Nghề thủy tinh Ý gặp nguy
Một chất liệu nghệ thuật nổi tiếng, một nghề thủ công mang tính lịch sử huy hoàng của thành phố Venice, nước Ý đang đứng trước thách thức chưa từng có trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tại Châu Âu. Cụ thể, đó chính là hoạt động sản xuất thuỷ tinh Murano, một ngành nghề bị ảnh hưởng sâu sắc bởi giá khí đốt tăng nhanh, khiến hầu hết các xưởng sản xuất phải đóng cửa hàng loạt.
Điều này đã tạo nên một gợn sóng không nhỏ trong giới nghệ thuật. Trong một buổi phỏng vấn với Artnet News, nghệ sĩ Ai Weiwei đã chia sẻ: "Thuỷ tinh Murano giống như một ngọn lửa ở dạng lỏng, đặc quánh và được tạo nên từ lò nung". Nghệ sĩ người Trung Quốc này đã làm việc với thuỷ tinh và hiện đang triển lãm tác phẩm của mình trên hòn đảo Giorgio Maggiore tại Venice. May mắn thay, công trình nghệ thuật của ông đã được hoàn thành trước khi giá nhiên liệu tăng cao đột biến, tuy nhiên các chi tiết và tác phẩm nhỏ hơn đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Các lò nung thuỷ tinh nói chung, hay lò nung Murano nói riêng cần phải được cung cấp một lượng lớn khí tự nhiên ở nhiệt độ cao, ổn định suốt 24 giờ để hoạt động. Theo tổ chức bảo trợ ngành sản xuất thuỷ tinh Consorzio Promovetro Murano, trung bình mỗi năm các nhà máy hiện có trên đảo Murano sử dụng khoảng 10 đến 11 triệu mét khối khí tự nhiên. Với giá khí đốt tăng vọt, ngành nghề thủ công này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi hình thành từ thời La Mã.
Phát ngôn viên của Consorzio Promovetro Murano chia sẻ rằng: "Khoảng 80% thợ làm thuỷ tinh Murano đã ngừng sản xuất, trong khi số còn lại đang cố gắng duy trì với nguồn nhiên liệu và số lượng công nhân tiết kiệm hơn", đồng thời giá khí đốt cũng đang biến động từng ngày, khiến cho việc lập kế hoạch sản xuất là điều "bất khả thi".
Vào tháng 11/2021, chính quyền thành phố Venice đã chi 3 triệu euro (hơn 70 tỷ VNĐ) cho các nhà sản xuất thuỷ tinh Murano để duy trì công việc cho giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, thời điểm giá khí đốt tăng từ 0,20 euro (hơn 4.000 VNĐ) lên 0,90 euro (gần 21.000 VNĐ) cho mỗi mét khối. Đến tháng 10/2020, chính phủ Ý đã viện trợ thêm 5 triệu euro (hơn 116 tỷ VNĐ) cho ngành nghề này.
Diễn ra ngay sau trận lũ lụt nghiêm trọng tại Venice vào năm 2019 và du lịch bị thiệt hại nặng nề do đại dịch, cuộc khủng hoảng năng lượng này đã đẩy một số nghệ nhân thổi thuỷ tinh đến bước đường cùng. Omar Signoretto, giám đốc thương mại và hành chính của công ty Signoretto Lampadari Murano phát biểu rằng: "Cuộc khủng hoảng khí đốt này là một đòn giáng nặng nề vào các lò nung ở Murano. Tôi không biết liệu tất cả họ có thể tồn tại được qua sự kiện này hay không".
Venice đã trở thành trung tâm sản xuất thuỷ tinh cao cấp vào thế kỷ 13, với những kỹ thuật bí mật vốn chỉ được truyền lại cho các thế hệ sau trong gia đình. Khi ngành công nghiệp dần phát triển, nghề thủ công này lại trở thành một phương tiện độc đáo cho những người nghệ sĩ hiện đại và đương đại.
Trong thời kỳ hậu chiến, một nhóm nghệ sĩ hiện đại bao gồm Pablo Picasso, Alexander Calder, Jean Cocteau và Jean Arp - những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giờ - đã tập hợp lại và cùng nhau tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ thuỷ tinh Murano.
Ngày nay, loại thuỷ tinh này vẫn còn giữ những giá trị nghệ thuật nhất định. Trong buổi triển lãm mang tên “La Commedia Umana - Memento Mori” được diễn ra tại Venice, Ai Weiwei đã ra mắt tác phẩm điêu khắc ấn tượng của mình: một tổ hợp gồm những mô hình làm từ thuỷ tinh của hộp sọ, xương, nội tạng, động vật và camera giám sát. Đây được xem là một trong những tác phẩm nghệ thuật lớn nhất được tạo nên từ chất liệu thuỷ tinh, với khối lượng lên đến 2.700 kg và phải mất vài năm để hoàn thành.
Khó khăn không chỉ ở Ý
Bên ngoài lãnh thổ nước Ý, những nghệ nhân sản xuất thuỷ tinh Murano cũng đang cố gắng giải quyết những khó khăn của mình trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Phòng trưng bày nghệ thuật Pierre-Marie Giraud tại Brussels đã trợ cấp chi phí cho nghệ nhân thuỷ tinh Ritsue Mishima - người đã thực hiện các cuộc triển lãm tại đây.
Trong một cuộc phỏng vấn với Artnet News, đại diện của Pierre-Marie Giraud cho biết: "Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm cho chi phí sản xuất để không ảnh hưởng đến giá bán cuối cùng. Phòng triển lãm vẫn đang chờ xem tình hình biến động của giá nhiên liệu, nhưng chúng tôi đã chấp nhận mức tăng tại thời điểm hiện tại".
Tuy nhiên, không phải nghệ nhân nào cũng may mắn có đủ điều kiện để tiếp tục niềm đam mê của mình. Signoretto Lampadari Murano, một doanh nghiệp gia đình đã phải đóng cửa lò nung của mình từ tháng 3 đến cuối tháng 4, và lại tiếp tục dừng hoạt động từ tháng 9 cho đến thời điểm hiện tại. Điều duy nhất họ có thể làm là trông chờ vào sự viện trợ của Chính phủ để mở cửa lò nung trở lại.
Theo người đại diện của cơ quan bảo trợ, giới hạn giá nhiên liệu là phương pháp tốt nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng, tuy nhiên Ý không thể làm điều này một mình mà đòi hỏi phải nhận được sự đồng lòng của cả Châu Âu, xem việc “giải cứu” ngành sản xuất thuỷ tinh Murano như một vấn đề thuộc cấp độ châu lục.
Nguồn: Arnet News