Ghép thận từ người cho chết não cứu bé trai 15 tuổi - Ảnh 1.

Các bác sĩ tiến hành ca ghép thận. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi phát bệnh từ năm 2020 với chẩn đoán bệnh viêm cầu thận mạn, khả năng xơ hóa cầu thận khu trú từng phần, chưa loại trừ hoàn toàn bệnh thận IgA. Thời điểm được ghép thận, bệnh nhi đang được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Cha của bệnh nhi có dự định cho thận, nhưng vì tuổi cao, hiện là lao động duy nhất trong gia đình, với thu nhập khiêm tốn đến từ việc lao động phổ thông. Ca ghép này mang tính chất nhân văn lớn vì bệnh nhi được nhận từ người hiến chết não, góp phần tái sinh cuộc sống mới cho bệnh nhi.

Ghép thận từ người cho chết não cứu bé trai 15 tuổi - Ảnh 2.

Quy trình lấy, ghép thận được đảm bảo. Ảnh: BVCC

Quá trình hiến, lấy, ghép và điều trị sau ghép rất phức tạp, có mối quan hệ chặt chẽ giữa các lĩnh vực khoa học, y học, đạo đức trong y học và các vấn đề xã hội học. Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã tích cực vận động quỹ, hỗ trợ chi phí cho ca mổ.

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng cho biết: Về mặt chuyên môn, khác với các trường hợp ghép từ người cho sống, trường hợp này ghép từ người hiến chết não. Người hiến lần này không cùng huyết thống với người được ghép, cần phải sàng lọc tìm người thay phù hợp.

"Với các ca ghép từ người sống, kíp mổ có bức tranh rõ ràng hơn qua thăm khám để nhận diện các hình ảnh mạch máu, phục vụ kiểm soát khi lấy và ghép. Với người hiến trong trường hợp này, kíp mổ không thể biết trước để phác họa rõ ràng. Vậy nên, ngoài quy trình chặt chẽ, việc vận hành các khoa/phòng đồng loạt triển khai, yêu cầu kíp mổ phải thao tác chuẩn xác, kịp thời, nhanh chóng" - BSCKII. Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc bệnh viện cho biết.

Ghép thận từ người cho chết não cứu bé trai 15 tuổi - Ảnh 3.

Bé trai hồi phục tốt sau ghép thận. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Nhi đồng 2 thường thực hiện các ca ghép thận ở người cho sống. Nguồn tạng có sự giới hạn, không nhiều bởi người cho là người thân trong gia đình, họ hàng và phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế. Đó là trở ngại đối với nhiều gia đình không có điều kiện hoặc người hiến có bệnh lý, trong khi nhu cầu ghép thận ở trẻ em hiện nay nhiều và có chiều hướng tăng.

Nguồn tạng nói chung và thận nói riêng từ người cho chết não là vô cùng quý báu, đồng thời là xu hướng chung trên thế giới. Điều này nên được duy trì và phổ biến trong văn hóa hiến tạng ở Việt Nam.