"Bộp… bộp bộp…". Chẳng hiểu sao giữa hàng đống cây mọc xung quanh lối vào trường cấp 3 Yên Hòa (Cầu Giấy), tôi lại chọn đúng gốc cây bàng để đứng. Mấy quả bàng chín ươm rụng trúng đầu đau điếng. Ngước lên nhìn nắng chiều thập thò xuyên qua kẽ lá, bỗng nhớ thời đi học ghê gớm.
Không phải tự nhiên tôi đứng đấy nhẩn nha để bàng rơi vào đầu, mà bởi nóng nực quá, tôi đi tìm hàng tào phớ ăn cho mát. Ở gần nhà tôi, khu Yên Hòa – Nhân Chính, nghe nói có một hàng nổi tiếng lắm, lũ nhóc hay đồn rằng "chưa ăn tào phớ ở đây thì không phải là học sinh Yên Hòa". Tôi quyết định đi khám phá cho thỏa nỗi tò mò, xem quán tào phớ ấy có gì đặc biệt đến mức bao thế hệ học sinh lại mê mẩn đến vậy?
Con đường dẫn đến dạ dày của tôi quả không dễ dàng tí nào. Lòng vòng quanh khu chợ Yên Hòa, tôi lạc vào mê cung ngõ ngách rối rắm đến sợ. Đường đông nghịt người xe, tôi lách qua một dãy phản thịt, những mẹt rau dưa, đi song song với bờ sông Tô Lịch một hồi, trường cấp 3 đây rồi nhưng chẳng nhòm đâu thấy hàng tào phớ Yên Hòa. Quanh cổng trường chỉ có hàng rửa xe và khu nhà dân, học sinh thì nghỉ hè hết, vắng lặng như tờ.
Hàng tào phớ 20 năm tuổi nằm lọt thỏm sau gốc cây duối, nơi ngã ba gần cổng trường THPT Yên Hòa.
Trước đây, quầy tào phớ Yên Hòa nằm ngoài vỉa hè, ai đi qua cũng thấy, nhưng giờ đây nó nằm khiêm tốn sau một nhà thờ họ xây kiểu cũ.
Loanh quanh một lúc, tôi chợt nhìn thấy cái biển quen thuộc, giống y trong ảnh mọi người đăng trên mạng, khuất sau cái cổng như tam quan ở chùa, nằm ở góc ngã ba cách cổng trường cỡ 50 mét. Thấy tôi loay hoay tìm chỗ dựng xe trước cái sân chật hẹp, một người phụ nữ trung niên chân khập khiễng chạy ra kêu: "Để đó u xếp cho, vào trong cho mát, nhanh!". Kèm theo đó là nụ cười thân thiện hơn cả nắng.
Cái hàng tào phớ này đặc biệt ghê. Nơi mà nó tọa lạc được xây mô phỏng theo kiến trúc đình chùa cũ, từ cột kèo đến trần tường đều khắc chạm hoa văn kiểu xưa, sân phía trước có 2 cây đại lớn đang trổ hoa thơm ngát. Tôi thầm nghĩ, bán tào phớ thôi mà tậu được cái nhà như này, quả là oách.
Quán tào phớ u Chiến rất rộng rãi, sạch sẽ, mát mẻ.
Người phụ nữ chân tập tễnh lúc nãy tôi gặp ngoài cổng đang lúi húi luộc trân châu. Tôi thẽ thọt:
- Có phải u Chiến không ạ?
- Đúng rồi, u đây con. Nhìn con lớn thế kia chắc học ở đây từ lâu rồi à?
- Dạ không, con không phải học sinh trường này đâu ạ. Nghe đồn u Chiến có món tào phớ danh bất hư truyền nên tìm đến thưởng thức thôi ạ!
- Thế thì còn gì bằng, vậy u làm bát to ăn cho đã nhé, mất công lặn lội tới đây.
Vừa nói, bà chủ quán hồn hậu vừa vớt đống trân châu mới làm xong để ra ngoài cho nguội. Rồi bà bước chân thấp chân cao đến ngồi cạnh tôi, quệt tay vào quần cho khô, vén lọn tóc bạc lòa xòa trước trán lấm tấm mồ hôi, nhẹ nhàng mời tôi ăn bát phớ thơm nức mùi hoa nhài. Tôi đoán u Chiến chỉ mới ngoài 50, nhưng hóa ra u đã 66 tuổi. U vốn là cán bộ nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhưng xô đẩy thế nào lại xuống Hà Nội bán phớ rong, đến bây giờ đã ngót hai thập kỷ.
U Vũ Thị Chiến - người gắn bó với hàng chục thế hệ học sinh trường Yên Hòa.
"Cái tên quán tào phớ Yên Hòa là do học sinh ở đây đặt cho u đấy, chứ u có nghĩ ra tên gì đâu. Độ này mới nghỉ hè nên quán vắng hẳn, nhưng buổi chiều muộn vẫn đông khách tới ăn, từ dân cư quanh đây đến sinh viên, người đi làm, ở xa cũng tới ăn vì họ bảo quen vị ở đây rồi.
Hồi mới chân ướt chân ráo xuống thủ đô, vì duyên nên u học được cách làm tào phớ từ cái hàng ngon nhất ở chợ Nghĩa Tân, sau đấy quẩy gánh đi rong. Được một thời gian thì u "túc trực" ở đoạn cuối chợ Yên Hòa, đối diện với Ủy ban phường. Khách đông lắm, chả biết bao nhiêu người đã ăn tào phớ u làm, có gia đình đến mấy thế hệ đều thích món này, chiều chiều toàn các cháu nhỏ bưng bát tô ra mua về cho cả nhà thưởng thức.
Ngày xưa chỉ có phớ chan nước đường thôi, thế nên tụi học sinh mới sáng tác ra mấy câu thơ không biết từ năm nào: "Sông Tô Lịch vừa trong vừa mát - Phớ Yên Hoà trong bát trắng tinh". Bây giờ thì chúng nó sành ăn hơn rồi, làm u cũng phải chạy theo, nào là dừa khô, trân châu, thạch đen… đủ thứ cho vào bát phớ".
"Ngày xưa tụi nhỏ ăn đơn giản lắm...
... bây giờ chúng nó biết đòi đủ thứ rồi, phải nhiều thứ thế này mới chịu".
Tôi thắc mắc về địa điểm mà quán tọa lạc, trông vừa hoài cổ vừa lạ lạ, u Chiến thật thà tâm sự rằng chỗ này vốn là nhà thờ tổ của một dòng họ lớn, người ta tin tưởng u nên nhờ trông coi giúp cũng khá lâu rồi. Bán phớ rong được một thời gian thì u đưa cả gia đình xuống Hà Nội sống nhờ trong khu nhà thờ tổ này luôn. U có 2 người con 1 nếp 1 tẻ thì cô con gái đã gả chồng từ lâu, giờ u sống với vợ chồng anh con cả, truyền nghề tào phớ cho con dâu.
"Số u cũng vất vả lắm con ạ, xoay sở kiếm ăn khổ tứ bề. May mà có quý nhân phù trợ nên nghiệp buôn bán cũng không đến nỗi nào, dù không mua được nhà riêng nhưng ngày nào cũng đắt hàng, đủ nuôi sống cả nhà, chăm lo con cháu sau này. Nhìn thế thôi chứ hôm nào trời nóng nực u dậy từ sớm làm hàng không xuể luôn, bán hết 5 nồi tào phớ to đùng, mỗi nồi 20 lít đấy con ạ".
Một bát tào phớ chính hiệu Yên Hòa có những nguyên liệu khá quen thuộc: vài lát tào phớ mềm mịn trắng ngà, thêm một thìa trân châu cốt dừa, một nhúm thạch đen xắt miếng, rưới nước đường rồi rắc chút dừa khô lên trên. Bát truyền thống 6.000 đồng, thêm thạch và dừa, trân châu là 8.000 đồng. Mà lạ, chẳng hiểu u Chiến làm kiểu gì mà lúc bưng ra, tào phớ lúc nào cũng ấm nóng, phải dầm vài thìa đá bào thì mới nguội nguội man mát vừa ăn.
Tuổi cao sức yếu nên u Chiến cũng dần chuyển quyền "thừa kế" ngón nghề tào phớ cho con dâu.
Song, u vẫn giữ thói quen thức khuya dậy sớm tự tay chuẩn bị từng nồi tào phớ, nước đường...
... cho đến trân châu dai giòn sần sật.
Chỉ mất 1 - 2 phút là một bát tào phớ đầy đặn ngon lành thế này được chuẩn bị xong.
Món quà chiều gây thương nhớ cho bao lứa học trò.
Cảm giác ngọt ngào, giản dị khi miếng tào phớ trôi ngang qua lưỡi giống như cơn gió giữa trưa hè, mát lành dễ chịu. Tất cả nguyên liệu đều do u Chiến tự tay làm, sạch sẽ, chu đáo, nặn từng viên trân châu, xay, vắt rồi nấu từng nồi đậu tương. Chẳng có bí mật gì khác lạ, u Chiến bảo càng đơn giản càng đượm vị nguyên chất ngon lành. Làm cầu kỳ phức tạp thì nó sẽ biến thành một thứ thập cẩm khác, không còn là món quà vặt dân dã mà nhiều người say mê nữa.
Gắn bó với khoảng sân bé tí kia đã hơn chục năm, người phụ nữ sắp đến tuổi thất thập đã kịp thu gom hàng đống kỉ niệm đáng nhớ để chuẩn bị về hưu thực sự. Những lớp học sinh từng ngồi mòn ghế ở hàng tào phớ Yên Hòa nhiều không kể xiết, ăn phớ u Chiến từ đời bố sang đời con, từ thời 500 đồng/bát đến bây giờ là 8.000 đồng, vẫn "mãi một tình yêu" không đổi thay. Khoảng sân u ngồi bán khi xưa đã thay đổi khá nhiều, gốc cây duối già vốn nằm trơ trọi ngoài đường nay đã thành bóng mát cho con dâu u ngồi múc tào phớ, cây đa ở sân trước thì "chuyển hộ khẩu" ra vỉa hè, khiến nhiều khách lâu năm khi trở về phải nhìn mãi mới nhận ra chốn cũ.
"Có đôi bạn trẻ cùng đi du học Pháp, cậu về trước cô về sau, cô đấy hay ăn ở quán của u nên bắt anh người yêu tìm bằng được để ăn và chụp ảnh chung với u để đỡ nhớ. Đường phố nhà cửa thay đổi nhiều, anh bạn trai tìm mãi không thấy hàng tào phớ nào giống như cô người yêu tả, mất một buổi mới đến được đúng chỗ này.
Gốc cây duối già gắn bó với u Chiến bao năm qua, trở thành "chứng nhân lịch sử" cho hàng tào phớ.
Lần khác cách đây vài năm, có cậu học sinh trẻ tuổi đến ăn xong vui quá quên cả chiếc máy ảnh đắt tiền ở bàn, u cất hộ cho. Từ 2 giờ chiều đến tận 9 giờ tối mới thấy quay lại, nước mắt ngắn dài hỏi u có thấy đồ nó để quên không, máy ảnh nó mới mua tận 24 triệu. U bắt nó tả đúng cái máy đấy, đúng cái túi đựng thì mới trả lại. Mừng quá, chúng nó bưng u tung lên muốn gãy xương, như kiểu cầu thủ ăn mừng bàn thắng ấy".
Đúng là sống 20 năm với "lũ nhất quỷ nhì ma", u Chiến lúc nào cũng trẻ trung vui tính. Bảo đổi nghề khác cho đỡ phục vụ vất vả, u lắc đầu nguầy nguậy nhất quyết không chịu. Không ít người ghen tị với duyên bán hàng của u, học mót rồi bắt chước món tào phớ, thậm chí còn… mở quán bán ngay bên cạnh, nhưng rồi tấm lòng chung thủy của tụi học trò trường Yên Hòa đã giúp u trụ vững đến tận hôm nay. Cái giá phải trả cho sự "đắt hàng" ấy, cho những đêm hôm khuya sớm ngâm đậu, xay xay nấu nấu là một bên chân của u Chiến đau nhức thành tật, đi khập khiễng chân chấm chân phẩy. Song, bà chủ quán tào phớ có nụ cười "quốc dân" vẫn tươi roi rói, dù mệt mỏi đến mấy cũng chẳng bao giờ cáu gắt khó chịu với ai.
"Tấm lòng chung thủy của tụi nhỏ trường Yên Hòa đã giúp u trụ vững đến tận hôm nay".
"Lớp học trò xưa nay đã lên bố lên mẹ cả, con lớn đùng rồi lại dắt ra quán u ăn".
Chính nhờ sự thật thà và buôn bán có tâm nên u Chiến được yêu quý vô cùng. "Hồi u còn bán rong, nhà thờ tổ này mới xây dở, có lần u mệt quá nên chạy về nằm nghỉ, định bụng ngả lưng tí thôi nhưng lại thành ngủ quên cả chiều. Đến lúc tỉnh dậy thì trời đã nhá nhem, u hốt hoảng nghĩ thôi phen này ế hàng rồi, mà có khi đồ đạc cũng chẳng còn. Ngờ đâu, ra đến nơi thì u suýt khóc, vì khách họ đến không thấy mình đâu đã tự phục vụ tào phớ, xong rồi còn bán hộ đến lúc hết hàng, tiền được bao nhiêu đều xếp ngay ngắn trả lại cho u.
Đến khi chuyển về đây thì càng vui hơn, bán hàng như hội chợ, những lúc tan học lũ trẻ ùa ra đây đông nghịt, không đủ ghế để ngồi, mấy trăm đứa líu ríu gọi, u múc tào phớ cũng không kịp, nên chúng nó bảo nhau tự xúc tự ăn rồi tự thu tiền trả cho u. Chúng nó ngoan mà dễ thương lắm, u tin tưởng hoàn toàn luôn, chẳng sợ ăn gian hay quỵt tiền bao giờ".
U Chiến luôn tự hào vì được các khách hàng coi như người mẹ "quốc dân".
Vừa kể xong thì một nhóm nam sinh ồn ào chạy vào quán, cất tiếng chào hỏi u Chiến, niềm nở như gặp bà ngoại. "U già rồi nhưng trí nhớ vẫn tốt lắm, mấy đứa này mới vào cấp 3, chắc hôm nay đi đá bóng đá banh về, mướt mồ hôi mới kéo nhau ra đây". Nói đoạn u đứng dậy xoay mấy cái quạt to đùng về hướng bàn của nhóm nam sinh, ân cần như thể bà chăm đám cháu nhỏ nháo nhác chờ ăn. Với tụi nhóc, người phụ nữ chân tấp tểnh ấy không chỉ là bà chủ quán luôn sẵn sàng phục vụ món quà chiều mát lành sau những buổi học mệt nhoài, mà chúng gọi là "u" bởi tấm lòng thương quý chân thành, tốt bụng mà bà dành cho mọi người, thân thiết chan hòa như mẹ vậy.