Ung thư cổ tử cung hiện vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe và tính mạng của phụ nữ. Căn bệnh này tuy vẫn là một nỗi ám ảnh lớn nhưng may mắn thay, khoa học thế giới hiện nay đã có thể sàng lọc và chẩn đoán sớm những dấu hiệu của bệnh để chị em phụ nữ có thể tìm được những phương pháp chữa chạy không tốn kém và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Đó chính là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung Pap smear, hay còn gọi là phết cổ tử cung.
Cha đẻ của phương pháp này là một nhà khoa học người Hy Lạp có tên là Georgios Papanikolaou (1883-1962). Ông là một nhà nghiên cứu tiên phong và ngày hôm qua, 13/5/2019, Google đã vinh danh ông trên Google Doodle để kỉ niệm 136 năm ngày sinh của nhà khoa học, bác sĩ vĩ đại này. Nhà khoa học Papanikolaou được mô tả là một trong những bộ óc khoa học xuất sắc nhất của Thế kỉ 20.
Trước khi phương pháp của Papanikolaou ra đời, người ta thường chẩn đoán ung thư dựa trên kết quả sinh thiết và dùng biện pháp phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Ngày nay, tầm soát ung thư bằng xét nghiệm Pap smear là một trong những xét nghiệm sàng lọc ung thư phổ biến nhất và được coi là một phần cần thiết trong chăm sóc sức khỏe định kì cho phụ nữ từ 21-65 tuổi.
Trong quá trình xét nghiệm phết tế bào, các bác sĩ sẽ tìm kiếm bất kì tế bào nào trong cổ tử cung có dấu hiệu bất thường đủ để coi là tiền ung thư hoặc ung thư. Họ sẽ thu thập một mẫu tế bào cổ tử cung của bệnh nhân bằng cách đưa vào trong âm đạo một mỏ vịt (một công cụ giúp bác sĩ nhìn thấy cổ tử cung) và dùng thìa gỗ, bàn chải nhỏ để nhẹ nhàng thu thập các tế bào từ bề mặt âm đạo và ống tủy. Các tế bào sau đó được gửi đến một nhà nghiên cứu bệnh học, người này sẽ kiểm tra chúng dưới kính hiển vi và đánh giá chúng xem có bất thường hay không.
Thông thường, phải mất vài năm những tế bào bất thường này mới phát triển thành tế bào ung thư, vì vậy, xét nghiệm Pap đóng vai trò thiết yếu trong việc phát hiện các thay đổi trong tế bào. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện sớm, và đôi khi được ngăn chặn hoàn toàn, bằng cách làm xét nghiệm Pap thường xuyên. Hiện nay có rất nhiều cách để tiếp cận điều trị ung thư cổ tử cung, nhưng những phương pháp này sẽ cho hiệu quả cao hơn với những trường hợp được chẩn đoán sớm.
Năm 1914, Papanikolaou bắt đầu nghiên cứu ung thư cổ tử cung tại Đại học Y Cornell và tại bệnh viện New York Presbyterian. Vào thời điểm đó, ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ Mỹ, theo ước tính, căn bệnh này đã giết chết gần 40.000 người trong mỗi năm. Các thí nghiệm của Tiến sĩ Papanikolaou trên chuột lang và người đã giúp ông phát hiện ra rằng có thể thấy được sự khác biệt giữa các tế bào cổ tử cung bình thường và những tế bào ác tính sau khi xem các mẫu bệnh phẩm bằng kính hiển vi.
Từ đó, ông xác định rằng có thể phát hiện ra các tế bào ung thư mà không cần đặt bệnh nhân lên bàn mổ. Phương pháp này cũng giúp cho bệnh nhân giảm thiểu tỉ lệ tái phát bệnh và kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên, thời kì đầu, phương pháp của ông gặp khá nhiều khó khăn. Ông đã trình bày những phát hiện ban đầu của mình vào năm 1928, nhưng phải mất đến 2 thập kỉ để thành quả của ông được cộng đồng y tế chấp nhận.
Phương pháp này sau đó đã thực sự đưa ra kết quả vô cùng khả quan. Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung của phụ nữ Hoa Kỳ đã giảm 60% từ năm 1955 đến năm 1992. Căn bệnh này từng được coi là nguyên ngân hàng đầu gây tử vong vì ung thư thì nay nó đã được xếp hạng thứ 14.
Tiến sĩ Rema Rao, một nhà nghiên cứu bệnh dịch học tại Papanicolaou Cytopathology Lab tại New York Presbyterian đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, tỉ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã sụt giảm đáng kể trong nhiều thập kỉ qua. Xét nghiệm Pap là một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại bởi nó có thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữa.
Tuy vậy, bất chấp những nghiên cứu vĩ đại của Papanikolaou, tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung vẫn còn rất cao ở một số vùng của Hoa Kỳ và các nước đang phát triển do sự hạn chế với việc tiếp cận phết tế bào Pap và sàng lọc ung thư.
(Theo inverse)