Đến Huế những ngày này, du khách có thể bắt gặp màu hồng thơ mộng của hoa ngô đồng. Nhưng đẹp nhất, xuân nhất phải nói đến những cây ngô đồng trong Đại Nội. Những năm tháng này, cây ngô đồng cùng xứ Huế đi qua bao thăng trầm, chứng kiến bao đổi thay, người đến, kẻ đi và những người ở lại.
Khi chiếc lá cuối cùng trút xuống...
Người ta thường nói, mỗi một vùng đất đều có vị riêng để thương nhớ. Có người nhớ mùi lạnh se sắt của sương giá Hà Nội khi vào đông, có người nhớ từng vạt nắng vàng ruộm đổ xuống phố phường Sài Gòn lúc hạ về. Còn có những người nhớ mùa hoa ngô đồng ở Huế thương...
Khi chiếc lá cuối cùng trút xuống là lúc những chùm hoa ngô đồng nở rộ. Bao phủ thân cây xám khô ấy là những vạt hoa màu hồng phấn phớt tím khoe mình dưới sương sớm và nắng mai đất Cố đô. Giữa cung điện trầm lắng, có phần u tịch, hoa ngô đồng đung đưa trong gió xuân tựa như đưa người ta về với những ký ức xưa, nơi cố nhân đã kinh qua bao thời đại.
Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Loài hoa của bậc Đế Vương
Trong Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, có đoạn chép rằng: "Các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng đưa từ Quảng Đông đem về, trồng hai bên điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được, đem trồng ở các góc điện". Khi ấy, nhà vua cho người lên dãy Trường Sơn, đưa những người hiểu biết tinh thông về thảo cỏ đi tìm cho bằng được giống hoa quý phái này.
Tuy là cây gốc được đưa về từ Trung Quốc nhưng những cây ngô đồng tại Huế lại trút lá và trổ hoa vào giữa xuân. Thêm vào đó ngô đồng Trung Quốc thường là dấu hiệu báo mùa thu sang:
"Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu"
(Một lá ngô đồng rụng
Mọi người biết thu sang)
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng từ câu cổ thi trên, giống ngô đồng Trung Quốc nở hoa vào mùa thu, còn giống ngô đồng tại Huế trổ bông vào mùa xuân là giống hoa ở dãy Trường Sơn xưa kia đã tìm được để nhân giống trồng trong Đại Nội.
Cứ đến nửa sau tháng 2 âm lịch kéo dài đến tháng 4 hàng năm, hoa ngô đồng lại bung sắc trong Đại Nội. Sắc hoa ấy khiến sự trầm mặc của hoàng cung thêm phần thơ mộng. Ảnh: Fanpage Hue Ssc
Từng chùm ngô đồng màu phớt hồng, lúc lỉu giữa mây trời xứ Huế, tỏa sắc lộng lẫy trên những mái ngói rêu phong đã bạc màu. Hoa ngô đồng, được mệnh danh là "vương giả chi hoa", loài hoa tượng trưng cho bậc Đế Vương.
Tương truyền, chim phượng hoàng - loài chim biểu tượng cho điềm lành và sự cao quý chỉ đậu trên cây ngô đồng. Bởi vậy mà, người Huế rất trân quý loài hoa này, những cây ngô đồng chỉ được trồng ở nơi linh thiêng, cao quý như Hoàng Thành và lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn.
Xuất hiện từ tích xưa, cây ngô đồng là biểu tượng của điềm lành và cát tường. Ảnh: Kiến Thức
Đã từ lâu, ngô đồng là một trong những loài cây biểu tượng đặc sắc của nền văn hóa Á Đông. Người ta vẫn nhất mực cảm thấy ly kỳ về truyền thuyết xưa trong văn hóa Trung Hoa, khi vua Phục Hy nhìn thấy sao rơi xuống cây ngô đồng, chim phượng hoàng liền đến đậu. Vua cho đó là cây quý, hấp thụ được tinh hoa đất trời, bèn sai người đốn cây làm đồ nhã nhạc. Vì tích ấy mà cây ngô đồng rất được coi trọng.
Cây ngô đồng còn đi vào thơ ca, trở thành hình tượng đẹp đẽ. Chẳng hạn như Vương Xương Linh - thi nhân đời Đường (Trung Quốc) có câu "Kim tỉnh ngô đồng thu diệp hoàng/Châu liêm bất quyển dạ lai sương" (Bên giếng ngô đồng thu vàng lá/Rèm châu không cuốn mặc sương vào). Đại thi hào Nguyễn Du cũng nhắc tới cây ngô đồng trong Truyện Kiều: "Nửa năm hơi tiếng vừa quen/Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng".
Phải chăng loài hoa tượng trưng cho điềm lành ấy được vua Minh Mạng rất đỗi trân quý mà chạm lên chiếc đỉnh mang thụy hiệu của mình: Nhân đỉnh.
Dấu ấn khắc vào Nhân đỉnh
Trên điện Thái Hòa có câu thơ của tác giả Hải Trung dịch:
"Cung cấm rộng đường đón phượng hoàng
Xe trời rồng ngự lối thênh thang
Yên tĩnh nhạc chương reo nắng sớm
Điềm lành hạ xuống ngập không gian".
Cũng từ chuyện cũ để lại, niềm tin thịnh vượng, hòa bình lẫn ước mong quốc thái dân an của loài cây quý mà vua Minh Mạng đã trồng ngô đồng trước điện Cần Chánh và sau điện Thái Hòa. Không chỉ vậy, vua còn cho chạm cây ngô đồng lên Nhân đỉnh - đỉnh mang thụy hiệu của vua Minh Mạng.
Khi đúc Cửu đỉnh, năm 1835, vua đã dụ chỉ rằng: "Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại cho đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh đế ở nhà Thế miếu... Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc". (Trích Quốc sử quán triều Nguyễn -2007).
Những chùm hoa li ti, mỏng manh ấy rót vào lòng người ta nỗi nhớ thương về một xứ Huế mộng mơ và cổ kính. Để mỗi khi đặt chân đến vùng đất linh thiêng này, lại nhớ đến phượng hoàng về đất Cố đô, mùa xuân chín rực hoa ngô năm nào...