Lợi thế cạnh tranh của một quốc gia không chỉ nằm ở vị thế, ảnh hưởng chính trị, sức mạnh quân sự, tiềm lực kinh tế, hay ổn định xã hội. Lợi thế còn nằm ở con người - nguồn lực cho mọi sự phát triển. Cạnh tranh sẽ thay đổi ra sao, chịu những tác động thế nào, khi nguồn lực này có xu hướng thu hẹp?
Tỷ lệ sinh giảm – thách thức của các nền kinh tế lớn
Cả bãi biển ở đảo Nokdo, Hàn Quốc chỉ có 3 đứa trẻ chơi đùa, anh em nhà Lyoo. Lyoo Chan-hee và 2 cô em gái. Chúng chỉ có thêm duy nhất 1 người bạn trên đảo, cũng là bạn cùng lớp.
Ông Kim Si-young, 66 tuổi, là một trong 100 cư dân cuối cùng của làng chài sôi động một thời trên đảo Nokdo chia sẻ: "Nó sẽ trở thành hòn đảo hoang nếu số người vẫn tiếp tục giảm, điều đó làm tôi rất buồn. Tôi muốn bảo vệ Nokdo nhưng thật buồn khi thấy ngày càng ít người ở đây".
Đảo Nokdo là hình ảnh điển hình về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học mà Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang phải đối diện. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc chỉ còn 0,84 trẻ năm 2020 từ mức 4,5 trẻ năm 1970. Năm ngoái, Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ lão hóa nhanh nhất thế giới với tỷ lệ sinh cũng thấp nhất thế giới. Cứ với đà này, Hàn Quốc sẽ vượt Nhật Bản trở thành xã hội già nhất vào năm 2045.
Già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm kỷ lục đã trở thành một vấn đề tại ngay cả những nền kinh tế lớn của thế giới. Những nước láng giềng của Hàn Quốc như Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang gặp tình trạng tương tự. Đây cũng là các nước có tỷ lệ già hóa dân số cao nhất tại châu Á.
Còn xét trên phạm vi toàn cầu, Châu Âu và Bắc Mỹ là những khu vực có dân số già nhất. Như tại châu Âu 26% dân số trên 60 tuổi, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình của toàn cầu là 13%. Bắc Mỹ cũng vậy, 23% dân số trên 60 tuổi.
Ở Hàn Quốc, người trẻ ngày càng ngại kết hôn và sinh con. Ảnh: suea.org
Rất nhiều vấn đề đặt ra đối với một nền kinh tế già hóa. Đó là mất cân bằng nhân khẩu học, thiếu lực lượng lao động, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế và áp lực lên quỹ lương hưu.
Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng: "Hiện nay, một nửa dân số Italy là trên 47 tuổi - độ tuổi trung bình cao nhất ở châu Âu. Một nước Italy không có trẻ em là một nước Italy không có chỗ đứng trong tương lai, đó sẽ là một nước Italy đang dần không còn tồn tại".
Cơ cấu dân số già hóa cũng sẽ là hạn chế đối với nhiều chủ trương phát triển tham vọng. Như tại Trung Quốc, lực lượng lao động giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến đến vị thế công xưởng thế giới và thị trường lớn nhất thế giới. Nếu đà này tiếp diễn, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào khoảng năm 2027.
Nhiều quốc gia đang khuyến khích lực lượng lao động nhập cư để giải quyết vấn đề về dân số, nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế nếu tỷ lệ sinh tiếp tục không có dấu hiệu cải thiện.
Nguy cơ "chưa giàu đã già" tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, nguy cơ như các nhà phân tích và truyền thông hay nói - là chưa giàu đã già, nguy cơ này đang ngày càng lớn, khi thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều lần so với các nước phát triển, khi các nước này có tỉ lệ người già tương đương với Trung Quốc hiện nay. Đặc biệt, quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh và quy mô lớn trong giai đoạn then chốt của quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Đây thực sự đang là một thách thức lớn đối với Trung Quốc.
Người già Trung Quốc. Ảnh: Chinanews
Theo kết quả điều tra dân số, năm 2020, số người từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc lên tới 264 triệu người, chiếm 18,7% dân số, trong đó số người từ 65 tuổi trở lên đạt 190 triệu người, chiếm 13,5% dân số.
Ở thời điểm có tỉ lệ người già như Trung Quốc hiện nay, thì thu nhập bình quân đầu người của Mỹ, Nhật Bản, hay Hàn Quốc đều cao gấp 2,5 đến 3 lần so với Trung Quốc. Mặt khác, dự kiến năm sau, Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số nghiêm trọng, khi tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 14% dân số. Như vậy, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% dân số chỉ trong 21 năm, mức nhanh nhất trên thế giới từ trước tới nay. Nhiều tổ chức dự báo, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số vào năm 2050, lên tới 380 triệu người và dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm từ năm 2030.
Ông Thôi Thiên Khải - Viện Nghiên cứu Trùng Dương, Trung Quốc cho biết: "Đất nước chúng tôi chưa thực sự sẵn sàng và chuẩn bị tốt để đối mặt với tỉ lệ người già lớn như vậy. Thách thức lớn nằm ở chỗ, phần lớn người già tập trung ở nông thôn, nơi điều kiện phát triển và chăm sóc khó khăn; thứ hai là già hóa dân số diễn ra nhanh trong khi hệ thống dưỡng lão và an sinh xã hội chưa được hoàn thiện".
Kết quả điều tra dân số cũng cho thấy, số người trong độ tuổi lao động từ 15-59 đã giảm 45 triệu người trong 10 năm qua; số trẻ sơ sinh đã giảm 6 năm liên tiếp và tỉ lệ sinh năm 2020 ở mức 1,2 con, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế 2,1 con. Để giảm áp lực già hóa dân số nhanh, Trung Quốc gần đây đã chủ trương cho phép mỗi cặp vợ chồng có thể sinh 3 con, tăng dần tuổi nghỉ hưu và hoàn thiện hệ thống dưỡng lão.
Từ nay đến năm 2050 được dự báo là thời kỳ cao điểm già hóa dân số ở Trung Quốc. Và đây cũng là thời kỳ then chốt của quá trình hiện đại hóa đất nước. Do đó, vấn đề già hóa dân số được xác định là một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc trong quá trình thực hiện mục tiêu một trăm năm lần thứ hai, trở thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ.
Các bà đón cháu từ một trường học ở Thượng Hải. Ảnh: NYTimes
Trung Quốc sẽ là một trong những nước già hóa nhanh nhất thế giới
Theo nhiều dự báo, sau năm 2030, số người trên 65 tuổi ở Trung Quốc sẽ vượt quá số người từ 0-14 tuổi, và Trung Quốc sẽ là một trong những nước già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi đó cũng theo các nghiên cứu cho thấy, "cơ cấu dân số vàng" trong 30, 40 năm qua của Trung Quốc, đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế vượt bậc của nước này. Khoảng 15% tăng trưởng kinh tế trong 20 năm qua, được cho là nhờ sự đóng góp của lý do "dân số vàng" này.
Có thể nói Trung Quốc đã rất thành công trong mấy chục năm qua, nhờ tận dụng rất tốt lợi thế về quy mô và cơ cấu dân số đó của mình. Chính vì vậy, những lo ngại về mất cân đối cơ cấu dân số, sự già nhanh của xã hội, đang đặt áp lực lớn với nhiều lựa chọn không dễ dàng cho nước này. Làm thế nào để duy trì lợi thế và động lực cho phát triển, và qua đó duy trì vị trí siêu cường. Chủ trương cho phép sinh con thứ ba được đánh giá là quyết định khá táo bạo của một đất nước với quy mô 1,4 tỷ dân. Các giải pháp và nỗ lực là có, nhưng thực tế có lẽ là sẽ khó khăn.
Sau hơn 35 năm thực hiện chế độ sinh 1 con nghiêm ngặt, năm 2016 Trung Quốc cho phép sinh 2 con. Nhưng liên tiếp 4 năm, nước này ghi nhận trẻ em ra đời giảm mạnh theo từng năm. Ở Thượng Hải, bình quân 31 tuổi phụ nữ mới sinh đứa con đầu, theo điều tra dân số chưa đầy 7% muốn sinh thêm đứa con thứ hai.
Chị Ngô Trần - Người dân TP Bắc Kinh,Trung Quốc chia sẻ: "Áp lực cuộc sống quá lớn, nuôi 2 - 3 con ở thành thị không nổi đâu. Chỉ 1 con là mệt".
Lãnh đạo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết, Trung Quốc sẽ ban hành một loạt các giải pháp hỗ trợ kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn để khuyến khích sinh 3 con. Các chính sách đưa ra sẽ nhắm đến giảm chi tiêu trong thai sản, khám chữa bệnh, học hành. Ngoài ra, một dự án phát triển các trung tâm cộng đồng tại 150 thành phố để tạo ra 500 ngàn chỗ giữ trẻ cũng nằm trong kế hoạch 5 năm tới.
Dân số Hong Kong đã giảm còn 7,47 triệu người trong năm 2020, giảm 0,6% so với một năm trước đó, đánh dấu mức giảm lần đầu tiên kể từ năm 1961. Ảnh: Reuters
Hiện nay, tỷ lệ sinh bình quân của 1 phụ nữ Trung Quốc là 1,3 con. Vài năm gần đây, nước này đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, giá nhân công tăng cao, nên giảm bớt sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ lương hưu cũng ngày càng đè nặng. Viễn cảnh dân số già hóa trước khi giàu đang ngày càng rõ ở đất nước 1 tỷ 400 triệu dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách khuyến khích sinh cần phải được hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Bởi ở các đô thị lớn hiện nay, sinh thêm 1 con là chuyện không dễ, áp lực giá nhà và sinh hoạt phí cao.
Thay đổi hệ thống nhập cư - giải pháp khả thi nhất cần tính đến
Thành phố Caltagirone, Italy là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước trong 20 năm qua. Đất nước hình chiếc ủng đang rơi vào tình trạng "mùa đông nhân khẩu học". Thượng viện Italy mới đây đã thông qua luật trợ cấp cho tất cả trẻ em 250 euro/tháng cho đến khi 21 tuổi.
Ông Gino Ioppolo - Thị trưởng thành phố Caltagirone, Italy cho biết: "Chúng tôi đã sử dụng tất cả các nguồn lực, cả quốc gia và khu vực, để trợ giúp xã hội trong thời kỳ đại dịch. Tôi tin rằng các nguồn lực bổ sung mà chúng tôi sử dụng rất phù hợp và tích cực cho các gia đình".
Tình trạng suy giảm dân số cũng diễn ra tại Mỹ. Kết quả điều tra dân số năm ngoái cho thấy dân số Mỹ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Một số giải pháp cấp bách mà chính quyền Washington cân nhắc, đó là triển khai các chính sách có lợi nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh sản. Thay đổi hệ thống nhập cư cũng là giải pháp khả thi nhất cần tính đến, theo quan điểm nhà hoạch định chính sách Mỹ. Lấy ví dụ, thiết lập các mức nhập cư hàng năm dựa trên nhu cầu nhân khẩu học và thị trường hiện tại của Mỹ, thay vì duy trì các mức định sẵn.
Người tị nạn làm việc tại một phân xưởng cơ khí ở Đức. Ảnh: Reuters
Bà Julia Gelatt - Viện Chính sách di cư Mỹ nhấn mạnh: "Hệ thống nhập cư hợp pháp của Mỹ và chính sách nhập cư hợp pháp cần phải thay đổi. Hệ thống này không còn phù hợp với thực tế kinh tế hay tình trạng nhân khẩu học của chúng ta nữa".
Gia tăng người nhập cư để tái cơ cấu nhân khẩu học cũng là cách mà đầu tàu kinh tế của EU áp dụng. Từ năm 2015, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã chấp nhận 1 triệu người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi. Ngày nay, quyết định của 6 năm trước được coi là thành công khi 1 triệu người này đang đóng góp tích cực cho nền kinh tế Đức.
Ông Sigmar Gabriel - Phó Thủ tướng Đức nói: "Chúng tôi không nhận họ vì muốn giải quyết vấn đề nhân khẩu học mà vì họ đang chạy trốn chiến tranh, nội chiến và đàn áp. Một khi họ đã ở đây, không có lý do gì để chúng tôi không biến họ trở thành những chuyên gia của ngày mai. Đó là điều chúng tôi phải làm".
Tại châu Á, nền kinh tế lớn thứ 4 châu lục, Hàn Quốc, cũng đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Nhiều sáng kiến nhằm động viên các cặp vợ chồng sinh nhiều con hơn được đưa ra, như hỗ trợ 1 triệu won cho phụ nữ mang thai và trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cách này không thực sự giải quyết vấn đề về lâu dài.