Aragonese là tòa lâu đài được xây dựng trên đỉnh một hòn đảo đá nhỏ bên cạnh đảo chính Ischia, phía bắc của Vịnh Naples, Italy. Tòa lâu đài cổ kính, ấn tượng nhất thế giới này được cho là đã được xây dựng từ thời Cổ điển, tuy nhiên phần lớn cấu trúc còn giữ được cho đến hiện tại lại có từ thời Trung cổ. 

Cũng như nhiều tòa lâu đài khác trên thế giới, Aragonese cũng có một hành trình lịch sử gắn liền với những biến động của Italy nói riêng và thế giới nói chung. 

Ghế tử thần - nghi thức chôn cất kỳ lạ như thể sống chung với xác chết của người cổ xưa, chỉ nghe đến thôi đã sởn tóc gáy - Ảnh 1.

Ghế tử thần - nghi thức chôn cất kỳ lạ như thể sống chung với xác chết của người cổ xưa, chỉ nghe đến thôi đã sởn tóc gáy - Ảnh 2.

Lâu đài Aragonese sừng sững trên đỉnh một hòn đảo núi lửa nối liền với hòn đảo chính Ischia chỉ bằng một con đường đắp cao.

Vào năm 474 trước Công nguyên, tòa lâu đài được xây dựng trên hòn đảo được xây dựng bởi Gerone I (hay còn gọi là Hieron I), một bạo chúa của vùng Syracuse. Trong các thế kỷ tiếp theo, hòn đảo này đã bị chiếm giữ bởi nhiều tộc người khác nhau, bao gồm người La Mã, Ả Rập, Normans và Angevins. Mỗi tộc người từng sống ở đây đều để lại dấu ấn của mình trên kiến trúc của lâu đài. Tuy nhiên, tòa lâu đài Aragonese mà người ta thấy ngày nay được tu sửa vào năm 1441 bởi vị vua Alfonso V.

Lâu đài Aragonese vốn đã rất độc đáo bởi nó sừng sững trên đỉnh một hòn đảo núi lửa nối liền với hòn đảo chính Ischia chỉ bằng một con đường đắp cao. Nhưng một trong nhiều căn phòng bên trong lâu đài có một lịch sử đặc biệt không kém gì tiểu thuyết hoặc phim kinh dị. Đó chính là căn phòng với những chiếc "ghế mai táng" (Death Chairs) thuộc về các nữ tu của một tu viện trong lâu đài.

Từ năm 1575 đến 1810, lâu đài Aragonese là nơi sinh sống của một cộng đồng nữ tu thuộc Dòng Thánh Clare. Họ thực hành một nghi thức chôn cất khá kỳ lạ gọi là Putridaria.

Bất cứ khi nào một nữ tu qua đời, xác chết của cô sẽ được đưa đến nghĩa trang của họ được gọi là "Cimitero delle Monache Clarisse", và được đặt trong tư thế ngồi trên "ghế mai táng" (Death Chairs). Các xác chết bị bỏ lại trên những chiếc ghế đá cho đến khi phân hủy hết, chỉ còn trơ lại những bộ xương. Mỗi "ghế mai táng" có một cái lỗ bên dưới và cái thùng chứa. Chúng được dùng để "hứng" các chất lỏng chảy ra từ thi thể người chết trong quá trình phân hủy. Sau một hoặc hai năm, khi các thi thể đã bị phân hủy hoàn toàn, những bộ xương khô sẽ được tập hợp lại và đặt vào một bãi đá.

Một số hình ảnh về những chiếc "ghế tử thần" bên trong lâu đài Aragonese.

Điều đặc biệt hơn nữa trong nghi thức chôn cất này là các nữ tu còn sống hàng ngày vẫn đến thăm người đã chết. Ngoài việc cầu nguyện cho người chết, những buổi thăm viếng này còn có mục đích nhằm giúp các nữ tu suy niệm về cái chết của chính họ. 

Người ta coi đây là một hình thức rèn luyện tinh thần tốt, nhưng nó lại gây bất lợi cho sức khỏe thể chất của họ. Bởi khi phải dành quá nhiều thời gian ở một nơi "không lành mạnh" như vậy, họ thường mắc phải những căn bệnh nghiêm trọng.

Ghế tử thần - nghi thức chôn cất kỳ lạ như thể sống chung với xác chết của người cổ xưa, chỉ nghe đến thôi đã sởn tóc gáy - Ảnh 4.

Vào cuối thế kỷ 17, hình thức mai táng Putridaria đã bắt đầu bị mai một cho đến khi nó hoàn toàn bị xóa sổ vào đầu thế kỷ 20. Chủ yếu là vì mọi người tin rằng nó mất vệ sinh và xác chết thải ra chất lỏng hoặc khí độc gây chết người. 

Năm 1809, lâu đài Aragonese bị người Anh pháo kích, vì thời điểm đó nó bị Pháp chiếm giữ. Các tòa nhà hư hại nặng bị bỏ hoang, và tu viện cũng vậy. Khi tu viện không còn là nơi sinh sống của một cộng đồng nữ tu thì "ghế tử thần" được xem là một lời nhắc nhở nghiệt ngã về sự hiện diện của họ trong lâu đài Aragonese. Ngày nay, khách du lịch vẫn có thể tận mắt nhìn thấy những chiếc ghế kỳ lạ đó nếu đến thăm lâu đài này.

(Nguồn: Ancient Origins)