Công sở trước giờ vốn được biết đến là môi trường lắm thị phi và đầy rẫy sự phức tạp, bởi; về cơ bản, trong một khuôn viên gói gọn, chật hẹp; có quá nhiều con người thuộc những thành phần khác nhau phối hợp làm việc vì một mục đích của tổ chức và tập thể.
Bởi vì quá đông đúc nên va chạm là câu chuyện không thể tránh khỏi. Để rồi sự va chạm tạo nên mâu thuẫn và xung đột. Nếu những mâu thuẫn thường nhật này có thể được giải quyết một cách nhẹ nhàng và êm thấm thì thiết nghĩ, chẳng còn vấn đề gì để bàn đến.
Tuy nhiên, phần lớn những sứt mẻ đều mang lại tổn thương cho người trong cuộc hoặc nghiêm trọng hơn là tạo nên những oán thù chồng chất. Vậy làm cách nào để chị em công sở có thể hóa giải những cảm xúc tiêu cực, chuyển thù hận thành yêu thương, dĩ hòa vi quý.
Thiết nghĩ, câu chuyện “Bởi vì lương thiện” của tác giả Lâm Chí Bân với nội dung xoay quanh sự yêu thương và tấm lòng thiện lương của con người bên dưới đây sẽ là ví dụ minh họa rõ nét nhất để chúng ta có thể học cách hóa giải mọi điều tiêu cực trong cuộc sống. Tác giả tâm sự:
Khi đó tôi đang làm quản lý cho một tòa nhà trong tiểu khu, nhận được tin tức tôi nhanh chóng đến hiện trường. Hiện trường tai nạn trông rất thê thảm: Bên dưới xe tải là một chiếc xe đạp nhỏ bé của người bán hàng rong, còn chủ nhân của nó đang nằm trong vũng máu. Người gây tai nạn, cũng chính là tài xế của chiếc xe tải không rõ đã đi đâu mất. Theo lời nhân chứng kể lại thì sau khi tài xế xuống xe và nhìn thấy sự việc, anh ta liền gọi cấp cứu rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.
Ngay sau đó xe cứu thương và cảnh sát xuất hiện, người bán hàng rong cũng đột nhiên bò ra từ trong gầm xe. Thì ra trên mặt đất không phải là “máu” mà là tương ớt, nạn nhân cũng chỉ trầy xước một chút ở chân trái; là người vùng ngoại ô, hôm nay đạp xe đến con phố này bán tương ớt, không may bị đụng xe.
Bác sĩ đến hiện trường cũng lập tức kiểm tra sơ bộ cho anh ta, kết luận là chân trái bị trầy xước và có vết tím bầm, ngoài ra không có bất cứ vết thương nghiêm trọng nào. Tất nhiên, anh ta vẫn phải đến bệnh viện để kiểm tra cẩn thận hơn. Nghe đến đây tôi thở phào nhẹ nhõm, việc còn lại bây giờ là giúp cảnh sát tìm người tài xế lái xe.
Nhưng cũng chính lúc này, tôi lại nhận được một tin tức đáng sợ: Người tài xế gây tai nạn đã trèo lên lan can tầng 4 của một căn chung cư gần đó và nhảy lầu tự tử. Tôi lại vội vã phi xe đến hiện trường, nhưng chỉ thấy tài xế ngồi ôm đầu khóc lớn, còn một người đàn ông khác thì nằm dưới lòng đường.
Thì ra, đúng vào lúc người tài xế tung mình nhảy xuống thì có một người công nhân đã nghỉ hưu đi ngang qua đó. Nhìn thấy tình huống cấp bách này, người công nhân kia đã dũng cảm dùng thân mình để đỡ lấy người tài xế. Kết quả là tài xế thì bình an vô sự, còn người công nhân thì gãy hai xương sườn. Báo chí trong vùng cũng đến đưa tin.
Một ký giả phỏng vấn người công nhân về hưu, hỏi ông rằng vì sao khi đó không cảm thấy sợ hãi? Ông nói: “Tôi không thể đứng nhìn một người ra đi ngay trước mắt tôi. Nếu có thể lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ dùng thân mình để đỡ anh ta”.
Thật ra, hoàn cảnh của người lái xe cũng vô cùng khó khăn. Ở nhà anh còn có mẹ già và con nhỏ, kinh tế gia đình đều dựa vào một tay anh; đơn vị muốn giúp đỡ anh nên mới giao cho anh lái chiếc xe tải nhỏ này. Vì thế nên khi đối mặt với thảm họa, trong đầu anh chỉ nghĩ đến một từ: Chết.
Khi nghe về hoàn cảnh của anh tài xế, người công nhân về hưu từ chối không nhận bất cứ đồng bồi thường cũng như quà cáp biếu tặng nào, còn kiên quyết rằng tự mình sẽ chịu viện phí. Nhưng điều khiến người ta cảm thấy lo lắng nhất lại là người bán hàng rong. Anh ta nói sẽ nằm viện 1 năm nếu như kẻ gây tai nạn không đồng ý với yêu cầu của mình. Những chuyện như “bắt đền” hay “đòi bồi thường” có rất nhiều ngoài xã hội, nhưng tiến trình của sự việc lại nằm ngoài dự đoán của tôi.
Khi tài xế đến bệnh viện thăm nạn nhân, có người hỏi anh: “Anh đã không thiết sống rồi, vậy còn gọi xe cứu thương cứu nạn nhân làm gì?”. Dường như đó là câu hỏi mà tài xế không ngờ đến, anh lặng người một lúc rồi nói: “Tôi chẳng biết phải làm gì, chỉ nghĩ là: Nhỡ đâu còn cứu được anh ta thì sao?”. Cũng chính câu nói này đã khiến người trong cuộc cảm động. Ngay ngày hôm sau người bán hàng rong quyết định xin ra viện và nói: “Tôi về nhà dưỡng bệnh, tôi không muốn tiếp tục lừa gạt người khác nữa”.
May mắn thay, trong câu chuyện trên, tất cả các nhân vật đều bình an vô sự. Những tình tiết đan xen cũng như những nút thắt dần được mở khiến người đọc chẳng thể rời mắt khỏi diễn biến. Suy cho cùng, nhân tố khiến mọi mâu thuẫn được hóa giải vốn nằm ở hai chữ “lòng tốt”. Nếu người tài xế không có lòng tốt, anh sẽ không nhận được sự tha thứ của nạn nhân. Nếu người công nhân về hưu không có tấm lòng thiện lương cao cả, rất có thể một mạng người đã phải ra đi.
Vậy đấy, lòng tốt là thứ có thể giúp chúng ta hóa giải mọi vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống. Do đó, hãy cứ yêu thương dù tình hình có tệ đến mức độ nào đi chăng nữa để những giá trị tích cực được lan truyền rộng rãi. Hãy cảm ơn cuộc đời vì một sớm mai thức giấc, chúng ta còn được một ngày nữa để yêu thương.