Theo thông báo của Saigon Petro, giá bán gas SP của DN này tăng 583 đồng/kg (đã bao gồm thuế VAT), tương đương 7.000 đồng/bình 12kg, so với giá hiện hành. Giá mỗi bình gas đến tay người tiêu dùng tại khu vực TP.HCM ở mức 441.000 đồng. MT gas cũng với mức tăng tương tự, nhưng giá bán lẻ mỗi bình 12kg của DN này ở mức 440.000 đồng.
Nguyên nhân tăng giá lần này cũng không khác gì so với trước đây: vì giá thế giới tăng. Theo các DN, giá CP (hợp đồng) thế giới tháng 11 đạt mức 1020 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với tháng 10. Mức tăng này cao hơn dự báo vài ngày trước của nhiều DN trong nước. Xu hướng tăng giá gas được các DN dự báo sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm và có thể trở lại mức kỷ lục gần 500.000 đồng/bình hồi đầu năm nay.
Do giá gas ở mức cao, cộng với kinh tế khó khăn, không ít người tiêu dùng chuyển sang dùng điện thay gas, khiến DN tồn đọng một lượng lớn hàng trong kho. Chính vì thế, hầu hết công ty gas đều đang rất khó khăn. Ngay cả Saigon Petro, một DN chiếm thị phần lớn ở khu vực phía Nam cũng có doanh số liên tục giảm từ 10 - 20% mỗi tháng.
Thực tế, thời gian gần đây, thị trường gas chịu sức ép rất lớn khi người tiêu dùng quay lưng, vì giá cao và gas giả, gas kém chất lượng hoành hành. “Từ tết nguyên đán năm ngoái đến giờ nhà tôi xài chưa hết hai bình gas 12kg. Gas chủ yếu để phòng khi mất điện. Tôi sử dụng điện để nấu ăn là chủ yếu”, chị Kiều Nguyên (H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều DN kinh doanh gas sụt giảm doanh số.
Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, thị trường gas đang tăng trưởng rất thấp, chỉ tăng khoảng 5-6%. Trong khi đó, con số này trước đó thường xuyên là 10-15%. Hiệp hội Gas Việt Nam nhận định, xu hướng này có được chặn đứng hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng hồi phục của nền kinh tế trong thời gian tới.