Gia Khánh Đế - Hoàng đế thứ 6 của triều đại Trung Hoa phong kiến cuối cùng, ông là con trai thứ 15 của Thanh Cao Tông Càn Long đế, ngạch nương của ông không ai khác chính là vị phi tần được Càn Long rất mực sủng ái: Lệnh phi Ngụy Giai thị.
Thời gian Gia Khánh đế trị vì nhà Thanh kéo dài 24 năm, nhưng sử liệu ghi chép cụ thể về những điều ông làm được cho Thanh triều không nhiều. Nổi bật nhất là xử tội tham quan Hòa Thân, thi hành tiết kiệm, cải tổ bè đảng. Nhưng đáng tiếc những điều ông làm như muối bỏ bể giữa thời cuộc đầy biến động.
Tranh vẽ Gia Khánh Hoàng đế hiện đang được trưng bày tại bảo tàng lịch sử Bắc Kinh.
Vấn đề tham ô không một khởi sắc mà thậm chí còn nặng nề thêm. Thậm chí bạo loạn đã làm tình hình trị an đất nước trở nên nghiêm trọng. Cộng với việc nha phiến lưu nhập Trung Quốc khiến cho xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ vô cùng nhiễu nhương. Để rồi sau khi ông qua đời đột ngột vào ngày 2 tháng 9, tại Hành cung Nhiệt Hà, Thanh triều cứ thế trượt dài cho tới ngày thời đại hoàng kim chính thức khép lại và biến mất hoàn toàn trong dòng hưng suy của lịch sử Trung Quốc.
Ấy thế, ngày nay, hậu thế vẫn không đặt quá nhiều câu hỏi về việc ông đã làm được gì hay gây ra tội tình gì khiến nhà Thanh sụp đổ. Bởi lẽ thời gian ấy, "biến động" chính là tính từ bao quát nhất để chỉ chung về tình hình thế giới, hoàn toàn không thể đổ hết trách nhiệm về cho Hoàng đế Gia Khánh.
Tranh vẽ Gia Khánh đế khi còn là thập ngũ Hoàng tử Vĩnh Diễm.
Nếu có thắc mắc, người ta chỉ thắc mắc về cái chết đầy bí ẩn của ông, mà đến tận ngày nay, dù đã có biết bao nghi vấn được đặt ra vẫn không ai có thể chắc chắn về sự thật ẩn chứa đằng sau. Và trong số những nghi vấn đó, có nổi lên 3 lập luận được rất nhiều người tin tưởng. Điểm chung của 3 câu chuyện này, chính là việc Hoàng đế Gia Khánh đã bị sét đánh chết.
Sét đánh vào Gia Khánh đế khi ông đang nghỉ ngơi tại Hành cung Nhiệt Hà
Một số người cho rằng trong lúc đi săn bắn tại Hành cung Nhiệt Hà, Hoàng đế Gia Khánh đã không may bị ốm nặng. Thế nhưng, trong suốt thời gian phải nằm trên giường để các Thái y điều trị, ông vẫn thường xuyên xử lý việc triều chính, mặc cho các quan đại thần và phi tần Hậu cung khuyên nhủ hết lời.
Mãi cho tới một hôm, bầu trời Nhiệt Hà Hành cung bỗng tối sầm lại, mây đen vần vũ kéo tới, có kèm theo cả sấm chớp giật đùng đùng trông như thiên tai. Và rồi, trong lúc mưa to gió lớn ấy, đột ngột một tia sét "đi lạc" đã đánh trúng tẩm điện nơi Hoàng đế Gia Khánh đang nằm nghỉ. Hoàng đế bị sét đánh trúng, cộng với thể trạng sức khỏe lao lực nên đã không qua khỏi mà băng hà.
Tranh vẽ Hoàng đế Gia Khành mặc long bào hiện đang được trưng bày tại bảo tàng lịch sử Bắc Kinh.
Giả thuyết này sau khi đặt ra đã được rất nhiều người đồng tình và răp rắp tin rằng, Gia Khánh đế đột ngột băng hà thực sự là do sét đánh.
Gia Khánh đế bị sét đánh trúng khi đang trên đường đi săn về Hành cung
Giả thuyết thứ hai thì có vẻ ly kỳ hơn một chút khi cho rằng, thực chất, Hoàng đế Gia Khánh bị sét đánh trúng khi đang trên đường trở về từ trường săn. Cụ thể, giả thuyết này nói rằng sau khi tới trường săn ở Hành cung Nhiệt Hà săn bắn, Gia Khánh đế ra lệnh chỉ huy các đại thần, tùy tùng của mình tiến thẳng vào rừng săn thú như một thông lệ bao đời của lão tổ tông Thanh triều.
Tranh vẽ toàn cảnh Nhiệt Hà Hành cung, nơi Hoàng đế Gia Khánh băng hà.
Đáng tiếc, sau nhiều ngày rong ruổi, đoàn săn không thu được chiến lợi phẩm gì nhiều ngoài một vài chú thỏ, vài con chim nhỏ, hoàn toàn không thấy bóng dáng của những con thú lớn như hươu nai. Lúc này, Hoàng đế Gia Khánh vô cùng thất vọng nên liền hạ lệnh kết thúc chuyến đi săn sớm hơn dự kiến, lập tức quay về Hành cung Nhiệt Hà.
Trên đường trở về, đột nhiên bầu trời nổi giông tố mạnh. Gia Khánh đế và tùy tùng hỗn loạn tìm nơi ẩn náu nhưng đã không còn kịp, một tiếng sấm rền vang lên kéo theo tia sét khổng lồ giáng thẳng xuống vị trí của Gia Khánh đế trong ánh mắt thảng thốt của mọi người. Sau khi bị sét đánh, Gia Khánh đế ngã ngựa, chết ngay tức khắc.
Sét đánh vào "nơi hẹn hò" bí mật của Gia Khánh đế và một tiểu thái giám
Hai giả thuyết trên chẳng là gì so với giả thuyết đầy ly kì thứ 3 này. Tuy nhiên, vì quá ly kì và có phần "huyền ảo" nên câu chuyện về cái chết của vua Gia Khánh ở giả thuyết này ít được tin tưởng hơn cả.
Một góc Nhiệt Hà Hành cung ngày nay.
Theo đó, một số người cho rằng khi còn sống, Gia Khánh đế rất mực sủng ái một… tiểu thái giám. Chính vì vậy, ông thường cho gọi tiểu thái giám ấy tới để mua vui. Chuyện cực kỳ nhạy cảm này so với thời điểm lúc bấy giờ là vô cùng trái khóay, đã thế còn xảy ra ngay với vị Hoàng đế đứng đầu Thanh triều, nên nhiều người, từ quan đại thần cho tới Hậu phi đều chướng tai gai mắt nhưng vẫn chẳng làm gì được.
Khi đó, đằng sau tẩm điện của Hoàng đế Gia Khánh tại Hành cung Nhiệt Hà là có một tòa nhà nhỏ được đặt tên là "Vân Sơn thánh địa". Nơi này được cho là cực kỳ bí mật, Hoàng đế Gia Khánh hay dùng làm nơi "hẹn hò" của mình và tiểu thái giám nọ. Cho tới một ngày, trong lúc cả hai đang "vui vẻ" với nhau, đột nhiên có một tia sét đánh như xé toạc bầu trời đánh trúng nóc "Vân Sơn thánh địa". Cả toàn nhà liền bốc cháy dữ đội, thiêu chết cả Hoàng đế Gia Khánh và tiểu thái giám bên trong.
Tây Thanh Mộ, cách Bắc Kinh 120 km về hướng tây nam - nơi chôn cất Hoàng đế Gia Khánh.
Ba giả thuyết trên, suy cho cùng cũng chỉ là những đồn đoán của hậu nhân dựa trên các câu chuyện truyền miệng rỉ tai nhau qua nhiều đời tại Trung Quốc, thực hư cuối cùng vẫn không ai rõ. Nhưng nếu đây đúng sự thật thì trong 559 vị hoàng đế của 83 triều đại phong kiến Trung Quốc, Gia Khánh là vị Hoàng đế duy nhất bị sét đánh chết. Quả thật đây là một cái chết đầy thương tâm, xui xẻo và hy hữu bậc nhất thời Trung Hoa phong kiến. Ngay cả là Hoàng đế, bậc cửu ngũ chí tôn cao cao tại thượng thì sấm sét cũng không "nể nang" gì.
(Nguồn: Sina, Kknews, Jianshu)