Từ trước đến nay, có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm và đáng tiếc đã xảy ra khi những người xuống thau bể nước ngầm hay thau giếng thiệt mạng. Đặc biệt là vụ việc vào tối ngày 22/10 tại ngõ 172 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, khi hai bố con thau rửa bể, người con trai bất tỉnh dưới bể, dù được bố cùng hàng xóm xuống giải cứu nhưng không kịp.
Vì sao ở giếng sâu, bể nước ngầm thường khiến nhiều người dễ bị ngạt khí
Ở các khu vực như giếng sâu, bể nước ngầm, thùng chứa cỡ lớn... đều là những nơi có chứa nhiều khí độc. Khí độc thường nặng hơn oxy nên chìm xuống phía dưới.
Oxy tại các khu vực này có nồng độ rất thấp, khoảng 10 - 12% trong khi nồng độ CO2 lại rất cao.
Hơn nữa, ở các hệ thống cống sâu, giếng khơi hay bể nước do được lắng đọng cặn cũng như nhiều chất nguy hiểm nên nguy cơ bị ngạt khí hoặc trúng các khí độc khiến người khi xuống dễ gặp tình trạng bất tỉnh, hôn mê...
Những lưu ý cần nhớ trước khi thau bể
Việc thau rửa bể nước, thau giếng định kỳ sau một thời gian sử dụng luôn là điều nên làm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Điều quan trọng là bạn hiểu rõ những nguy cơ có thể thiệt mạng nếu bất cẩn trong quá trình thau rửa. Vì thế, cần lưu ý trước khi thau bể nên:
- Mở toang nắp bể, nắp hầm chứa, nắp thùng chứa hay dụng cụ đậy giếng.
- Đảm bảo đã ngắt hết mọi nguồn điện dưới bể.
- Nên hỗ trợ máy thổi dưỡng khí (oxy) xuống giếng, bể để pha loãng khí độc và đẩy khí độc lên. Khi đảm bảo không khí trở lại bình thường bạn mới nên xuống phía dưới.
- Trước khi xuống hầm kín, bể nước ngầm hay giếng, nên thả xuống bó đuốc, nến để kiểm tra. Nếu lửa tắt chứng tỏ phía dưới rất thiếu oxy và nhiều khí độc.
- Nếu xuống phía dưới bể nước hoặc giếng cần có ít nhất 2 người phía trên thường xuyên liên lạc để ứng cứu kịp thời.
- Trước khi xuống cũng cần chuẩn bị những phương tiện, dụng cụ bảo hộ đề phòng những trường hợp bất trắc có thể xảy ra.
Cách thau bể nước, thau giếng an toàn
Sau một thời gian dài sử dụng, các bể nước có thể gặp phải nhiều tình trạng khác nhau như đóng cặn, xuất hiện rong rêu, là địa điểm trú ngụ của các côn trùng, động vật nhỏ như gián, chuột... Việc thau rửa bể rất quan trọng để tránh được các bệnh nguy hại đến sức khỏe con người.
Sau khi lưu ý những điều cần biết phía trên, bạn và người thân hoàn toàn có thể thau rửa bể nước, thau giếng định kỳ theo các bước gợi ý dưới đây.
Chuẩn bị mặt nạ dưỡng khí, dây bảo hiểm để buộc vào người định xuống. Người xuống phía dưới có thể ra hiệu bằng cách giật dây để người phía trên có thể kéo lên kịp thời nếu thấy mùi lạ, thấy khó thở hay gặp bất kỳ sự cố nguy hiểm nào.
Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ vệ sinh bể cũng như đồ bảo hộ thân thể ở mức an toàn nhất như găng tay, khẩu trang, kính, bàn chải, xô nước, chổi cọ rửa, chất tẩy rửa, xi măng và cát, bột chống thấm, con lăn, bay trát xi...
Rút nước lưu trữ bên trong bể bằng cách xả vòi hoặc dùng chậu, xô, máy hút để hút ra. Giữ lại một lượng vừa phải phục vụ cho nhu cầu dọn rửa.
Dùng giẻ lau hoặc nilon để bịt tất cả các đầu miệng ống, hoặc khóa van nước để bụi bẩn không thoát ra ngoài. Nếu không bịt lại, những cặn bẩn sẽ tích tụ phía trong ống, xả nước lại sẽ khiến hệ thống ống bị tắc nghẽn.
Dùng các dụng cụ cọ rửa để làm sạch các mảng bụi bẩn, rong rêu, cặn nước, bùn đất bám trụ lâu ngày... Sau đó dùng xô đã chuẩn bị loại bỏ chúng ra bên ngoài bể.
Với những bể có nghi ngờ nhiễm khuẩn, bạn nên tiến hành cho chất tẩy rửa chuẩn bị từ trước vào bể để đánh tan những mảng cứng trên thành bể.
Rửa toàn bộ bể bằng nước sạch nhiều lần để đảm bảo không bỏ sót lại chất tẩy rửa hay chất bẩn nào.
Trong quá trình vệ sinh bể, nếu phát hiện bể có dấu hiệu nứt, bong tróc, bạn có thể dùng hỗn hợp xi măng và cát để trát kín lại. Khi thấy hỗn hợp khô, cần làm chống thấm cho thành bể để tránh nước bị rò rỉ ra ngoài.
Cuối cùng là để bể khô hoàn toàn mới đổ nước để sử dụng trở lại.