Chị Nguyễn Hảo (28 tuổi) cùng chồng là anh Duy Khánh (34 tuổi) và con trai Xoài (4 tuổi) vừa cùng nhau chinh phục Việt Nam. Chuyến đi đặc biệt nhân kỷ niệm 5 năm về chung một nhà, giúp chữa lành những khó khăn, vướng mắc, gắn kết tình cảm của bố mẹ và con.
"Và chúng tôi, gia đình nhỏ gồm vợ chồng trẻ và 1 em bé 4 tuổi, cuối cùng đã chinh phục được giấc mơ ấy trước tuổi 30, cùng nắm tay nhau rong ruổi khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S xinh đẹp. Một chuyến đi "chữa lành" giúp những "khủng hoảng 5 năm đầu tiên" không còn quá đáng sợ, chuyến đi giúp những "sứt mẻ" bỗng trở nên lành lặn và đáng trân trọng hơn.
Mình mong những bức ảnh và những chia sẻ này sẽ trở thành nguồn cảm hứng tích cực cho những gia đình đam mê du lịch như nhà mình, thêm nhiều động lực khám phá những góc nhỏ thật đẹp của đất nước Việt Nam. Đi đâu cũng được, miễn là cùng nhau, nhỉ?", chị Hảo trải lòng.
Tổng kết hành trình
- Tổng thời gian: 26 ngày.
- Hà Nội - Hà Giang: 4 ngày.
- Hà Nội xuyên Việt : 22 ngày.
Vì cung đường ngược nhau nên mình chia thành 2 hành trình khác nhau. 1 chặng mình dành riêng 4 ngày 3 đêm cho chuyến đi Hà Giang vào đúng dịp mùa hoa mai anh đào vừa rồi và 22 ngày xuyên Việt từ Bắc vào Nam (Từ 27/2 Dương lịch).
Quãng đường:
- Hà Nội - Hà Giang - Hà Nội: 920km.
- Xuyên Việt: 5000km.
- Tổng quãng đường: 5920km.
- Phương tiện: Ô tô: Nhà mình di chuyển 100% bằng ô tô cả 2 chiều (trừ khi ra đảo thì di chuyển bằng tàu cao tốc).
- Đi qua: 41 Tỉnh thành.
- Chi phí: 45 triệu.
Đi xuyên Việt cho gia đình có con nhỏ cần chuẩn bị những gì?
Lịch trình
- Trước khi đi, các bạn hãy lên chi tiết lịch trình mỗi ngày sẽ đi thế nào, qua các tỉnh nào và sẽ nghỉ ở đâu để có thể book trước 1 số điểm mà chắc chắn sẽ nghỉ lại đó, đặc biệt là những ngày đầu tiên thì thường lịch trình sẽ ít khi thay đổi. Nếu có thể, hãy chi tiết hơn các điểm chơi, các quán ăn ngon được review để có thể chủ động được hành trình của xe mà không bị lạc đường nhé.
- Có 2 cách di chuyển mà mọi người hay lựa chọn là đi cả 2 chiều bằng ô tô hoặc chiều đi bằng ô tô còn chiều về bằng máy bay. Nhà mình ban đầu cũng lên cả 2 phương án này, và dự tính sẽ tuỳ thuộc tình hình sức khoẻ của cả gia đình để lựa chọn phương án sao cho phù hợp nhất.
Đồ đạc
Hãy list càng chi tiết càng tốt các đồ đạc cần mang theo để tránh lúc đi lại thiếu cái này cái kia. Nhà mình có em bé 4 tuổi nên đồ đạc cũng sẽ lích kích và cần chuẩn bị nhiều thứ hơn.
Quần áo, giày dép
Quần áo, giày dép, phụ kiện phù hợp nhiều thời tiết khác nhau. Mình lựa chọn đi xuyên Việt vào tầm cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 nên thời tiết khá dịu nhẹ, có mấy ngày đầu hơi lạnh chút nên mình chỉ mang thêm chút đồ mỏng và áo khoác nhẹ.
Nhớ mang đủ đồ bơi, kính bơi và đồ chơi xúc cát cho em bé nếu bạn không muốn phải mua bổ sung để cho các con nhé.
Nên chuẩn bị vài đồ chơi cho bé chơi khi đi trên xe cho đỡ buồn. Và chắc chắn phải có ghế ngồi ô tô cho bé. Một chuyến đi dài thì phải đặt sự an toàn lên trên hết, cũng là thứ tối quan trọng để một người mẹ "dễ say xe" như mình có thể trụ được quãng đường dài như vậy khi phải thường xuyên chăm sóc cho em bé ngồi cạnh.
Đừng quên các "công cụ đắc lực": Gimbal, gậy chụp ảnh có chân đứng. Hãy lựa chọn loại tốt 1 chút để có thể bền bỉ cả chuyến đi khi sử dụng trên nhiều địa hình nhé.
Mũi Cà Mau và Đà Nẵng
Thuốc
Chuẩn bị đủ mọi loại thuốc cho các bệnh và triệu chứng thường gặp như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi, đi ngoài, đầy bụng, băng urgo, salonpas... và các loại thuốc bổ tăng đề kháng cho cả bố mẹ và em bé. Đừng quên mang xịt muỗi, bôi muỗi và kem chống nắng đi nhé.
Đồ sinh hoạt
- Đồ vệ sinh cá nhân.
- Xe scooter cho em bé, rèm chống nắng trên ô tô.
- Nên có: Bô cho em bé sử dụng trên ô tô. Bánh kẹo, rong biển, đồ ăn vặt, hoa quả ăn trên xe (không cần quá nhiều vì có thể mua trên đường).
Lều, ghế camping, thảm camping,... loại nhỏ gấp gọn: Nhà mình chuẩn bị cả những thứ này để khi đến những nơi mát mẻ và phù hợp thì có thể hoàn toàn camping tại chỗ.
Và còn nhiều vật dụng cần thiết khác tuỳ thuộc nhu cầu từng gia đình nhé.
Xe cộ
Đi bảo dưỡng A-Z cho chiếc xế ngay trước ngày xuất hành để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi dài. Nhớ nạp sẵn tài khoản epass nếu không muốn gặp sự cố mất thời gian giữa chừng nhé. Tổng chi phí epass cả hành trình tầm 2 triệu.
Nếu không phải là dòng xe được cài đặt sẵn app cùa Navitel thì bạn nên chủ động tải app này về điện thoại để có thể theo dõi tốc độ giới hạn từng cung đường đi qua, tránh trường hợp đi quá tốc độ bị phạt.
Lịch trình chi tiết
- Ngày 1: Hà Nội - Đồng Hới (510km).
- Ngày 2: Đồng Hới - Huế (177km).
- Ngày 3: Huế - Hội An (121km).
- Ngày 4: Hội An - Quy Nhơn ( 300km).
- Ngày 5: Quy Nhơn - Đại Lãnh (172km).
- Ngày 6: Đại Lãnh - Ninh Chữ (210km).
- Ngày 7,8: Ninh Chữ - Mũi Né (165km).
- Ngày 9,10: Mũi Né - Bảo Lộc Lâm Đồng (130km).
- Ngày 11: Bảo Lộc - Cần Thơ (348km).
- Ngày 12: Cần Thơ - Cà Mau (250km).
- Ngày 13: Cà Mau - Rạch Giá (230km).
- Ngày 14,15: Đảo Nam Du.
- Ngày 16: Rạch Giá - TP Thủ Dầu Một (260km).
- Ngày 17,18: TP Thủ Dầu Một - TP Buôn Mê Thuột (300km).
- Ngày 19: TP Buôn Mê Thuột - Huế (600km).
- Ngày 20: Huế.
- Ngày 21: Huế - Nghệ An.
- Ngày 22: Nghệ An - Hà Nội.
Điều gì sẽ giúp chuyến xuyên Việt trở nên dễ dàng hơn?
- Đơn giản hoá chuyện ăn uống, ngủ nghỉ: Nhà mình vốn đã ăn uống đơn giản từ trước, thì khi đi xuyên Việt cũng cực kỳ thoải mái với việc ăn gì và ăn ở đâu. Nếu sẵn sàng đi trong vòng gần 1 tháng, hãy chuẩn bị tinh thần thường xuyên ăn những quán ăn dọc đường, cả kể những quán sạp nhỏ dành cho các lái xe đường dài chứ không phải khách du lịch, sẵn sàng ăn những món ăn không phải quá hợp khẩu vị, quá cầu kỳ và ngon mắt, ngon miệng.
Nhà mình có em bé nên luôn ưu tiên ăn cơm với những món ăn truyền thống kiểu "cơm mẹ nấu", và luôn sẵn sàng cả những lúc bé "từ chối" những món ăn địa phương và để bé ăn rong biển, gia vị rắc cơm,... hay nhiều khi chỉ là bánh gạo và sữa...
Chúng mình coi trọng trải nghiệm, và hoàn toàn suy nghĩ đơn giản việc ăn uống, đó chính là bí quyết giúp mình có thể thoải mái tâm lý khi cho bé đi du lịch cùng ngay từ khi bé mới 2 tháng tuổi.
Về việc ngủ nghỉ, hãy tạm quên đi những resort rộng rãi hay hotel sang trọng, chuyến du lịch xuyên Việt giúp mình có cơ hội trải nghiệm rất nhiều nhà nghỉ, homestay từ rất nhiều địa phương khắp nơi trên mọi miền tổ quốc. Nhiều địa điểm mình chỉ đến ngủ 1 đêm nên mình ưu tiên nơi nào sạch sẽ, đủ nhu cầu sử dụng và gần địa điểm tham quan nhất. Các bạn cũng không cần hoàn toàn book 100% khách sạn trước đâu. Mình chỉ book 1 số ngày đầu tiên cho chủ động và khách sạn ở trên đảo vì sợ khó còn phòng; còn lại, hầu như mình chỉ book trước 1 ngày khi đến hoặc thậm chí có điểm chỉ book trước 30 phút và search trên google.
Việc ăn và ngủ nghỉ đơn giản sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá chi phí cho cả hành trình.
"Trên đây là những chia sẻ của mình về chuyến đi xuyên Việt vừa rồi của gia đình mình. Đó thực sự là trải nghiệm đáng nhớ nhất, mà có lẽ cũng là chuyến đi tuyệt vời nhất mà mình có được trong suốt 28 năm vừa qua. Mình đã thêm trân trọng người bạn đời của mình - người luôn giúp đỡ và chăm sóc cho 2 mẹ con suốt cả hành trình dài, luôn vững tay lái gần 6000km mà không một lời kêu ca mệt mỏi; thêm yêu và ngưỡng mộ người bạn nhỏ 4 tuổi của chúng mình khi đồng hành suốt mọi chuyến đi cùng bố mẹ mà chưa một lần đau ốm; thêm trân trọng những gì mình đang có và tự nhủ: hạnh phúc đôi khi đơn giản chỉ là bên cạnh nhau bình yên vậy thôi!
Cảm ơn mọi người đã đọc và chia sẻ niềm vui của chuyến đi cùng gia đình mình! Hãy đi đi, tuổi trẻ là trải nghiệm mà. Việt Nam mình đẹp lắm!", chị Hảo tâm sự.