Ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc kinh doanh siêu thị Citimart cho biết hiện có nhiều nhà cung cấp ở các ngành hàng đề xuất tăng 5-10% vì xăng dầu vừa lên giá. Ngoài ra, do sau Tết, sức mua suy giảm rõ rệt nên doanh nghiệp không dám mạo hiểm tăng giá trong tháng 3 mà đợi sang đầu quý II.

Thông thường, muốn điều chỉnh giá, nhà cung cấp phải báo trước 10-15 ngày. Như vậy, từ cuối tháng 3 sẽ có một loạt mặt hàng nhích giá. "Dự báo sắp tới làn sóng tăng giá sẽ tiếp tục vào tháng 4, khi nhà cung cấp đồng loạt nâng giá bán. Đây là diễn biến thường thấy ở các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trước đây", ông Hải nói.

Hàng hóa bày bán siêu thị chuẩn bị vào đợt tăng giá. Ảnh: B.H.

Tại Co.op mart, hiện có khoảng 20 nhà cung cấp xin điều chỉnh giá cũng với nguyên nhân chi phí đầu vào tăng cao, sau khi xăng lên thêm 2.100 đồng một lít kể từ ngày 7/3.

"Việc tăng giá bán là điều không thể tránh, song siêu thị sẽ trì hoãn thời gian áp giá mới thành 30-45 ngày, thay vì 15 ngày như đề xuất của nhà cung cấp. Hai bên cũng thương lượng để đưa mức giá hợp lý, chứ không phải đề xuất tăng nào của nhà cung cấp cũng được chấp thuận", vị đại diện cho biết. Hiện những mặt hàng xin tăng giá đa phần thuộc loại không thiết yếu. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả... chưa nhận nhiều đề xuất tăng.

Giám đốc đối ngoại Big C Dương Thị Quỳnh Trang cũng cho biết, bất kỳ đề nghị thay đổi giá nào, siêu thị cũng tính toán, xem xét, đàm phán lại với nhà cung cấp. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá sẽ không diễn ra đồng loạt ở tất cả các ngành hàng để tránh gây sốc cho người tiêu dùng.

Để giảm bớt áp lực tăng giá, các siêu thị đang nghiên cứu triển khai chương trình khuyến mãi áp dụng cho dịp lễ 30/4, 1/5 nhằm kích cầu tiêu dùng.

Tại các chợ đầu mối, xăng dầu điều chỉnh cũng ảnh hưởng lên giá hàng hóa. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, lượng hàng về chợ vẫn ổn định khoảng 3.000 tấn một đêm nhưng sức mua giảm. Nếu trước đây, 4-5h sáng đã tan chợ thì hiện tại, tiểu thương bán đến 11h vẫn chưa hết hàng. Chính vì vậy, dù giá nông sản giảm so với trước Tết nhưng cộng thêm chi phí vận chuyển do đợt tăng giá xăng dầu vừa qua nên giá bán sỉ, lẻ ở chợ đầu mối hiện vẫn giữ mức như cả tháng nay nên khó có thể cải thiện sức mua.

Trong khi đó, tại chợ đầu mối Bình Điền, giá nông sản 2 tuần nay có xu hướng giảm. Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc kinh doanh, thời tiết thuận lợi khiến lượng hàng về chợ dồi dào. Cung tăng nhưng cầu giảm nên nếu tăng giá bán thời điểm này sẽ khó tiêu thụ hơn nên tiểu thương vẫn cố cầm cự chưa điều chỉnh giá, song, đây chỉ là giải pháp tình thế.