Quán cà phê dễ thương này nằm trên quốc lộ 1A, đoạn gần ngã ba Bình Ảnh (huyện Thủ Thừa, Long An). Ai đi ngang qua, nhất là giữa trời nóng bức oi ả đều phải ngước nhìn bởi đập vào mắt là một mái nhà xanh bát ngát và mát rượi.
Quán cà phê cây si nổi bật giữa buổi trưa nắng gay gắt.
Bà chủ của quán cũng vui vẻ và dễ thương không kém là cô Nguyễn Thị Tám (53 tuổi). Cô cho biết mình bán cà phê đã hơn 30 năm rồi, chứng kiến bao sự đổi dời và không nhớ rõ đã bao nhiêu lượt khách đến rồi đi.
Bà chủ quán dễ thương, vui tính.
Chủ quán cho biết những cây si bắt đầu được trồng từ hơn 15 năm trước.
Mãi đến năm 2002, gia đình cô mới bắt đầu trồng những cây si bên cạnh nơi bán cà phê cho mát. Dần dà, cây lớn nhanh như thổi và tỏa bóng mát lớn đan xòe lên nhau. Thấy lùm xùm, ban đầu cô định tỉa cho thoáng.
Nhưng sau đó tự nhiên nảy sinh sáng kiến là làm thành hình như mái nhà. Vậy là cô bảo thợ làm ngay và "nhà cây si" ra đời.
Dần dần, những cây si lớn và lá đan xen vào nhau.
Có lẽ cô cũng không ngờ rằng quán cà phê diện tích rộng 250 mét vuông của mình lại từ từ "nổi như cồn" bởi hàng si 30 cây to lớn làm thành hình mái nhà. Khách chạy ngang thích thú trước màu xanh mát của hàng si được tạo hình tỉ mỉ nên dừng lại nghỉ chân.
Ai đến đây cũng tranh thủ chụp hình với cây si rồi làm một giấc thật đã dưới những chiếc võng đã giăng sẵn để hồi sức sau quãng thời gian đội nắng toát hết mồ hôi.
Quán chỉ bày trí đơn sơ nhưng vô cùng mát mẻ.
Lá si xanh tốt và dày đặc, nắng không chiếu xuống được.
Anh Nguyễn Văn Luận cho biết mình từng ghé quán cà phê của cô Tám và vô cùng ấn tượng vì chủ quán quá tinh ý.
"Mình từng ghé quán rồi, vừa mới đặt mình xuống là ngủ ngay vì vừa gió mát vừa sạch sẽ mà giá cả cũng rất bình dân. Mọi người nếu có dịp thì nên ghé vì không gian quán rất rộng và thoải mái, lại tránh được khói bụi nữa thì đây là lựa chọn số 1 rồi" - anh nói.
Khách lỡ đường thích thú nằm nghỉ dưới bóng lá si.
Chị Phồng Tép còn cho rằng quán cà phê là cả một nghệ thuật vì nhìn là nhà nhưng không phải nhà, là vườn nhưng không phải vườn.
Một vài khách cho biết còn e ngại với quán của cô Tám vì thấy lá cây nhiều và rậm quá sợ... có rắn lục. Tuy nhiên khi đến quán tránh được nắng lại thoáng mát, gió thổi hiu hiu như điều hòa nên ngủ quên lúc nào không hay.
Nằm võng dưới "mái nhà si" làm một giấc thì còn gì bằng.
Cứ vậy tiếng lành đồn xa, quán cà phê cây si ngày một đông khách. Cô Tám cho biết trung bình mỗi ngày nơi đây bán cho khoảng 60 khách, lễ Tết thì lượng người đến uống nước giải khát tránh nắng còn tăng vọt, dù bày trí của quán chỉ là vài bộ bàn ghế đơn sơ.
Chỉ có một chút bất tiện là nếu trời mưa lớn quá, lá si sẽ không hứng nước được và "mái nhà" bị dột. Để khắc phục tình trạng này, cô Tám sắm luôn mấy cây dù lớn sẵn sàng che cả bầu trời cho bà con.
Ở những chỗ thưa, mưa lớn nước rỉ xuống thì chủ quán sẽ dùng dù che cho khách.
Hàng si được tạo hình tuyệt đẹp trở thành thần tài giúp quán cà phê phát đạt. Không chỉ vậy, du khách còn ấn tượng với nụ cười duyên và sự thân thiện của cô chủ quán mặt trẻ hơn tuổi.
Dù đông khách nhưng không vì thế mà cô Tám "chặt chém". Giá cho mỗi loại nước giải khát chỉ trên dưới 15.000 đồng, còn cà phê đá chỉ có 12.000 đồng. Quá rẻ!
Thấy mọi người quá ấn tượng và thích thú với "mái nhà si", cô Tám cũng chịu chơi, chiều khách khi mỗi năm thuê thợ bắt giàn giáo tỉa tót giữ hình dáng cho cành lá đến 3 lần. Bán nước lấy số nhiều làm lời nên mỗi lần tỉa xong là lại bị thâm hụt một mớ.
Công việc tỉa lá lẫn các rễ nhỏ ở các gốc si cũng được quán thực hiện.
Nhưng cô Tám không quan tâm, miễn mình thấy thích là được. Vả lại, cô coi như đó cũng là cách trang trí cho ngôi nhà mình, cho mảnh đất mình sống, nơi nuôi sống gia đình cô mấy chục năm qua.
Quán cà phê cây si của cô Tám là điểm lý tưởng mà mọi người nên dừng chân khi ghé lại Long An.
Dọc quốc lộ 1A đoạn từ TP.HCM về miền Tây, những năm gần đây tình trạng bán đồ ăn, thức uống giá cao ngất ngưởng ở những quán ven đường khiến người đi đường "ôm cục tức" thường xuyên bị phản ảnh.
Có thể nói, quán cà phê mái si của cô Tám đã "lấy lại thể diện" cho người miền Tây luôn chất phác thật thà, giàu tình cảm và tấm lòng phóng khoáng.
Mời độc giả đón xem những câu chuyện bình dị của xứ miền Tây sông nước được chúng tôi ghi lại qua góc nhìn chân thật, đậm nét nhất ở các bài viết tiếp theo.
Đọc lại bài 1: Về miền Tây nghe những câu chuyện nhỏ xíu, nhìn nụ cười hiền khô của dì Bảy, thím Ba, thấy thứ gì cũng ngọt vị tình người.