Gen Z ngồi tại văn phòng livestream “bóc phốt” công ty sau 1 tháng đi làm
Lý do khiến nam nhân viên bất bình đến từ chế độ của công ty với nhân viên.
Livestream “bóc phốt” vì không hài lòng với quy trình và chính sách ở công ty
Mới đây, trên MXH bất ngờ xuất hiện đoạn clip cut từ livestream của một chàng trai tên C.T với tiêu đề “Căng luôn: Nhân viên Gen Z livestream bóc phốt công ty sau 1 tháng làm việc” . Trong đoạn clip, C.T ngồi tại văn phòng công ty, cho biết mình livestream vì bất bình với một số chính sách từ một công ty bảo hiểm - nơi anh chàng làm việc trong 1 tháng vừa qua.
Trong đoạn clip, quản lý trực tiếp của C.T cũng gọi điện và liên tục đề nghị nam nhân viên này tắt livestream để nói chuyện với mình. Tuy nhiên anh chàng không đồng ý, sẵn sàng đối chất khi đang phát sóng.
Dù đoạn clip viral chỉ dài 2 phút, chưa rõ nội dung về sự bất bình của nam nhân viên với công ty là gì nhưng cư dân mạng đã để lại rất nhiều bình luận trái chiều.
Liên hệ với C.T - nhân vật chính trong câu chuyện này, anh chàng có những chia sẻ về sự việc.
Lý do khiến nam nhân viên bất bình đến từ chế độ của công ty với nhân viên trong quá trình học việc. C.T cho biết ở công ty có các khóa đào tạo cho người mới, kéo dài khoảng 3 tuần. Nếu đi học đầu tháng thì cuối tháng nhận được 8 triệu gọi là lương đi học nhưng nếu học cuối tháng thì sẽ không có. Bản thân C.T không được thông báo và quản lý trực tiếp cũng không đề cập chuyện này.
Sau khi C.T được nghe thông tin từ đồng nghiệp khác và đem thắc mắc với quản lý thì nhận được câu trả lời: Người đi học đầu tháng không có thời gian chạy số (đi làm và bán hợp đồng) nên được hỗ trợ còn C.T đi học cuối tháng thì đầu tháng sau có thể chạy số và làm việc luôn, khi đó đã có lương rồi. Câu trả lời này không thuyết phục được C.T vì anh chàng cho rằng đều học như nhau, phải bỏ thời gian như nhau.
C.T còn được thông báo sau khi hoàn thành khóa học, nhân viên sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng. Ban đầu C.T được biết học xong sẽ nhận được tiền nhưng vào làm rồi anh chàng mới biết đến kỳ lương tháng thứ 2 mới được nhận tiền. C.T cho rằng chuyện này cũng không hợp lý .
Vì không hài lòng với quy trình và chính sách ở công ty, C.T quyết định livestream nói ra sự bức xúc của mình với mong muốn những người đến sau không bị mất quyền lợi và cũng không có ý công kích ai hay tập thể nào.
Anh chàng cho biết bản thân cũng không ngờ livestream lại bị cắt ngắn và đăng tải khắp nơi, livestream nói 2 tiếng đồng hồ còn lại clip 2 phút nên rất “bất bình”.
Về chuyện bị dân mạng chỉ trích vì việc ngồi tại văn phòng để “phốt” công ty, C.T cho hay: “Nếu được làm lại vẫn sẽ chọn nói lên tất cả sự việc, chỉ là sẽ tìm địa điểm khác phù hợp hơn thay vì livestream ở công ty như vậy”.
Hiện tại C.T đã nghỉ việc tại công ty này.
Có nhiều cách đòi quyền lợi, càng ồn ào càng dễ chịu thiệt
Trước câu chuyện của C.T, nhiều người đã bày tỏ quan điểm của mình.
Một số người cho rằng nếu C.T nhận thấy công ty mập mờ trong chính sách thì hoàn toàn có thể lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của bản thân, để những người sắp ứng tuyển vào công ty tìm hiểu rõ ràng trước khi nộp CV.
Thế nhưng, nhiều người lại nêu quan điểm C.T không nên làm như vậy bởi lẽ anh chàng đang ngồi ở ngay công ty, điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng với người khác và nơi mình đã làm việc. Thậm chí có những ý kiến chỉ trích anh chàng vì hành động thiếu suy nghĩ, sẽ không còn ai dám nhận người như thế vào làm việc sau drama này.
- Đừng làm vậy, biết là bức xúc nhưng mà sau này hồ sơ xin việc khó lắm.
- Nếu bạn là 1 người ra đời làm việc lâu năm, trải nghiệm nhiều trong thực tế, bạn sẽ biết khi nào cần tiết chế cái tôi của bản thân.
- Không biết là công ty đúng hay sai nhưng thấy thái độ của bạn thì hơi ngông. Đa số các bạn Gen Z đi làm sẽ ảo tưởng rằng cái sân chơi đó là của các bạn, muốn làm gì thì làm.
- Không ủng hộ cách làm này lắm. Có ý kiến đòi quyền lợi thì gặp trực tiếp cấp trên trao đổi chứ đừng mang lên MXH.
Thực tế, trong môi trường công việc, câu chuyện của C.T không hiếm gặp. Theo khảo sát của trang JobsGO ở thị trường lao động Việt Nam 2022 với 3000 người lao động trên toàn quốc, tỷ lệ nghỉ việc vì không hài lòng với chính sách của công ty như mức lương, chế độ phúc lợi,... chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể gần 45% người nghỉ việc vì không hài lòng với mức lương và 24% người không hài lòng với chế độ phúc lợi.
Vì vậy có thể nói đây là tâm lý chung của những nhân viên có rắc rối với công ty mà chưa được giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên cách giải quyết của nam nhân viên này có phần ồn ào và rõ ràng sẽ khiến anh chàng dễ phải chịu thiệt.
Với những tình huống thế này, bước đầu tiên là phải trao đổi thẳng thắn với quản lý trực tiếp để làm rõ vấn đề. C.T cũng đã làm việc này nhưng 2 bên không tìm được tiếng nói chung.
Khi việc trao đổi dẫn đến kết quả không mong muốn mà bạn vẫn muốn gắn bó với công việc, bạn có thể đề nghị được nói chuyện với quản lý cấp cao hơn. Tại đây bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần và tâm lý để trình bày vấn đề/ thắc mắc của mình một cách rõ ràng, thuyết phục để đối phương có thể tiếp thu vấn đề một cách cởi mở.
Cuối cùng, khi cảm thấy không thể tiếp tục công việc được nữa thì hãy rời đi với tâm thế thoải mái nhất.