Giá cà phê thế giới

Đầu giờ sáng 26/12 (giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2025 không ghi nhận biến động so với hôm qua, giao dịch ở mức 5.041 USD/tấn. Giá cà phê giao tháng 3/2025 ở mức 4.953 USD/tấn, bằng với mức giao dịch 1 ngày trước.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2025 cũng giữ nguyên so với hôm qua, ở mức 328 cent/lb, giao tháng 5/2025 cũng không ghi nhận sự thay đổi với phiên giao dịch trước, ở mức 323 cent/lb.

Giá cà phê hôm nay 26/12: Thị trường ổn định - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay ổn định. (Ảnh minh họa)

Giá cà phê trong nước

Giá cà phê trong nước hôm nay ghi nhận sự ổn định ở tất cả các địa phương, giao dịch trong mức 120.200 - 121.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk giao dịch ở mức 120.700 đồng/kg, không thay đổi so với phiên giao dịch hôm qua.

Tại Lâm Đồng, giá cà phê hôm nay được thu mua ở mức 120.200 đồng/kg, giữ nguyên so với 1 ngày trước.

Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai ghi nhận giảm 100 đồng/kg, giao dịch ở mức 120.600 đồng/kg.

Tại Đắk Nông, giá cà phê giao dịch ở mức 121.000 đồng/kg, bằng mức giao dịch ngày hôm qua.

Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), xuất khẩu cà phê nhân sống nửa đầu tháng 12/2024 chỉ đạt 48.371 tấn cà phê, thu về hơn 263,63 triệu USD, giảm 51,5% về lượng và giảm 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn giá xuất khẩu cà phê nhân giai đoạn này bình quân ở 4.908 USD/tấn (khoảng 123.600 đồng/kg).

Các nhà giao dịch cho biết, việc giá tăng lên mức kỷ lục đã khiến các nhà sản xuất tại Brazil tăng cường bán ra. Thị trường vẫn được hỗ trợ bởi dự báo năng suất kém về vụ mùa cà phê năm tới tại Brazil sau đợt hạn hán trong năm nay, có thể khiến nguồn cung trong 2025 bị thắt chặt.

Ghi nhận từ các sàn giao dịch quốc tế, giá cà phê đã có xu hướng điều chỉnh sau khi đạt đỉnh vào giữa năm 2024. Nguyên nhân chính đến từ nguồn cung dồi dào hơn nhờ sản lượng tăng tại các quốc gia sản xuất lớn như Brazil và Colombia. Tuy nhiên, áp lực từ lạm phát và lãi suất cao ở nhiều nước nhập khẩu vẫn duy trì sức ép lớn lên giá cả.

Tại Việt Nam, giá cà phê trong nước cũng dao động mạnh theo diễn biến thế giới, làm cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với những khó khăn lớn, trong đó có chi phí đầu vào tăng cao, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lao động đều tăng, gây áp lực lớn lên giá thành sản xuất.

Về xuất khẩu, việc đồng USD mạnh lên đã làm giảm sức mua từ các thị trường chính như châu Âu và Mỹ. Đồng thời, các yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc từ EU cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư lớn hơn vào hệ thống kiểm soát và chứng nhận.

Dù đối mặt với không ít thách thức, thị trường cà phê vẫn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam: Xu hướng cà phê đặc sản, nhu cầu về cà phê chất lượng cao với hương vị độc đáo tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt ở các thị trường cao cấp. Việt Nam với các giống cà phê chất lượng như Arabica từ Cầu Đất, Lâm Đồng đang có lợi thế lớn để đón đầu xu hướng này.

Thay vì chỉ tập trung xuất khẩu cà phê nhân, nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang phát triển các sản phẩm chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê viên nén. Điều này không chỉ tăng giá trị xuất khẩu mà còn giảm phụ thuộc vào biến động giá cà phê thô.