LTS: Hệ miễn dịch có thể được xem như hệ thống quốc phòng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây nguy hiểm xâm nhập từ bên ngoài. Người có sức đề kháng và chống bệnh tốt hơn sẽ khó mắc bệnh hơn, nếu không may mắc bệnh cũng sẽ biến chuyển nhẹ hơn và khả năng khỏi bệnh cao hơn, nhất là với các bệnh lý chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như là bênh gây ra do virus trong đó có virus corona Covid-19 (nCoV).
Vậy thì chúng ta có thể làm những gì để "gia cố" cho hệ miễn dịch, tuyến phòng vệ sát sườn nhất của cơ thể nhằm bảo vệ tốt nhất cho chính mình trong tình trạng dịch virus corona đang lan nhanh và chưa thể kiểm soát hết được như hiện nay?
Xin giới thiệu loạt bài viết hướng dẫn rất giá trị của TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh). Xin giới thiệu loạt bài viết hướng dẫn rất giá trị của TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh).
Bài 5: 15 phút tập thở mỗi ngày - toàn bộ cơ thể sẽ cảm ơn chúng ta
"… Ai ai cũng phải thở ra, hít vào!
Trăm năm trong cõi người nào,
Ai ai cũng phải hít vào, thở ra!"
Bác sĩ Yến Phi xin mượn những câu thơ vui này để bắt đầu cho bài viết cuối cùng về những điều cần làm để tăng cường hoạt động miễn dịch trong mùa dịch cúm Corona đang hoành hành: TẬP THỞ ĐÚNG ĐỂ TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH.
Đừng để tế bào chúng ta ngập trong cái bếp đầy khói muội
Tế bào của con người thuộc loại tế bào hiếu khí bắt buộc, tức là chỉ có thể tồn tại khi được cung cấp đủ oxy, hay nói một cách khác, con người chỉ sống được trong môi trường có oxy. Bình thường, chúng ta chẳng để ý mấy đến chuyện này vì không khí quanh chúng ta có sẵn oxy, và nhịp thở của chúng ta là phản xạ tự động không cần sự can thiệp của ý thức. Vì không chú ý nên chắc nhiều bạn sẽ thắc mắc, tại sao thở đúng lại có thể giúp tăng cường miễn dịch?
Các tế bào trong cơ thể lấy năng lượng bằng cách oxy hoá chất đường, chất đạm, chất béo, tức là đốt cháy các chất hữu cơ này để tạo năng lượng hoạt động. Bạn có thể tưởng tượng mỗi tế bào là một cái bếp lò, các chất đường đạm béo là chất đốt (củi, than…), khi đốt cháy sẽ tạo ra nhiệt lượng để cơm chín, canh sôi… Nếu đủ không khí, lửa sẽ cháy mạnh, cơm canh mau chín hơn, và nhất là không tạo ra nhiều khói, muội. Nếu không đủ không khí thì củi cháy lèo tèo, khói tuôn mù mịt, nồi niêu bếp núc gì cũng bám đầy lọ nghẹ…
Nếu cơ thể thiếu oxy, tương đương với chuyện hàng vạn tế bào hoạt động yếu đi vì không được cung cấp đủ năng lượng, đồng thời xả ra môi trường cơ thể bao nhiêu là chất thải. Tế bào miễn dịch cũng là tế bào, cũng sẽ bị ngập trong môi trường chất thải, cũng hoạt động kém hơn, lại còn phải lo dọn dẹp môi trường, chắc chắn sẽ khó đủ sức chống chọi với mấy con virus hay vi trùng lúc nào cũng lăm le xâm nhập cơ thể. Trong mùa dịch bệnh, đây sẽ là một tình thế rất bất lợi cho cơ thể.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến việc thở của chúng ta hiện nay. Môi trường đô thị hoá có thể làm cho chất lượng không khí thở kém đi vì thiếu cây xanh và không gian sống; những người thừa cân béo phì có thể thở kém hơn khi vòng bụng to, gây chèn ép lên sự co giãn của phổi khi thở; những người suy dinh dưỡng nặng hoặc có bệnh lý mạn tính có thể thở kém do suy kiệt các cơ hô hấp; người không tập thể dục thể thao hoặc hoạt động tĩnh tại thường xuyên có thể thở kém do dung tích phổi nhỏ; những người làm việc trong những phòng làm việc kín, gắn máy lạnh trong những toà nhà cao tầng san sát có thể thở nguồn không khí có tỉ lệ oxy thấp hơn…
Tập thở sao cho đúng?
1. Bạn chỉ cần tập thở trong khoảng 15 phút mỗi ngày, nhưng nên tập hàng ngày.
2. Tập thở tức là tập thở gắng sức, tức là các khối cơ bụng, cơ hoành, cơ liên sườn đều tham gia nhịp thở. Bạn sẽ bị đau các cơ này trong thời gian đầu, điều này chứng tỏ bạn tập thở đúng. Về lâu về dài, các cơ khoẻ và dày hơn, ngay cả nhịp thở bình thường khi không tập thở của bạn cũng sẽ sâu hơn giúp phổi thu thập được nhiều oxy hơn.
3. Chọn nơi có không khí trong lành để tập thở. Đó là một nơi thông với khí trời bên ngoài, có cây xanh tiếp xúc với nắng trời. Bạn có thể chuẩn bị một góc tập thở tại nhà qua một ô cửa sổ, sử dụng các loại cây treo để tạo khoảng xanh hoặc có thể tập thở ở các công viên có hồ nước và cây xanh.
4. Chu trình thở gồm 4 kỳ: hít vào – nín thở - thở ra – nín thở. Thực hiện thứ tự 4 chu kỳ này với tốc độ càng chậm càng tốt. Khi hít vào, bụng phình lên từ từ đến to tối đa; khi thở ra, bụng hóp lại từ từ đến nhỏ tối thiểu. Tập trung chú ý vào nhịp thở để điều khiển tốc độ thở thật chậm, nín thở dài nhất có thể.
Tập thở hoàn toàn khác với việc thở bằng bình oxy bạn nhé. Không khí quanh chúng ta chỉ có 1/5 là oxy, và đó là lượng oxy phù hợp nhất với hệ hô hấp bình thường của con người. Nếu sử dụng oxy đậm đặc, các túi khí nhỏ trong phổi của bạn có thể bị tổn thương. Chưa kể, tập thở giúp các cơ hô hấp khoẻ hơn, tốt cho bạn ở tất cả mọi nhịp thở trong ngày, trong khi thở oxy thì không thể đạt được hiệu quả đó.
Chúc các bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!