Đấy là thông tin được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trưng ương cho biết chỉ trong  mấy ngày qua (từ 3-5/7) đã tiếp nhận 5 trường hợp nhiễm liên cầu lợn, trong đó 2 trường hợp suy đa phủ tạng quá nặng được gia đình xin về nhà với tiên lượng tử vong.

Trường hợp bệnh nhân Bùi Xuân H (55 tuổi, Hòa Bình) được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 4/7 trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, sốc nhiễm trùng do ăn tiết canh làm từ thịt lợn nhà. Đáng nói chỉ sau 1 ngày sốt bệnh nhân đã rơi vào hôn mê, tụt huyết áp, xuất hiện nhiều ban hoại tử ở vùng mặt, vùng tai, tay, chân... và sau 1 ngày điều trị gia đình đã xin cho bệnh nhân về vì diễn biến quá nặng.

Còn bệnh nhân Trịnh Văn T (40 tuổi, Ninh Bình) có tiền sử nghiện rượu và sau khi ăn lòng lợn tiết canh.  Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao liên tục, đau bụng, buồn nôn, xuất hiện ban hoại tử, suy đa phủ tạng... được gia đình đưa vào viện cấp cứu. Sau 1 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có dấu hiệu xấu đi với tiên lượng tử vong cao, bệnh nhân được gia đình xin về nhà. 

bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn tăng
Thời tiết nắng nóng trong những ngày qua là tác nhân khiến bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn gia tăng. Ảnh minh họa

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết các bệnh nhân đến chủ yếu từ các tỉnh như Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình… Sau khi có 2 trường hợp bệnh nhân được gia đình xin về nhà với tiên lượng tử vong, 3 trường hợp còn lại, còn một trường hợp diễn biến nặng vẫn đang hôn mê, hai trường hợp khác đã được điều trị thoát sốc tuy nhiên tiên lượng thời gian điều trị còn kéo dài và vô cùng tốn kém. Đặc biệt tình trạng hoại tử các đầu chi còn rất trầm trọng.

Thời tiết nắng nóng trong những ngày qua là tác nhân khiến bệnh liên cầu lợn gia tăng. Bởi nếu để tiết canh quá lâu trong môi trường nắng nóng, nếu tiết canh nhiễm vi khuẩn thì đây là môi trường lý tưởng để nuôi cấy vi khuẩn. Khi bị căn bệnh này, hầu hết bệnh nhân khởi đầu bằng sốt cao, rồi nhanh chóng bị hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da rồi bệnh tiếp tục diễn biến nhanh chóng, suy đa phủ tạng, có thể dẫn đến tử vong, BS Cấp cho biết thêm.

Để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện:

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).

Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.  

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.