Hơn 7 năm nay, người dân ở khu vực đường Kênh 19-5 giao với đường T1 (quận Tân Phú, TP.HCM) đã quen với ngôi chợ mang tên ông Năm Hấp. Ngôi chợ tự phát này được ông Năm Hấp tự nguyện hiến đất xây dựng hiện là nơi buôn bán của trên dưới 30 tiểu thương, những người từng rong ruổi mưu sinh bằng những gánh rau, miếng thịt ở vỉa hè với tương lai vô định.
Ông Năm Hấp tên thật là Lý Văn Hấp (70 tuổi, người gốc địa phương). Ông từng kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo như Phó chủ tịch UBND phường Tây Thạnh (khi còn thuộc quận Tân Bình), phó Bí thư đoàn phường, thành viên Mặt trận Tổ quốc phường… nên gắn bó rất sâu sắc với nơi mình sinh ra và lớn lên.
Ông nói: "Tôi xuất thân là nông dân nghèo, lại từng trải qua thời kỳ gian khó nên rất thấu hiểu nỗi khổ mưu sinh của bà con. Nhiều lần thấy các tiểu thương bán rong trước nhà phải ôm đồ chạy khi thấy lực lượng chức năng, đến nỗi hư hỏng hết mà tội nghiệp quá. Hơn nữa, bán buôn ngoài vỉa hè rất nguy hiểm, đã có trường hợp bị tai nạn giao thông vì đứng ngay lòng đường lựa thịt cá, nên không biết từ lúc nào, tôi ôm ấp ý định giúp bà có chỗ bán buôn ổn định".
Ý tưởng này được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương nên đến năm 2009, ông cải tạo mảnh đất hương hoả hơn 800m2 gần nhà, từ chỗ trồng cây kiểng thành một sàn bê tông chắc chắn. Tổng chi phí làm nền, giăng điện, kéo nước vào gần 60 triệu đồng do một mình ông Hấp tự bỏ ra làm.
"Vì thường xuyên bị đuổi nên khi nghe tôi vận động, bà con lập tức hưởng ứng. Lúc đầu có khoảng 50 tiểu thương nhưng được một thời gian, do mình không quản lý nên họ quay về thói quen cũ, dọn ra lề đường bán lại, dần dà chỉ còn khoảng 30 người buôn bán trong chợ" – ông Năm Hấp tâm sự.
Những ngày đầu, ông thu mỗi tiểu thương 10.000 đồng/ngày, gọi là chi phí phụ tiền điện nước, vệ sinh chợ, hiện tại, giá để vào chợ bán mỗi ngày là 30.000 đồng. Tuy nhiên với những tiểu thương quá khó khăn, buôn bán ế ẩm, ông không lấy đồng bạc nào, ngược lại còn cho họ mượn tiền để để làm vốn bán đầu kinh doanh thực phẩm, gọi là "có đồng ra đồng vô".
Không những vậy, vợ chồng ông Năm Hấp còn tiêu thụ thực phẩm giúp bà con khi mỗi ngày đều ra đây đi chợ mua đồ ăn. "Những ngày nhà có đám giỗ là ông Năm lại ra đây ủng hộ cho mỗi người một ít để bán nhanh hết, ai bán ế thì mua nhiều hơn" – cô Nguyễn Thị Tịnh (59 tuổi), một tiểu thương ở chợ cho biết.
Từ ngày chợ "ông Năm Hấp" hoạt động, cuộc sống của nhiều tiểu thương đã thay đổi hẳn. Họ không còn phải lang bạt qua từng con đường, góc phố hay ôm hàng hoá chạy trốn lực lượng dân quân phường, khu phố. Thay vào đó, lượng khách hàng quen mỗi ngày một tăng lên.
Chị Phạm Thị Lý (40 tuổi, quê Nam Định), một người bán giò chả tại chợ chia sẻ: "Tôi vào Nam được 16-17 năm thì hai năm sau đã đi bán hàng rong. Ngày trước cứ ngồi vỉa hè là bị đuổi, nên dần dần dạt đến trước cửa nhà chú Năm bán luôn. Rồi chú xây chợ và vận động mình vào đây bán, thu nhập cũng ổn định hơn, nhờ vậy mình mới có tiền nuôi con trai học đến lớp 10 như bây giờ".
Còn chị Huê (46 tuổi, quê Bắc Ninh) nhớ lại: "Ngày xưa còn đi bán rong ngán lắm, hai vợ chồng bị bắt hết mấy cái ba gác rau. Giờ ở đây có chỗ che mưa che nắng, lại không bị đuổi nên mình cũng thảnh thơi hơn".
Ẵm con gái 1 tuổi trên tay, chị Hương (29 tuổi) vui vẻ cho biết, nhờ chợ mở gần nhà nên chị không còn phải chạy đi xa để mua thức ăn, lại rất an toàn. "Con mình khó ăn nên có chỗ này dụ cho be ăn rất hiệu quả" – chị nói.
Khoảng hai năm trước, sau khi nâng cấp lán trại của gia đình tại Bình Chánh, tận dụng mớ tôn, sắt thép còn dư, chú Năm Hấp vận chuyển về, bỏ tiền ra làm mái che cho chợ "chồm hổm", thay thế những cây dù cũ. "Kinh phí khoảng gần 100 triệu nữa. Nhiều bà con thấy tôi làm vậy tưởng sẽ tăng giá, nhưng tôi vẫn giữ nguyên. Làm cốt cho bà con chỗ che mưa năng chứ đâu tính chuyện kinh doanh gì" – ông Năm Hấp giải thích.
Và tấm lòng của ông Năm Hấp cũng được bà con đón nhận, khi mỗi lần ông ra mua rau, mua thịt cá ai cũng lấy với giá "có lệ".
Ngoài xây chợ, ông Năm Hấp còn được người dân địa phương tính nhiệm đề cử chức trụ trì đình Tây Thạnh (quận Tân Phú). Khoảng 5 năm nay, cứ đến mồng Một và ngày Rằm, bà Lùn (vợ ông Năm Hấp) lại bỏ tiền ra để làm cơm chay miễn phí tại đình, đãi người nghèo, người dân địa phương. Đây cũng là cách để ông tiêu thụ rau giúp các tiểu thương ở chợ.
Với những nghĩa cử cao đẹp đó, ông được chính quyền địa phương tặng nhiều bằng khen cũng như kỷ niệm chương cho người làm dân vận khéo. Đã từng là một cán bộ Nhà nước tốt, đến khi về hưu, ông vẫn giữ đức tính tốt bụng, gần dân của mình.
Giờ đây tuổi đã cao, con cái cũng có gia đình riêng, hai vợ chồng ông Năm Hấp sống trong căn nhà hai tầng rộng. Hiện tại, ông lấy những hoạt động công tác xã hội làm niềm vui, và mỗi ngày vẫn giữ thói quen tạt ra chợ để thăm hỏi, phụ giúp dọn dẹp lặt vặt cho các tiểu thương.
"Tôi hi vọng nhiều người có đất rộng cũng tự nguyện lấy đất mở chợ cho bà con buôn bán. Chứ đường sá giờ chật chội, thuê mặt bằng lại đắt, bà con cứ bán hàng rong sai luật rồi bị đuổi thì lấy gì đắp đổi qua ngày" – ông Năm Hấp bày tỏ mong muốn của mình.