Một TikToker mới đây bị kết tội giả ung thư để lừa đảo với số tiền 37.000 đô la Mỹ (hơn 900 triệu đồng) từ hàng trăm người tin tưởng.

Madison Russo, 20 tuổi, ở Bettendorf, Iowa (Mỹ), nhận 3 năm quản chế và 10 năm tù treo sau khi nói dối về việc mắc bệnh ung thư trên mạng xã hội để nhận tiền quyên góp, hãng tin AP đưa tin. Cô này cũng sẽ phải trả hơn 39.000 USD tiền bồi thường và 1.370 USD tiền phạt.

Russo đã kêu gọi quyên góp trên GoFundMe từ hơn 400 người. Cô nói với bạn bè, gia đình và những người theo dõi cô rằng cô bị ung thư tuyến tụy, bệnh bạch cầu cấp tính không xác định được và một "khối u to bằng quả bóng bầu dục" quấn quanh cột sống của cô, Insider đưa tin. Russo thường chia sẻ thông tin chi tiết về tình trạng bệnh cứ như là của mình thông qua tài khoản TikTok hiện đã bị xóa.

Giả ung thư để lừa đảo hơn 900 triệu đồng, lý do cô gái này đưa ra để biện bạch càng khiến người ta "không ngửi nổi" - Ảnh 1.

Trang quyên góp của Madison Russo.

Vào tháng 6, cô thừa nhận trước tòa án địa phương rằng mình đã giả bệnh và nhận tội trộm cắp cấp độ 1.

Trong video kết án được truyền thông địa phương đăng lên YouTube, Thẩm phán John Telleen của Quận Scott cho biết Russo đã bắt đầu "kế hoạch lừa đảo phức tạp" trên vào tháng 2/2022.

Ông nói: "Cô đã lừa dối bạn bè, gia đình, cộng đồng của mình, những nạn nhân ung thư khác, các tổ chức từ thiện và cả những người lạ tin vào câu chuyện được cho là bi thảm của cô. Thành thật mà nói, phản ứng ban đầu của tôi là nguyên nhân lừa dối kéo dài này được thúc đẩy bởi lòng tham, hoặc có lẽ là sự nổi tiếng trên mạng xã hội. Khi bước vào đây, tôi không hoàn toàn tự tin rằng suy nghĩ đó đúng nhưng có thể chắc chắn rằng đây không phải là một sai sót cá biệt hay nhất thời".

Vào tháng 1, các nhân chứng ẩn danh bắt đầu báo cáo những điểm mâu thuẫn trong câu chuyện của cô với Sở cảnh sát Eldridge và sau khi nói chuyện với các nhân chứng y tế, cảnh sát đã triệu tập hồ sơ y khoa của cô, hồ sơ bệnh án không cho thấy bất kỳ chẩn đoán ung thư nào, theo AP. 

Giả ung thư để lừa đảo hơn 900 triệu đồng, lý do cô gái này đưa ra để biện bạch càng khiến người ta "không ngửi nổi" - Ảnh 2.

Cô tuyên bố mình lừa đảo "vì gia đình".

Hồ sơ tòa án cho thấy khi khám xét nhà của Russo, cảnh sát đã tìm thấy những đồ vật hỗ trợ cho tuyên bố giả mạo bệnh ung thư của cô, bao gồm một bộ tóc giả, một túi truyền dịch, máy bơm thức ăn và băng vết thương.

Telleen nói với Russo trong khi tuyên án: "Ở bất kỳ bước nào trên con đường đó, cô đều có thể dừng lại, nhưng cô không hề dừng cho đến khi bị bắt".

Trong tuyên bố nhận tội dài 7 phút của mình, Russo cho biết cô cầu nguyện cho những người bị tổn thương bởi "quyết định phi lý" của mình và những thiệt hại do hành động của cô gây ra.

"Tôi không làm điều này vì tiền hay lòng tham. Tôi không làm điều này để được chú ý. Tôi làm điều này với nỗ lực cố gắng đưa gia đình tôi quay lại với nhau", cô nói. "Tôi đến từ một gia đình cực kỳ tan vỡ và ly tán kể từ khi tôi 2 tuổi và theo năm tháng, mọi chuyện ngày càng trở nên tồi tệ hơn".

Tuy nhiên, đánh giá do một nhà tâm lý học do tòa án chỉ định thực hiện không tìm thấy tiền sử chấn thương thời thơ ấu trong quá khứ của Russo.

Ngoài việc trả tiền bồi thường, Thẩm phán Telleen còn kết án Russo 100 giờ phục vụ cộng đồng và 3 năm quản chế.

Telleen nói khi tuyên án: "Những tội danh nghiêm trọng phải chịu hậu quả nghiêm trọng để ngăn chặn cả cô và những người khác khỏi tái phạm trong tương lai". Ông nói thêm rằng trò lừa đảo sai lầm này có thể khiến những người khác ngần ngại quyên góp cho những người cần giúp đỡ thực sự vì sợ bị lừa.

Người phát ngôn của GoFundMe phát biểu vào tháng 2 rằng mọi người đã được hoàn lại số tiền quyên góp của họ và Russo đã bị cấm vĩnh viễn khỏi nền tảng này.

Người dùng mạng xã hội thường sử dụng các nền tảng gây quỹ trực tuyến để kêu gọi quyên góp cho các hóa đơn y tế, mặc dù điều này đôi khi dẫn đến phản ứng dữ dội từ cộng đồng vì cho rằng những người có ảnh hưởng và nổi tiếng không cần trợ giúp tài chính. Vào năm 2019, Rob Solomon, Giám đốc điều hành của GoFundMe vào thời điểm đó, cho biết số lượng lớn những người gây quỹ như vậy là dấu hiệu của một hệ thống chăm sóc sức khỏe có vấn đề.

Nguồn: Insider