Lương của chồng để chi tiêu sinh hoạt, còn thu nhập của vợ dành cho tiết kiệm
Linh Vũ (29 tuổi), hiện đang sống ở Hà Nội. Gia đình cô gồm 3 thành viên, vợ chồng và 1 em bé 8 tháng tuổi, thu nhập hàng tháng ước tính khoảng 25 triệu đồng. Chi tiêu trung bình hàng tháng của gia đình Linh Vũ rơi vào khoảng 16-17 triệu đồng. Linh Vũ chia sẻ rằng gia đình cô vẫn chưa tiết kiệm được nhiều vì không quá rạch ròi trong chi tiêu. Hiện nay, ngân sách gia đình cô vẫn là ước chừng, đôi lúc tiêu vào khoản tiết kiệm. Bởi vì con còn nhỏ sẽ phát sinh rất nhiều chi phí đột xuất như ốm đau hay tiêm vaccine. "Mỗi tháng gia đình mình chỉ dư tầm 5-6 triệu, có tháng không tiết kiệm được đồng nào".
Linh Vũ cùng chồng
Tiền ăn hàng ngày của gia đình khoảng 170 nghìn đồng, mỗi tháng tầm 5 triệu. "Mình thích ăn sáng ở ngoài vừa tiện vừa tiết kiệm thời gian, khoảng 30 nghìn cho 2 người. Bữa trưa và tối mình sẽ nấu 1 lần ăn cả ngày, vì có con nhỏ cũng hạn chế ít ăn ngoài được".
Theo Linh Vũ, mỗi tuần cô sẽ đi siêu thị 2-3 lần để mua thực phẩm. Tự nấu nướng và hạn chế ăn hàng là cách giúp cô tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ so với đi ăn ngoài, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe cho cả gia đình.
Về đồ dùng của em bé, cô thường được những người thân xung quanh cũng có con nhỏ cho, hay mua trên các hội nhóm đồ cũ. "Ngoài ra, mình cố gắng tạo thêm nhiều nguồn thu nhập chẳng hạn nghề tay trái trang điểm. Gia đình mình cũng lập kênh TikTok riêng, mỗi tháng có chút tiền hoa hồng, không nhiều nhưng cũng đủ ăn sáng".
Bảng chi tiêu gia đình Linh Vũ
Trong quản lý tài chính gia đình, Linh Vũ và chồng có 1 tài khoản góp vào để chi tiêu chung và 1 tài khoản để tiết kiệm. Đồng thời, vợ chồng Linh Vũ có dành 1 ít tiền trong khoản tích lũy để đầu tư, như vậy sẽ không lo tiền bị mất giá.
Tài khoản chung sẽ dành chi tiêu cho con cái, sinh hoạt gia đình. Nhà Linh Vũ thoả thuận rằng tiền lương của chồng sẽ cho vào tài khoản chung này, còn thu nhập của vợ sẽ để tiết kiệm. Khi mua những đồ cá nhân nếu trên 1 triệu đồng cần sự thống nhất của 2 vợ chồng mới chi tiêu.
"Còn tiền tiết kiệm được cho vào ngay từ lúc nhận lương nên không phải lo rằng sẽ tiêu lạm chi vào khoản đó, trừ những trường hợp khẩn cấp. Theo trải nghiệm của vợ chồng mình, khoản chung đó đủ để chi tiêu trong 1 tháng nên không cần phải theo dõi dòng tiền ra vào".
Bữa ăn gia đình
Mua sắm dần dần để kiểm soát chi tiêu
Trong chuyện chi tiêu, Linh Vũ thường chọn hàng Việt Nam chất lượng để mua và có thể dùng lâu dài. Đặc biệt quần áo, cô sẽ chọn lựa màu và kiểu dáng dễ mặc, ứng dụng trong nhiều hoàn cảnh. Như đồ trơn, màu be, đen, kiểu dáng đơn giản.
Tiêu chí để mua đồ gia dụng phải có thương hiệu để đảm bảo về chất lượng cũng như bảo hành. "Đợt năm ngoái, gia đình mình phải sắm đồ cho nhà mới. Bọn mình không sắm mọi thứ cùng một lúc và thường sẽ bổ sung dần dần, trước khi mua cần cân nhắc tính cần thiết trước. Có nhiều bạn có sở thích trang trí nhà cửa nhưng với mình mua đồ trang trí khá là tốn kém, và không ứng dụng. Cũng do nhà mình chật và mình theo trường phái tối giản".
Bên cạnh đó, Linh Vũ ít khi, thậm chí không bao giờ chờ đến hôm săn sale mới bắt đầu lựa chọn sản phẩm. Bí quyết của cô là lúc nào có thời gian hoặc thiếu đồ thì sẽ chọn sẵn sản phẩm cần mua. Và đợi đến ngày hội giảm giá, chọn lọc lại để mua.
Cô cũng hạn chế mua đồ tuỳ hứng, thật sự cần thiết mới sắm. Chẳng hạn như áo váy mình sẽ để trong giỏ hàng 5 ngày đến 1 tuần, khi thật sự thích, mới bỏ tiền ra mua. Đi mua sắm ở cửa hàng cũng vậy, Linh Vũ sẽ chỉ đi mua lúc thiếu đồ, chứ không phải hứng lên dạo đi ngắm đồ.
Mặt khác, Linh Vũ cho rằng những bạn mới ra trường thu nhập trung bình khoảng 5-7 triệu, nên bắt đầu tiết kiệm, trích khoảng 10% để gửi vào tài khoản tích luỹ. "Mình thấy giờ gửi lãi suất ngân hàng cũng khá cao, hoặc có thể mua bảo hiểm để đề phòng những trường hợp rủi ro tài chính. Chỉ cần duy trì đều vậy thì mình đảm bảo 30 tuổi các bạn sẽ có một khoản kha khá".
Ảnh: NVCC