ra cách học mới, anh Nguyễn Tiến Nùng mất 7 tháng liền, tra cứu để tìm ra những cụm từ tiếng Anh liên quan đến nhau. "Có những từ tôi nghĩ ra rồi nhưng tìm mãi mà không ra từ nào liên quan tới nó cả. Dần dần trong quá trình tìm hiểu, tôi mới tìm ra được. Đến tháng thứ 8 thì những vấn đề cơ bản đã giải quyết xong.
Trong thời gian nghiên cứu, tôi phải gác hết lại mọi công việc. Ngày nào cũng làm việc 12 tiếng đồng hồ, đọc đủ mọi tài liệu từ trong nước đến nước ngoài. Hôm nào cũng ngồi tra cứu đến đêm. 4h sáng đi ngủ, 6h sáng đã dậy. Tìm các chủ đề của Nhị Ngữ như đi tìm kho báu. Cứ tìm được một kho thì lại thấy kho khác nhiều hơn, giá trị hơn. Sau 8 tháng, tôi đã tìm ra hơn 30 chủ đề gồm 14 nghìn cặp từ liên quan tới nhau".
Anh Nùng sau đó có chia sẻ cách học của mình cho một số người bạn. Nhận được lời khen và sự động viên của bạn bè, anh Nùng quyết định đi đăng ký bản quyền 30 chủ đề Nhị ngữ và hợp tác xây dựng ứng dụng "Biletlingo" để giới thiệu cách học này đến đông đảo mọi người.
Ứng dụng Biletlingo cung cấp các cụm từ, hình minh họa, cách phát âm và các ví dụ, liên kết google đi kèm.
Chia sẻ về ứng dụng "Biletlingo', anh Nùng thích thú cho biết: "Hiện tôi mới đưa lên app 15 nhóm chủ đề và sẽ tiếp tục đưa thêm trong thời gian sắp tới. Mỗi cụm Nhị ngữ được đưa vào app đều có tra bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Các từ có hình ảnh minh họa, có cách phát âm chuẩn đi kèm. Ngoài ra với mỗi từ, tôi đều đưa ra các ví dụ gắn với "How to" do người bản ngữ sử dụng và các hình ảnh liên kết với công cụ tìm kiếm Google để bảo đảm thông tin khách quan và người học dễ nhớ hơn.
Đây đều là những bài báo, câu văn của người bản ngữ nên hoàn toàn chính xác. Người học được gợi ý thêm tài liệu sẽ có tư duy rõ hơn về nghĩa của những từ, cặp từ này".
Sau khi tạo ra ứng dụng Biletlingo, anh Nùng nhận ra chỉ biết từ thôi là không đủ, người học còn cần đọc phát âm đúng thì mới thực sự giỏi tiếng Anh. Chính vì vậy anh Nùng quyết định nghiên cứu và cho ra mắt cuốn sách "Thực hành đánh vần tiếng Anh bằng Nhị ngữ". Cuốn sách này anh mất tròn 1 năm để viết xong, bao gồm 9 chương liên quan đến quy tắc phiên âm quốc tế, các chữ trộn, chữ ghép,...
Theo anh Nguyễn Tiến Nùng, độ tuổi phù hợp nhất để theo đuổi phương pháp học tiếng Anh bằng Nhị ngữ là học sinh từ lớp 6 trở lên, người lớn cũng có thể sử dụng phương pháp này. Nếu nhỏ tuổi hơn, cần có sự hướng dẫn của người lớn.
Hiện tại anh Nùng đã giới thiệu phương pháp học tiếng Anh bằng Nhị ngữ đến nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội và nhận được phản hồi tích cực. Anh Nùng tiết lộ, trong thời gian tới sẽ hợp tác với các trường, đưa phương pháp Nhị ngữ vào làm công cụ hỗ trợ cho học sinh trong việc học tiếng Anh.