Kể từ khi cô bé Nim chào đời, chị Hoài Anh, đã bắt đầu nhặt
nhạnh những câu chuyện của chính cô con gái nhỏ để lưu giữ lại cho con qua những
trang sách. Đến khi sinh nhật Nim 4 tuổi, chị đã cho ra 3 cuốn sách và đang viết
cuốn sách thứ 4 dành tặng Nim. Mỗi cuốn sách chị viết đều là nguồn cảm hứng cho
những người phụ nữ khác trao yêu thương tới con cái và gia đình nhiều hơn, đặc
biệt là cuốn sách “Trái tim của mẹ” được chị bắt đầu làm trong vòng hơn 1 năm
trước đây để tặng sinh nhật cô con gái.
Profile Phạm Thị Hoài Anh Phụ trách Mẹ - bé của Afamily Cuốn sách “Trái tim của mẹ” được nhận giải sách
tranh giành cho các tác giả Đông Nam Á, giải nhất cuộc thi Samsung KidTime
Author Award 20015 (một cuộc thi nằm trong khuôn khổ Asian Festival of
Children's Content diễn ra ở Singapore) dành cho các tác giả Đông Nam Á. | |
Cô bé Nim hạnh phúc trong vòng tay mẹ trong ngày nhận giải thưởng sách.
Chị Hoài Anh cho biết, ban đầu chỉ định làm sách để tặng
sinh nhật con gái khi 4 tuổi và cũng chưa biết sẽ viết gì. “Cho đến cuộc trò
chuyện với con gái Nim về trái tim thì trong mình mới hình thành ý tưởng, viết
bản thảo hoàn chỉnh về cuốn sách. Từ lúc bắt đầu bản thảo cho đến lúc hoàn
thành xong tất cả kéo dài khoảng hơn 1 năm”.
Dù bận rộn với công việc trên công ty, lại đang mang bầu em
bé thứ 2, thế nhưng ngày nào chị Hoài Anh cũng dành thời gian để ghi chép lại
những câu chuyện về con. “Nếu có thể ghi ngay được thì mình sẽ ghi còn không
thì đến buổi tối mình sẽ note lại hôm nay có chuyện nọ chuyện kia, tất cả những
điều đó sẽ là tư liệu, lưu lại kỷ niệm cho con. Cũng giống như các cặp bố mẹ
khác có cách lưu lại kỷ niệm cho con đó là chụp ảnh hay quay video thì chị chọn
cách là viết sách…”.
Một bức tranh tuyệt đẹp trong cuốn sách "Trái tim của mẹ".
Chị là người phụ nữ có quan điểm về cuộc sống và hạnh phúc
rất đơn giản. “Mình may mắn khi chồng có cùng quan điểm với
mình. Vợ chồng mình hài lòng với những gì mà mình có và cái ưu tiên hàng đầu
bao giờ cũng là thời gian mọi người dành cho nhau. Đặc thù công việc của mình
trên cơ quan cũng rất bận rộn nhưng mình nghĩ khi mình đặt thứ tự ưu tiên của
mình như thế nào mình sẽ tự biết cách phân bố thời gian cho nó như thế.
Ví dụ
như với người khác ưu tiên số 1 là công việc,
nhưng cái ưu tiên số 1 của mình là gia đình, là con, là mái ấm nho nhỏ của
mình. Mình nghĩ nó chỉ là sự sắp xếp ưu tiên dựa trên sự lựa chọn của mỗi người
và lựa chọn của mình là như thế, mình chọn con cái, gia đình là số 1 thì mình
phải từ bỏ nhiều những cái khác để tập trung cho mục tiêu của mình”. Chính vì thế, những câu chuyện trong cuốn sách “Trái tim của
mẹ” mà chị Hoài Anh viết cũng vô cùng giản đơn.
Cuốn sách kể về một ngày của 2 mẹ con, từ lúc con được mẹ
đánh thức dậy và sau đó 2 mẹ con có công việc trong một ngày với nhau, cùng
nhau ăn sáng, cùng nhau đi học, rồi khoảnh khắc cô con gái cùng thư giãn với mẹ
ở nhà, trồng cây, gieo mầm, 2 mẹ con tắm rửa cho nhau, nấu bữa tối... Cuốn sách
là câu chuyện về những hoạt động rất nhỏ như thế và được kể lại qua lời của
em bé.
Trang sách là nơi chị Hoài Anh lựa chọn để lưu giữ kỉ niệm cho con.
“Khi mình gửi bản thảo sách cho một số người nhận xét thì
mình có nhận được những lời nhận xét là thông điệp hay nhưng đơn giản quá. Mọi
người cho rằng trẻ con cần phải tưởng tượng nhiều hơn, những bức tranh phải bay
bổng hơn, sáng tạo hơn nhưng mình suy nghĩ, sự bay bổng mặc dù rất cần thiết
cho trẻ nhưng mà có nhiều cách để trao điều đó cho chúng.
Đối với "Trái tim của mẹ", mình muốn hướng cho con hiểu
những niềm vui và hạnh phúc thực sự đến từ rất nhiều điều đơn giản trong cuộc
sống hằng ngày. Hạnh phúc của trẻ đến từ những buổi sáng được đi học cùng mẹ, đến từ bữa ăn
sáng được mẹ nấu cho, đến từ những cái vỗ tay khích lệ của mẹ khi con đang
chơi trong cuộc thi đấu nào đó… ".
Khi mà các con cảm nhận được tình yêu từ những điều đơn giản
ấy, nhìn thấy cái vẻ đẹp của những hành động đơn giản đấy thì chúng sẽ yêu
thương và trân trọng cuộc sống của chúng hơn. Mình nghĩ đấy mới chính là nền tảng
để chúng có thể bay bổng được với sự sáng tạo hay ước mơ, hoài bão nào đó của
chúng sau này. Bởi trong bối cảnh mà bố mẹ rất ít thời gian giành cho con nhưng
lại nghĩ rằng mình đang phải cố gắng rất nhiều để mang đến cho con nhiều thứ
như con được đi du lịch, được đi chỗ này chỗ kia, họ nghĩ rằng là những thứ đấy
mới khiến cho trẻ con hạnh phúc thì mình thấy nó hơi sai lầm.
Mình nghĩ cái trẻ con cần là thời gian của bố mẹ dành cho
nó, càng nhiều càng tốt, đó là thứ duy nhất nó cần, khi có thời gian rồi thì sự
chia sẻ từ cái đơn giản nhất, không màu mè nó mới là món quà quý giá cho trẻ.
Đó là cái điều mình muốn gửi gắm trong cuốn sách “Trái tim của mẹ”, chị Hoài Anh tâm sự.
Quan điểm gia đình là số 1 được thể hiện rõ ràng qua từng trang sách mà chị viết dành tặng con.
Và lý do chị tìm đến với việc viết sách, viết nhật kí giúp
con của chị Hoài Anh cũng vô cùng giản đơn: “Mình là người thích ghi chép, quan sát, thích trải
nghiệm nhiều cảm xúc, công việc, nhiều ngành nghề khác nhau, thích xem tranh vẽ
minh họa cho trẻ con. Mình nghĩ có một công việc giúp mình thỏa mãn được tất cả
những cái đó là làm ra một cuốn sách. Và nó chỉ thực sự bắt đầu khi mình có nguồn
cảm hứng rất to lớn là bạn Nim. Khi mình sinh con, mình biết mình có thể “xử
lý” cái ước mơ của mình như thế nào, bởi câu chuyện trở thành mẹ nó khiến động
lực của mình mạnh mẽ và biến thành hành động".
Là phụ nữ, là một người mẹ chị Hoài Anh dù có bận rộn đến mấy cũng luôn dành thời gian chơi cùng con, ở bên con mỗi ngày.
Với người phụ nữ này, làm sách không phải vì mục đích xuất bản mà làm sách
để cho con có thể giữ lại được những kỷ niệm của tuổi thơ. “Sau này lớn lên
mình sẽ để con tự làm việc này nhưng trong giai đoạn bé dưới 6 tuổi, con có nhiều
mối quan tâm nhưng không thể nhớ hết tất cả mọi thứ thế nên mình rất muốn giữ hộ
lại cho con và cách mình chọn để giữ lại hộ con là cất hết nó vào những cuốn
sách như thế để sau này con có thể xem lại, đọc lại được và cảm nhận được tình yêu mà mẹ cha, gia đình dành tặng”, người phụ nữ có tâm hồn giản đơn tâm sự.