Trên thực tế, Ellie Phillips, giáo sư kiêm bác sĩ răng-hàm-mặt tại Texas giải thích, một người trưởng thành ước tính sở hữu khoảng 2000-8000 nụ vị giác, trong đó mỗi nụ chứa nhiều thụ thể cảm giác rất nhỏ.

Bạn có thể dễ dàng nhận thấy các nụ vị giác phồng hoặc sưng đỏ khi dùng đồ nóng hay cắn phải lưỡi. Abbas Anwar, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tai-mũi-họng tại Trung tâm Y tế Providence Saint John ở Santa Monica, California cho biết, đây là tình trạng tương đối phổ biến và có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân.

l1

Tuy nhiên, nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường như chảy máu hoặc các vết sưng không có chiều hướng chuyển biến tích cực, bạn nên cân nhắc tới gặp bác sĩ để được tư vấn. Dưới đây là những nguyên nhân có thể ảnh hưởng xấu tới vị giác của bạn:

Không vệ sinh răng miệng

Nếu không thường xuyên vệ sinh răng miệng, vi khuẩn và virus sẽ phát triển quá mức và gây viêm nhiễm.

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia khuyên, bạn nên chải bề mặt trên của lưỡi trong quá trình làm sạch răng và xỉa răng hàng ngày. Những người bị khô miệng hoặc hút thuốc càng phải đặc biệt lưu ý vệ sinh răng miệng. Nếu có điều kiện, hãy dùng nước súc miệng nhằm loại bỏ tối đa vi khuẩn gây bệnh.

Khô miệng

Khô miệng không chỉ là dấu hiệu cảnh báo mất nước mà còn là tác dụng phụ của một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc trị huyết áp. Đôi khi, các tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt và thói quen thở bằng miệng cũng gây nên tình trạng này.

m1

Khô miệng không chỉ là dấu hiệu cảnh báo mất nước mà còn là tác dụng phụ của một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc trị huyết áp.

Clare Morrison, bác sĩ đa khoa kiêm nhà tư vấn sức khỏe tại Trung tâm MedExpress cho biết, nụ vị giác cần nằm trong môi trường ẩm để hoạt động bình thường. Do đó, khô miệng có thể khiến chúng chịu kích thích và sưng đỏ.

Bổ sung đủ nước là biện pháp hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng này. Nếu khô miệng bắt nguồn từ tác dụng phụ của thuốc, bạn có thể dùng thuốc xịt nước bọt nhân tạo hoặc cân nhắc thay đổi loại thuốc khác dưới sự đồng ý của bác sĩ.

Trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là tình trạng khiến axit từ trong dạ dày đi ngược lên thực quản. Bác sĩ Anwar giải thích, đôi khi axit này có thể xâm nhập vào miệng, gây bỏng lưỡi và tác động tới vị giác.

Tránh các thực phẩm làm trầm trọng thêm chứng trào ngược dạ dày như thức ăn cay, mỡ, cà phê và sô cô la là bước đầu tiên nhằm điều trị bệnh này. Ngoài ra, bạn có thể dùng thuốc omeprazole và lansoprazole nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng.

m2

Trào ngược dạ dày là tình trạng khiến axit từ trong dạ dày đi ngược lên thực quản.

Nhiễm trùng

Mặc dù khá hiếm gặp, vi khuẩn và virus cũng có thể làm sưng nụ vị giác. Bệnh ban đỏ, một dạng nhiễm trùng xảy ra ở người mắc viêm họng liên cầu khuẩn, là một trong những nguyên nhân đáng chú ý nhất. Vấn đề sức khỏe này làm sưng amidan, gây sốt, phát ban, khiến lưỡi bong tróc, chuyển sang màu đỏ tươi và sưng nụ vị giác nghiêm trọng.

Trong khi đó, các tình trạng nhiễm virus khác như cảm lạnh và cúm thường tự khỏi. Nếu triệu chứng bất thường kéo dài hơn 10 ngày, mọi người nên tới bác sĩ tiến hành xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Nóng, lạnh quá mức

Nhiệt độ quá mức cực đoan có thể làm hỏng nụ vị giác và khiến bộ phận này sưng phù. May thay, vị giác có thể nhanh chóng trở lại trong vòng vài ngày. Bác sĩ Morrison lưu ý, bạn nên tránh dùng nước súc miệng chứa cồn trong khi cơ thể đang tự hồi phục vì việc làm này sẽ gia tăng đau đớn và viêm nhiễm. Đồng thời, hãy uống nhiều nước để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển mạnh.

m3

Nhiệt độ quá mức cực đoan có thể làm hỏng nụ vị giác và khiến bộ phận này sưng phù.

Thực phẩm cay

Không chỉ góp phần gây nên tình trạng trào ngược axit dạ dày, thực phẩm cay còn có thể trực tiếp khiến bộ phận này bị sưng viêm. Do đó, mọi người cần hạn chế đưa những món ăn này vào thực đơn hàng ngày. Bác sĩ Morrison cho biết, uống sữa có thể giúp làm dịu sự kích thích do thực phẩm cay gây nên.

Viêm gai lưỡi (TLP)

Đây là tình trạng phổ biến và hoàn toàn vô hại. TLP làm các nụ vị giác bị viêm, sưng màu đỏ hoặc trắng trên đầu lưỡi. Bác sĩ Morrison cho hay, tuy chưa xác định được nguyên nhân chính xác, tình trạng này có thể liên quan đến căng thẳng, thay đổi hormone hoặc tiêu thụ một số thực phẩm nhất định. Viêm gai lưỡi thường tự biến mất trong vòng vài ngày nên mọi người không cần quá lo lắng.

m4

TLP làm các nụ vị giác bị viêm, sưng màu đỏ hoặc trắng trên đầu lưỡi.

Ung thư miệng

Bác sĩ Anwar cho biết, mặc dù rất hiếm, ung thư miệng đôi khi có thể làm sưng nụ vị giác. Các vết sưng có xu hướng xuất hiện từ tế bào vảy ở hai bên lưỡi và rất dễ chảy máu khi chịu tác động. Những người hút thuốc và nghiện rượu nặng có nguy cơ cao phải đối mặt với ung thư miệng. Nếu nhận thấy vết loét khó lành hoặc nổi cục trên lưỡi trong thời gian dài, bạn hãy cân nhắc tới khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

(Nguồn: Pre)