Trong cuộc sống, có những người sinh ra đã kém may mắn hơn người khác khi họ khuyết đi một bộ phận nào đó trên cơ thể hoặc mắc dị tật bẩm sinh nên không thể sống như một người bình thường. Song nhiều người đã làm nên điều phi thường bằng chính nghị lực và tình yêu dành cho cuộc sống.
Chúng ta từng ngả mũ thán phục anh chàng Nick Vujicic – người mắc hội chứng etra-amelia bẩn sinh khiến anh không có tay, hai chân rất nhỏ và gần như không giúp gì được trong quá trình di chuyển. Bất chấp khó khăn, anh vẫn vươn lên và tốt nghiệp Đại học vào năm 21 tuổi. Sau đó, anh trở thành một diễn giả nổi tiếng với 1600 bài phát biểu tại hàng chục quốc gia.
Hay cô gái người Mỹ tên Jesssica Cox cũng làm nên chuyện phi thường dù cơ thể bị khiếm khuyết. Jesssica Cox thiệt thòi từ nhỏ, không có tay. Tuy nhiên, sự thiếu may mắn ấy trở thành động lực giúp cô vươn lên, chạm tay vào ước mơ. Cô đã trở thành người đầu tiên trên thế giới chỉ dùng chân lái máy bay.
Và đâu đó trên thế giới, còn hàng trăm, hàng triệu câu chuyện truyền cảm hứng sống mãnh liệt đến mọi người. Họ - những con người không may bị khiếm khuyết cơ thể nhưng bao giờ nản chí, từ bỏ ước mơ. Gần đây, câu chuyện của Phạm Thị Mỹ Duyên, 19 tuổi, sinh viên năm nhất chuyên ngành Luật (trường ĐH Công nghiệp TP. HCM) là một minh chứng gần gũi nhất về việc vượt qua nghịch cảnh, thay đổi bản thân.
CÔ GÁI KHÔNG CÓ SỐNG MŨI, TỪNG TRẦM CẢM VÌ BỊ THẾ GIỚI QUAY LƯNG
Mỹ Duyên tâm sự, có lẽ em là đứa con mà Thượng đế trót bỏ quên bởi điều không may mắn luôn đến với em. Từ khi sinh ra, khuôn mặt em đã bị dị tật bẩm sinh với chiếc mũi không bình thường. Gọi là mũi nhưng bộ phận đó không có sống, không có sụn, chỉ là một phần thịt mỡ.
Chiếc mũi bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của em. Mỹ Duyên thường xuyên rơi vào tình trạng khó thở do cản trở hô hấp, hay đổ bệnh, dễ bị cảm cúm. Thời thơ ấu của em là những trận ốm kéo dài dai dẳng, chỉ cần thay đổi thời tiết là lại "nằm bệt một góc, không thiết tha gì".
Mãi đến năm học lớp 3, gia đình quyết định cho Mỹ Duyên đi phẫu thuật chỉnh hình để có được gương mặt như bây giờ. Mỹ Duyên nhớ như in cảm xúc hạnh phúc khi ấy: "Một cô bé 8, 9 tuổi thôi nhưng không hề biết sợ hãi biết hay lo lắng. Trong em chỉ có cảm giác háo hức, đón chờ diện mạo mới khác biệt và thật xinh đẹp".
Quãng thời gian hạnh phúc trôi đi thật nhanh. Đến năm học lớp 10, cơn ác mộng kéo đến khi em trở thành trò đùa của một nhóm bạn. Họ dùng những từ ngữ nặng nề để nói về chiếc mũi của em. Những câu nói ấy khiến Mỹ Duyên không bao giờ muốn nhớ lại, mỗi khi nhắc đến là em lại bật khóc nức nở: "Duyên mũi khỉ", "Duyên mũi khỉ gãy", "Mũi tẹt mà tỏ vẻ thanh cao",…
Đến bây giờ, Mỹ Duyên vẫn không hiểu vì sao các bạn lại nặng lời với em như vậy. Trong lớp, em là người vui vẻ, hoà đồng, không gây thù ghét với ai. Đỉnh điểm là nhóm bạn đó lén chụp hình em, khoanh tròn gương mặt lại rồi phát tán ảnh đi khắp nơi. Em trở thành tâm điểm bị dò xét, gièm pha, bình luận.
Thậm chí, một vị phụ huynh đã đến hẳn nhà và nói với bố mẹ em: "Con bé này nó có mũi khỉ gãy thì tôi nói thật chứ sao". Đến cả một giáo viên cũng thẳng tay loại em ra khỏi danh sách cuộc thi thanh lịch của trường. "Mỹ Duyên không đủ tư cách để tham dự vì cuộc thi này chỉ dành cho những bạn đẹp". Câu nói ấy khiến em nhớ mãi không quên, giống như vết dao cứa vào sâu trong lòng. Cả thời cấp 3, Mỹ Duyên sống khép kín, thường khóc một mình.
Dù cả thế giới quay lưng với em, dù em luôn cảm thấy mình như đứa con mà Thượng đế bỏ quên thì vẫn có những người luôn sẵn sàng bên em. Đó là bố mẹ, là người em gái sinh đôi đã luôn động viên, làm điểm tựa vững chắc để em vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Mỹ Duyên từng rơi vào trầm cảm trong vòng nửa năm. Rất may gia đình đã phát hiện kịp thời và có những biện pháp giúp em trở về trạng thái bình thường.
"Bố mẹ thấy em bị đối xử như vậy thì thương lắm, lên tận trường gặp giáo viên để hỏi sự tình. Chứng kiến việc làm ấy, em hiểu rằng mình không cô đơn, mình phải nỗ lực để không khiến bố mẹ buồn", Mỹ Duyên tâm sự.
CÚ LỘT XÁC NGOẠN MỤC, HỌC SONG SONG 2 TRƯỜNG VỚI ƯỚC MƠ CAO CẢ
Dù chưa có cơ hội diễn xuất nhưng Mỹ Duyên từng có mơ ước trở thành diễn viên. Em định thi tuyển vào những trường thiên hướng nghệ thuật như Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. HCM. Nhưng sau đó, vì tỷ lệ chọi quá cao 1/1000 nên em chuyển hướng ngành học. Em quyết định học ngành Luật theo đúng định hướng của gia đình. Đến thời điểm hiện tại, nữ sinh cảm thấy may mắn vì đã nghe theo lời khuyên của bố mẹ. Càng học, em càng thấy hứng khởi, thích thú.
Nữ sinh Mỹ Duyên hào hứng chia sẻ: "Học Luật giúp em biết nhiều điều trong cuộc sống, cung cấp khối lượng kiến thức mới mẻ. Đặc biệt, ngành học này giúp em có thể tận dụng kiến thức cùng kỹ năng vào công việc làm người mẫu trong tương lai. Nếu như nắm vững luật pháp, khi ký hợp đồng em sẽ không cảm thấy lo sợ, bất an và giải quyết được nhiều tình huống phát sinh".
Hiện tại, ngoài học Luật, Mỹ Duyên cũng đang theo học khóa đào tạo người mẫu chuyên nghiệp để viết tiếp ước mơ của bản thân. Mỹ Duyên chia sẻ, nghề người mẫu đến với em là một chữ "duyên".
Hồi cấp 3, Mỹ Duyên từng tham dự buổi casting người mẫu với vai trò là người cổ vũ em gái sinh đôi. Nhưng sau đó, Mỹ Duyên được bố mẹ cùng em gái động viên tham gia casting và may mắn lọt vào mắt xanh ban giám khảo. Em được mời chụp một bộ ảnh nghệ thuật nhưng không quá xuất sắc. Đến năm lớp 12, Mỹ Duyên tình cờ trở thành 1 trong 3 người mẫu trong bộ ảnh "Chữa lành" – dự án nói về những bạn có ngoại hình đặc biệt. Sau bộ ảnh đó, danh tiếng của Mỹ Duyên càng được nhiều người biết tới.
Dù từng trải qua quãng thời gian khủng hoảng nhất nhưng em không để cú sốc tâm lý làm ảnh hưởng đến việc học. Em luôn cố gắng tập trung cao độ, không màng đến lời đàm tiếu xung quanh. Gia đình em cũng luôn động viên giúp em lấy lại được sự tự tin, vui vẻ.
Hiện tại dù lịch học chuyên ngành Luật và khóa đào tạo người mẫu kín tuần nhưng Mỹ Duyên không hề thấy mệt mỏi, áp lực. Em cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành mọi việc tốt nhất. Mỹ Duyên có 2 phương pháp hiệu quả mà em đúc rút được trong quá trình học tập. Đầu tiên là luôn tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài. "Không chỉ học, làm bất cứ việc gì cũng cần tập trung, cần dành trọn tâm huyết mới có thể thành công", nữ sinh khẳng định.
Điều thứ hai là luôn trao đổi với các bạn về bài tập, bài giảng của thầy cô để giúp bản thân nắm vững kiến thức, hiểu bài nhanh nhất. Lên Đại học, Mỹ Duyên không còn bị "Body Shaming" nữa, em được sống là chính em, được mọi người yêu thương, bao bọc rất nhiều. Em đã lấy lại năng lượng tích cực, lấy lại nụ cười rạng rỡ như trước đây.
Một điều thú vị mà Mỹ Duyên chia sẻ, người bạn trước đây từng miệt thị em đã ăn năn, hối lỗi. Bạn ấy chủ động xin lỗi và trở thành bạn thân của Mỹ Duyên. Sau bao tổn thương, em vẫn mở rộng tấm lòng, sẵn sàng tha thứ cho những người từng làm em buồn.
Trong tương lai, Mỹ Duyên mong ước trở thành một người mẫu chuyên nghiệp và là người truyền cảm hứng cho những nạn nhân bị "Body Shaming". Người truyền cảm hứng cho em là siêu mẫu quốc tế Winnie Harlow – một cô gái có làn da đốm trắng nhưng vẫn tự tin chinh phục ước mơ.
Mỹ Duyên chia sẻ: "Em ước được giống như chị ấy, được trở thành người mẫu nổi tiếng sải bước trên sàn catwall, được mọi người ngưỡng mộ. Em cũng từng tham gia The Face 2022 và nhận về không ít những lời chê bai. Tuy nhiên, em không còn bận tâm nữa, bỏ ngoài tai những lời "xấu xí" để được sống một cuộc đời trọn vẹn".
"Nếu bạn không bảo vệ bạn thì không ai bảo vệ bạn nữa. Hãy tự tin sống, sống vì bản thân chứ không phải vì một ai khác. Đừng vì lời thị phi của người khác mà làm tổn hại mình", đó là những lời khuyên sau cùng mà Mỹ Duyên muốn gửi tới những ai đang đối mặt với khiếm khuyết cơ thể. Em khuyên mọi người đừng coi đó là khiếm khuyết mà hãy coi là điều ấn tượng để giúp bản thân tỏa sáng.
Ảnh: NVCC