Một năm trôi qua thật nhiều biến động với vô vàn đắng, cay, ngọt, bùi. Nhưng sự ngọt ngào của năm 2022 có lẽ được tô điểm thêm nhiều chút vì sự tử tế mà tình người dành cho nhau. Có thể là hoàn cảnh khó khăn nào đó được mạnh thường quân cấp tiền hỗ trợ hay một em nhỏ được tài trợ đến trường. Ở nơi đâu cũng tràn ngập sự cho đi dù là nhỏ bé, giản đơn nhất. Và trong vô vàn sự ấm áp trong năm nay, có 3 cách cho đi đặc biệt khiến nhiều người phải bất ngờ lẫn thán phục.
Bất ngờ vì những lần tiếp cận hoàn cảnh kém may mắn của họ vô cùng tinh tế, nhẹ nhàng. Không cần cầu kỳ hay rầm rộ mà vẫn ngày qua ngày trao đi yêu thương. Còn thán phục ba người này thì phải cần hai lần giải thích. Lần giải thích thứ nhất thì người xem video đều đã được xem tận mắt, nghe tận tai nhiều lần làm việc thiện của họ. Lần giải thích thứ hai thì người đọc phải xem được những lời chia sẻ về quyết định, cách làm cho đến sự lao động không ngừng nghỉ của Quan, An Đen hay Vĩnh. Có như vậy mới hiểu được, làm nên việc tốt cũng chẳng phải dễ dàng…
Chia sẻ một chút về cuộc nói chuyện với những nhân vật đặc biệt này. 3 con người ở 3 nơi khác nhau, mỗi ngày đều bận rộn với công việc và cả việc từ thiện của mình. Vì thế nên chỉ còn cách đi tận nơi, gọi tận máy để "kiếm" cho bằng được. Nhưng khi “kết nối” được cả 3 người thì cảm xúc khó tả lắm, vì không còn gì vui hơn khi nghe cả 3 chia sẻ về những cuộc hành trình chứa đầy tình người của mình.
Quan Không Gờ
Gọi Quan vào một buổi tối muộn trong tiết trời se lạnh, cậu bạn vẫn dành thời gian trò chuyện rồi lại tiếp tục rong ruổi lên đường đi quay.
Người ta thích xem Quan vì cậu ấy khiến con người tuy cách nhau một cái màn hình nhưng vẫn cảm nhận được sự ấm áp quanh đây. Hình ảnh Quan mang chân thật đến nỗi cứ tưởng chúng ta đang ngồi sau Quan, cùng cậu đi lang thang khắp mọi nẻo đường trên thành phố để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Quan có tự hào khi là người đầu tiên thực hiện cả series giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn một cách “lạ” như vậy không?
Tất nhiên là sẽ cảm thấy rất là tự hào vì bản thân làm được điều gì đó có ích cho xã hội và cộng đồng. Còn nhiều hơn thì Quan thấy mình đã truyền được cảm hứng cho các nhà sáng tạo nội dung khác.
Vậy từ đâu mà Quan có ý tưởng thực hiện?
Thật ra nguồn cảm hứng cho series này xuất phát từ chính bản thân mình từng là người khó khăn hệt như họ. Những ngày đầu lên thành phố gặp những hoàn cảnh như vậy Quan không dám nhìn. Vì nhìn họ mình sẽ khóc vì dòng suy nghĩ sâu xa tối nay họ ăn gì, họ ra sao, như thế nào khi bán ế… Nên từ lâu mình đã muốn khi có thành công nho nhỏ thì sẽ thực hiện những điều tốt, có ích cho xã hội, cụ thể là những người khó khăn.
Nhưng series này ra đời do một lần tình cờ Quan cùng mấy đứa bạn chơi trò “Truth or dare”. Chỉ một câu hỏi đơn giản là “Mày muốn ăn cái gì?” nhưng các người bạn của mình lại không trả lời được. Công thêm việc khi xưa Quan thèm rất nhiều món vì không đủ tiền mua. Còn giờ có chút tiền tự kiếm sống thì chính mình cũng không biết ăn món gì. Chính hai điều này khiến Quan có ý tưởng thực hiện series giúp đỡ những người khó khăn theo cách của bản thân.
Lần đầu tiên thực hiện cách cho đặc biệt thế này, Quan có hồi hộp và nghĩ rằng mình không thể làm được những video clip chỉn chu như vậy không?
Vâng, Quan rất lo lắng vì chưa ai làm sườn mẫu. Vì thường truyền thông người ta sẽ biết làm cái này, cái kia. Số đầu tiên quay hơi cập rập, Quan đã thấy nhân vật rồi nhưng mình ngồi trong quán cà phê nửa tiếng không dám ra. Thứ nhất là ngại, thứ hai không biết chuyện gì sẽ xảy ta và người ta có cho mình quay không. Giờ nghĩ lại thấy lúc đó hồi hộp lắm.
Có ai đã từng từ chối Quan dù mình chỉ có ý tốt muốn giúp đỡ?
Không phải mình Quan đâu mà bất cứ thiện nguyện nào cũng vậy. Quay phim nào người ta cũng rất là ngại. Đến nay 100 nhân vật thì mình chỉ đăng tầm mấy chục nhân vật thôi. Vì có những người không cho mình quay thì mình phải xin lỗi họ rồi đi.
Nhưng đó giờ mình quay thì Quan và trợ lý không có nói trước là con xin phép quay phim cả. Bất kì tập nào Quan cũng không hỏi trước mà vô thẳng vấn đề “Dạ con chào chú, hôm nay...”. Nếu nhân vật không muốn mình quay hoặc họ từ chối thì mình sẽ không đăng lên. Mình muốn giữ trọn vẹn hết cảm xúc của nhân vật.
Thế mỗi nhân vật đều là hữu duyên trên đường hay Quan phải tìm hiểu rồi mới quyết định giúp đỡ?
Đúng, tụi mình đa phần hữu duyên trên đường. Cứ tầm 5 - 6 giờ, mình và trợ lý sẽ đi khắp các quận tìm nhân vật. Mà cũng có ngày mình đi từ chiều đến 11 giờ khuya luôn mà chả có nhân vật nào. Thứ nhất là không phải ai tụi mình cũng quay, những nhân vật phải ngồi một mình hay ít người qua lại. Thứ hai mình sẽ nhìn vào người đó có thật sự cần sự san sẻ của mình hay không. Cho nên tụi mình chọn lọc khá kỹ khi làm về nhân vật nào đó.
Chia sẻ thêm rằng có nhiều nhân vật khiến mình xúc động mình khóc luôn tại chỗ mặc dù mình là người cứng rắn. Không phải vì hoàn cảnh mà mình xúc động vì những người rất khổ nhưng họ vẫn tỏ ra rất tích cực, mình vỡ oà vì những điều đó.
Rất nhiều người xem đã khóc cùng với bạn. Nhưng đối với Quan thì hoàn cảnh nào sau mấy trăm tập được đăng tải, người đó khiến bạn day dứt nhớ mãi?
Mình xin được trả lời 2 được không? Vì một người truyền cảm hứng cho mình và một người khiến mình không kiềm được cảm xúc.
Đầu tiên là cô bán bánh mì 5 nghìn ở Bình Dương. Lý do cô bán ổ bánh mì chỉ 5 nghìn thôi vì cô sợ bán mắc hơn thì sẽ có người khó khăn không đủ tiền mua. Với mình cô như thần tiên sống, cô nhỏ nhắn và làm gì cũng nghĩ tới những người xung quanh.
Còn day dứt cảm xúc nhất là tập chú đó bị chuột cắn. Chú mất mọi thứ do Covid-19, mất việc, mất cả người thân vì dịch bệnh. Điều khiến mình day dứt nhất là chú đã mất tất cả mọi thứ nhưng tuyệt đối không nhận tiền.
Câu hỏi này mình sẽ hỏi cả 3 người, câu nói “Của cho không bằng cách cho” có ý nghĩa như thế nào với bạn?
Câu này cũng tương tự câu “Bạn làm từ tâm”. Không phải bạn có bao nhiêu tiền, không phải bạn thành công ra sao mà cách bạn san sẻ với người xung quanh ra sao. Chỉ cần bạn thương người bán vé số thì mua cho họ một tờ để giúp đỡ họ thì họ cũng vui rồi. Không cần gì quá lớn lao.
Việc thực hiện series này cũng như là "nghề" của bạn? Vì phải "đào ra" kinh phí mới làm từ thiện được?
Từ thiện đối với mình không phải cái nghề mà là cái tâm. Từ đó đến giờ Quan chưa lấy 1 nghìn nào của ai. Thậm chí TikTok, fanpage mình còn chưa đủ bật kiếm tiền. Còn về kinh phí thì thật ra ai cũng phải lo cả. Vì Quan làm rất nhiều việc khác như biên tập, review để có đủ kinh phí. Cái mà mình nhận được là sự yêu thương của khán giả và sự tích cực khi xem video của mình.
Mình đăng tải video không phải muốn mọi người quyên góp tiền mà Quan mong mọi người hành động tích cực giúp đỡ người xung quanh. Chứ không phải thấy ai khổ là chuyển tiền. Mà chính bạn mới là những người sẽ hành động giúp đỡ cho những người xung quanh mình, vì ở đâu cũng có người khó khăn chứ không riêng SG.
Năm 2023 sắp đến, trong năm tới Quan có mục tiêu nào lớn hơn bây giờ không?
Tất nhiên rồi, Quan luôn muốn mình bứt phá theo từng giai đoạn. Mình hi vọng năm sau phát triển lên thành cộng đồng san sẻ với nhau. Hoặc Quan không chỉ giúp một người mà giúp cả trường học, một khu nào đó chẳng hạn. Chắc chắn Quan sẽ làm những gì lớn lao hơn nữa.
An Đen
Liên lạc tiếp với An Đen vào sáng sớm, khi cô nàng vừa thức dậy và cùng người thân tất bật chuẩn bị ngày mới.
An Đen là một cô gái đặc biệt, vì cuộc nói chuyện với cô ấy phóng khoáng, thoải mái đến mức người viết cứ tưởng mình đang gọi điện hỏi thăm một người chị phương xa. An không cho mình là một người "cho đi" quá vất vả hay quá khó khăn như người viết đề cập phía trên. Nhưng nếu ai biết được từng ngày của cô gái vùng cao này trôi qua thế nào, thì có lẽ sẽ phì cười vì sự khiêm tốn hết sức của cô nàng.
An Đen có năng khiếu nấu ăn từ nhỏ hay là từ khi mình làm TikTok mình mới bắt đầu nấu ăn với số lượng "khủng" như vậy?
Thật ra đây không phải năng khiếu đâu, mà những món An nấu là không phải các món khó hay phải yêu cầu kỹ thuật, khéo tay mà chỉ là các món thường ngày của người Việt mình. Thậm chí là các món rất là đơn giản luôn, chẳng hạn như món bột khuấy hay là món cơm cháy chiên, món rau luộc, đó là những món mà những bạn nữ nào nấu cũng được mà.
Vậy lần đầu nấu số lượng đồ ăn nhiều người vậy, An có cảm thấy choáng ngợp không?
An có nhiều chị em giúp đỡ mình, chủ yếu là An sẽ liên hệ với bên địa phương để nhờ hỗ trợ rồi sắp xếp nấu chung với nhau. Cho nên khi mọi người thấy các thước phim An quay thì thì luôn các chị em đang nấu chung với nhau. Nhưng mỗi lần nấu là tốn mất 1 ngày lận, như nấu tiệc thôi nôi vậy á (cười). 10 - 15 ký thịt, 200 quả trứng là chuyện thường.
Thế An cảm thấy mình là gì đối với các hoàn cảnh khó khăn, nhà hảo tâm, người từ thiện hay cầu nối?
An thấy mình là người bình thường thôi à, vì ngoài kia thì còn nhiều người làm lớn hơn, những bữa cơm nhỏ của chị thì chưa là gì đối với các anh chị đã và đang làm ngoài kia. Nếu sau này An có đổi đời thì chị có thể đầu tư để làm các chương trình to lớn hơn.
Ơ, vậy việc nấu ăn cho người nghèo không phải là một hình thức từ thiện?
Đúng rồi, nó không có to tát gì mấy. Những bữa ăn đó mình sẽ trích từ tiền quảng cáo của mình. Thay vì An nấu một bữa ăn ngon cho má hay mua một con cua hoàng đế cho má thì mình lấy số tiền đó chị nấu cho mấy đứa nhỏ cả tháng. Chỉ là một vài bữa nhỏ thôi nên An không gọi đó là từ thiện mà chỉ là một bữa cơm nho nhỏ cho trẻ em thôi.
An không lấy tiền mạnh thường quân để làm những bữa cơm này, những hoạt động trao tặng nào dùng tiền của họ thì An sẽ ghi rõ ra.
Vậy An có cảm thấy việc mình đang làm đã “đủ” chưa?
Không không, có chút xíu thôi. Bao nhiêu đấy có đủ gì đâu, nếu mà sau này mình khá hơn thì nhất định An sẽ làm lớn hơn, còn giờ thì có nhiêu làm nhiêu.
Nếu hỏi An về định nghĩa của sự cho đi và cách cho đi của mình, thì An cảm thấy thế nào?
Chuyện đó thì do mọi người cảm nhận mình như thế nào thôi. Khi An đi nấu ở các bản làng thì cách hành văn của An là xóm nghèo, nghĩa là có cả An ở trong đó. Không phân biệt, không thái độ gì cả mà chỉ đơn giản là chia sẻ bữa cơm ngon cho bà con. Những bữa ăn đó An muốn phải thật ấm áp, bình thường thế thôi.
Nhưng năm nay nhờ những việc làm ý nghĩa đó mà mình đoạt giải thưởng lớn, điều đó xứng đáng chứ nhỉ?
An thấy điều đấy giống như mình đi học vậy! Kiểu như mình đi học đầy đủ, chép bài đầy đủ thì cuối năm nhận được tờ giấy khen cho công sức của mình. Nhưng giải thưởng đó làm An cảm thấy những nội dung mình sáng tạo nên đã được công nhận.
Nghe nhiều người nói rằng ekip của An cũng phải "dữ dằn" lắm mới cho ra những thước phim xinh đẹp như thế?
Ekip chỉ có An và em gái của An thôi. Đúng là An rất đầu tư vào thiết bị quay phim, máy ảnh vì đó là "cần câu cơm" của mình mà. An cũng thuộc dạng lười đăng nhất TikTok luôn vì không có video quay sẵn, chừng nào có thời gian đi quay rồi mới dựng xong đăng. Vì quay ngoài trời là chủ yếu mà Đắk Lắk hay nhiều vùng cao khác đều nắng mưa thất thường. Mưa là không cái để quay luôn.
Đạt được nhiều người theo dõi và lượt xem như vậy, chắc hẳn An đã gặp nhiều điều tiêu cực về mình?
Kênh của An có rất ít bình luận như vậy. Mà mình cũng lớn tuổi "già đầu" rồi, nên khi đọc các bình luận ác ý hay tiêu cực là An cảm thấy giống như là trẻ con đang trêu chọc. Mình chỉ để tâm các bình luận thực sự góp ý chân tình. Vì An còn các thứ khác để lo, đừng bận tâm làm gì cho nặng đầu.
Vĩnh Thích Ăn Ngon
May mắn gặp trực tiếp Vĩnh trong một buổi sáng đẹp trời, cậu đã ăn mặc sành điệu để chuẩn bị đi quay công việc chính là "food review" của mình. Nhìn cậu bấy giờ rất khác với cậu bé ngô nghê cầm rổ bánh mì phân phát cho những người nghèo.
Cách tiếp cận những hoàn cảnh khó khăn của Vĩnh cũng “lạ lùng” nhưng không kém phần dễ thương như vẻ bề ngoài. Thực hiện series trao những phần ăn sáng cho những người khó khăn là một trong những hành động ý nghĩa mà cộng đồng mạng đánh giá cao. Vì nhiều người thường vì cuộc sống mưu sinh mà bỏ qua bữa ăn quan trọng nhất trong ngày - bữa sáng. Cách làm của Vĩnh cũng một công mà được đôi việc, Vĩnh đã tìm đến những ông bà bán hàng rong chưa bán được hết hay ế khách để giúp đỡ họ. Rồi cậu bạn dùng lượng thức ăn mà mình mua để phân phát cho những người vô gia cư.
Nếu chỉ được chọn 1 cảm xúc khi Vĩnh quay xong tập đầu, bạn sẽ chọn?
Chắc chắn là từ mừng và từ này có nhiều ý nghĩa. Mừng vì mình cho được đúng người. Mình mừng cô chú bán được hết, cô chú có cái ăn. Từ những cái mừng đó mà mình mới phát triển được những thứ như bây giờ.
Bạn có nghĩ rằng khi mình đạt được một độ nổi tiếng nhất định thì mình sẽ dừng lại những việc thiện nguyện tại TP.HCM?
Với 1 TikToker hay Creator như Vĩnh thì không dùng từ nổi tiếng được, vì tụi mình không có người hâm mộ. Mà tụi mình may mắn được cộng đồng mạng yêu thương, có thể dùng từ phổ biến để diễn tả.
Thật ra ban đầu thì Vĩnh định làm mỗi series 15 tập thôi, nếu làm càng nhiều sẽ bị nói là đánh bóng tên tuổi nhưng mà mình dừng không được. Mỗi ngày Vĩnh cứ bị ám ảnh trong đầu là cô chú ăn gì chưa hoài luôn. Giúp được nhiều người ăn ngon, mặc ấm khiến mình vui muốn "xỉu".
À lý do mà series này ra đời do Vĩnh đạt được cột mốc có hộ khẩu tại TP.HCM (cười lớn). Ở mảnh đất này được 15 năm rồi, đi học đến khi đi làm mãi đến bây giờ mới có được nhà. Tại sao mình lại không làm gì đó cảm ơn thành phố đã ôm mình vào lòng? Từ đó mà hai series sáng/đêm được hình thành.
Trong hành trình sáng/đêm đó, có hoàn cảnh nào thôi thúc bạn muốn giúp đỡ người ta nhiều hơn?
Có cứ, trong series đêm ăn gì có một cô tạo cho mình cảm giác bất lực luôn. Mục đích của Vĩnh là mua hết cho người ta để họ được về sớm nghỉ ngơi sớm. Nhưng cô lại nói là “Cảm ơn con nhưng mà cô ngủ ngoài đường, không có nhà. Nhà cô ở đây luôn”. Vĩnh như "đứng hình", mình tiếc vì chỉ giúp được tới đó thôi mình không giúp được hơn nữa. Giá mà mình có nhiều hơn, cả đời người ta ở ngoài đường rồi.
Hay có một một bà cụ phải tự mình lo cho hai đứa cháu vì người mẹ đã mất, nên đến tối bà mới có thể đi bán khoai chiên, chuối chiên để kiếm sống. Nên khi anh quay series mới “Cũ người mới ta” trong dịp Tết, Vĩnh mua cho bà nguyên một chai dầu bự luôn để bà chiên chuối.
Cho Vĩnh kể nốt hoàn cảnh của chú này, chú bán bánh già mà phải đạp xe từ 12 giờ trưa đến tận 12 giờ đêm. Đạp cả ngày không nghỉ luôn nên còn bao nhiêu Vĩnh giúp đỡ hết cho chú mong chú sẽ về nghỉ sớm hơn mọi khi. Nhiều hoàn cảnh thấy thương lắm.
Thế có lần nào Vĩnh cảm thấy mệt mỏi, thất vọng và muốn bỏ cuộc khi làm việc thiện nguyện hay chưa?
Có hôm mình buồn lắm, như video bị lấy hết đồ ăn khiến Vĩnh buồn tận lúc về. Tự nhiên Vĩnh hiểu ra mọi thứ không muôn màu như trên mạng xã hội. Hay đôi lúc Vĩnh gặp nhiều cô chú mở ra thấy đồ chay người ta kiểu "Trời" rồi thể hiện thái độ ra mặt, lúc đó mình cảm thấy hụt hẫng lắm. Vì mình làm hay mua những phần ăn đó cũng là tiền của mình mà người ta không quý trọng. Nhưng nếu bỏ cuộc thì Vĩnh còn nhiều điều khác khiến Vĩnh phải làm hơn là bỏ cuộc.
Phải chăng sự tích cực sẽ lấp đầy những thứ tiêu cực đó?
Đúng rồi, niềm hạnh phúc nó lớn hơn điều tiêu cực nên tại sao hai series đó vẫn được duy trì tới giờ. Mọi người hay bảo từ thiện là "trend", qua thời rồi thì lượt xem nó sẽ không còn nhiều nữa. Nhưng không nhiều lượt xem đi nữa thì Vĩnh vẫn làm, mặc kệ lượt xem ít hay cao. Mình dựng clip trên tinh thần mình thích và mình muốn giúp đỡ mọi người thì mình cứ làm thôi. Thật ra muốn khai thác câu chuyện cảm động dễ lắm, nhưng thôi Vĩnh không muốn đưa những điều thê lương lên video.
Còn rất nhiều người tử tế trở thành nguồn động lực cho bản thân Vĩnh. Có nhiều người anh cho bà bảo "Thôi bà ăn rồi, bà chỉ lấy khi bà cần thôi" thật sự rất thương luôn. Nên khi đi công tác về khuya hôm trước là ngày hôm sau phải đi làm liền vì suy nghĩ hoài chuyện người ta đã ăn gì chưa.
Vĩnh mới nói là mình "đi làm", vậy series này là một nghề đối với bạn?
Quan điểm của Vĩnh khi thực hiện series chính là vừa giúp đỡ cô chú vừa là cách để duy trì nghề của mình. Mình làm chính là "food review" nên khi làm những hoạt động cộng đồng ý nghĩa như vậy thì các nhãn hàng, quán ăn cũng có thiện cảm với mình hơn. Nhờ đó mà mình có thêm nguồn tiền để mua đồ tặng cô chú. Thêm nữa là Vĩnh càng đăng video nhanh thì cô chú sẽ bán đắt hơn, được về nhà sớm hơn.
Nhưng Vĩnh khẳng định rằng, hai series đó mình chưa nhận thương mại hay trợ giúp, quyên góp của bất kỳ ai. Nếu mình đồng ý với nhãn hàng thì sẽ có rất nhiều tiền cho cô chú luôn nhưng Vĩnh thấy nó chưa phải lúc, chưa phù hợp với thông điệp mà mình muốn truyền tải. Vĩnh còn siêu áp lực với việc nhận tiền của người khác để giúp đỡ một ai đó. Vì Vĩnh giúp đỡ người khác đa phần tình cờ hoặc có duyên thì giúp thôi. Nhưng mình nhận tiền của mọi người thì mình phải đi, vì người ta đang chờ nguồn tiền của họ đã đến tận tay hoàn cảnh đó chưa. Đây cũng là lý do mà Vĩnh cố gắng làm trong khả năng của mình thôi.
(Lại là câu hỏi cũ) Với Vĩnh, câu nói “Của cho không bằng cách cho" có ý nghĩa với bạn không?
Vĩnh nghĩ nếu có nhiều thì mình sẽ cho nhiều, còn ít thì sẽ cho trong tất cả khả năng của mình. Miễn là mình cứ vô tư, lịch sự giúp đỡ càng nhiều người càng tốt, hỗ trợ nhiều người cần đến mình thì dù có ít cũng thấy nhiều.
Hỏi đáp nhanh chút nhé, trong 5 giây Vĩnh phải kể được lần nào phát quà nguy hiểm nhất và lần đi phát xa nhất?
Trong TP.HCM thì không nơi nào xa cả. Vĩnh đi hết 24 quận huyện luôn rồi chứ. Từ Bình Tân đến quận 12, Gò Vấp qua quận 7, nói chung Vĩnh đi hết.
Còn nguy hiểm thì hơn “rén” quận Tân Phú, quận 12 xe tải lưu thông khá nhiều. Có một đợt mưa Vĩnh mặc áo mưa nhưng lại bị trượt té rách cả áo, may mà có cái thùng đồ ăn từ thiện phía sau giúp đỡ. Nhưng mà vui hơn là sợ.
Vậy sự việc nào thể hiện rõ nét nhất điều tích cực mà Vĩnh nhận được trong quá trình thực hiện hai series?
Đó là khi Vĩnh quay lại một cô bán xôi mình đã từng quay, vừa thấy là cô đã nói: "Cô vui lắm luôn á, bây giờ đi đâu ai cũng biết cô. Người ta mua xôi cô, người ta cho cô tiền cô trả nợ bớt". Trời ơi, mình còn nghĩ người ta sẽ không xem video mình luôn á, mà khi quay lại chỉ cần hỏi "Cô nhớ con không?" thì các cô mừng rỡ “Cô nhớ con chứ, nhờ con quay cô bán đắt luôn tới giờ”. Mình dựng mà mình muốn khóc.
Qua những chia sẻ chưa bao giờ được thấy trên những video, quả thật cả 3 người có nhiều hơn hai tiếng từ thiện. "Khi mọi thứ qua đi, chỉ còn tình người ở lại", câu nói hệt như những gì mà cả 3 đã và đang làm hằng ngày. Có người khóc, có người cười cùng họ. Nhưng chắc chắn rằng, những việc họ làm khiến mọi người có thêm niềm tin vào những sự tốt lành, tử tế. Nó vẫn luôn vận hành xung quanh chúng ta.