Giá cả tại Nhật tăng chóng mặt, người dân tìm tới 3-4 cửa hàng chỉ để mua mì ly rẻ, nỗi lo mùa đông ngày càng tới gần
Chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật đang tăng chóng mặt và những người cảm nhận rõ nhất là các hộ gia đình bình dân.
Theo trang Yomiuri, chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật đã tăng tới 3% chỉ trong tháng 9 vừa qua, mức tăng cao nhất trong 31 năm, tiếp tục làm tồi tệ thêm tình trạng lạm phát.
Chính phủ đang cân nhắc các biện pháp để tạm thời giảm hóa đơn tiền điện, nhưng các biện pháp khuyến khích các công ty tăng lương cũng cần thiết vì các hộ gia đình đang chịu gánh nặng ngày càng lớn trong bối cảnh giá cả tăng cao cùng với tốc độ tăng thu nhập chậm chạp.
Tìm tới 3-4 cửa hàng để "săn" đồ giá rẻ
"Giá mì ly và cà ri nấu sẵn đều đã tăng. Để tìm được giá rẻ nhất, tôi đã kiểm tra tới 3 cửa hàng trong khu phố của mình, bao gồm cả siêu thị và cửa hàng giảm giá", một nhân viên bán thời gian 46 tuổi ở Chofu, phía Tây Tokyo cho biết.
Một trong những yếu tố đẩy giá tiêu dùng tháng 9 tăng là giá thực phẩm. Mì ly, trước đây có giá khoảng 80 yên một suất (13.000 đồng), giờ có giá hơn 100 yên (gần 17.000 đồng). Giá bánh mì đã tăng 14,6% so với 1 năm trước đó và gà chiên giòn tăng 11,3%.
Các nhà sản xuất thực phẩm đang tăng giá các sản phẩm trong bối cảnh giá các nguyên liệu như lúa mì tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng và đồng yên suy yếu.
Giá niêm yết của các sản phẩm trong cửa hàng thiết bị gia dụng cũng tăng lên đáng kể khi các công ty điện tử lớn tăng giá máy điều hòa không khí và máy giặt kiểu lồng giặt, cùng các sản phẩm khác.
Chi phí nguyên vật liệu tăng và đồng yên yếu có thể đồng nghĩa với việc giá sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin, cho biết: "Giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu hàng ngày khác đang tăng vọt. Giá tiêu dùng có thể chạm mức 3% trong tháng 10 này".
Chính phủ đã quyết định mở rộng khoản trợ cấp 50.000 yên (8,3 triệu đồng) một lần cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trợ giá để giữ giá xăng dầu giảm, cùng với các biện pháp khác, sẽ đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ.
Chỉ riêng tiền trợ cấp xăng đã tiêu tốn khoảng 300 tỷ yên mỗi tháng. Các biện pháp này nên được duy trì trong bao lâu vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Trong khi giá cả "phi mã", tiền lương lại không được như vậy.
"Thắt lưng buộc bụng" và nỗi lo mùa đông cận kề
Vào thứ năm tuần trước, 20/10, Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) đã tiết lộ kế hoạch kêu gọi tăng lương khoảng 5% trong các cuộc đàm phán về lao động vào mùa xuân năm tới.
Tuy nhiên, Akio Mimura, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, chỉ ra rằng việc tăng lương sẽ không dễ dàng đối với các công ty vừa và nhỏ đang đối mặt với môi trường kinh doanh khó khăn.
Thông thường, khi giá cả hàng hóa tăng, các công ty cũng sẽ hưởng mức doanh thu gia tăng, điều này dẫn đến tiền lương cho công nhân của họ cao hơn.
Tuy nhiên, nhiều công ty ở Nhật Bản tỏ ra thận trọng trong việc tăng lương vì quãng thời gian giảm phát kéo dài trước đây. Do đó, , theo Yomiuri, chính phủ cũng sẽ cần đưa ra các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp trong trung và dài hạn, dẫn đến tăng lương một cách chủ động.
Theo hãng tin NHK, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao ở Nhật Bản cũng đang ảnh hưởng nặng nề đến các gia đình nuôi dạy trẻ. Nhiều người nói rằng họ đang lay lắt với mức ngân sách tối thiểu và họ không biết làm thế nào để cắt giảm chi tiêu hơn nữa.
Chia sẻ trên NHK, một người phụ nữ giấu tên ngoài 30 tuổi sống cùng chồng và cô con gái 2 tuổi cho biết lương của chồng cô vẫn không tăng mặc dù giá cả tăng cao và gia đình phải dựa vào mức lương chỉ khoảng 200 nghìn yên (hơn 33 triệu đồng).
Cô đã buộc phải cắt giảm chi phí bất cứ khi nào có thể và đã cố gắng giữ hóa đơn thực phẩm hàng tháng của họ ở mức khoảng 10.000 yên, tương đương khoảng gần 1,7 triệu đồng. Nhưng, đến tháng 7, số tiền phải chi cho thực phẩm đã tăng gấp đôi.
Để tiết kiệm tối đa, người phụ nữ có khi phải tìm tới 4 cửa hàng khác nhau để "săn" hàng giảm giá.
Người mẹ nói: "Thật sự rất khó. Khi giá cả ngày càng cao, tôi càng phải nỗ lực để tiết kiệm nhiều hơn".
Cô cho biết ngày càng khó chuẩn bị các bữa ăn cân bằng cho gia đình với ngân sách eo hẹp.
Thêm vào khó khăn của gia đình nhỏ và người nội trợ là hóa đơn năng lượng tăng vọt.
Cô cho biết, "Chi phí năng lượng đã tăng từ 20 đến 30%, mặc dù chúng tôi đã sử dụng cùng một lượng. Tôi rất lo lắng về mùa đông này".
Nguồn: Yomiuri, NHK