Tại Bệnh viện Châm Cứu Trung ương, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị liệt mặt những ngày gần đây tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước rét…
Mỗi ngày tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Châm cứu TW tiếp nhận 30 - 40 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị liệt mặt, méo miệng. Các bác sĩ cho biết, khoảng 80% nguyên nhân gây liệt mặt ngoại biên là do lạnh đột ngột ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7.
PGS.TS Nguyễn Bá Quang, Chủ tịch Hội đồng Đào tạo bệnh viện cho biết: Liệt mặt do lạnh dân gian gọi là hàn tà và xảy ra rất nhanh chóng. Gần như 95 % người bệnh đến đều nói là "đột nhiên tôi bị thế!".
Một bệnh nhân mới 18 tuổi vừa nhập viện điều trị do đột nhiên bị liệt mặt, méo miệng, mắt nhắm không khít, mất vị giác… sau khi đi ra ngoài dưới thời tiết lạnh. Bệnh nhân cho biết: "Tối hôm trước đó mình có đi chơi về lạnh, sáng hôm sau dậy thấy có biểu hiện bị lệch, mặt mình méo hẳn một bên, một bên không cảm nhận được. Khi đánh răng thì phát hiện ra".
Một bệnh nhân 42 tuổi khác, cũng do công việc thường xuyên phải làm ngoài trời nên những ngày gần đây thời tiết rét đậm, rét hại, anh đột nhiên bị liệt mặt gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Bệnh nhân cho biết chứng bệnh đột ngột gây ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, ăn uống. Đồng thời khi giao tiếp, nói không được như cũ.
Theo các bác sĩ, liệt mặt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Thế nhưng, một số người bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng tới thẩm mỹ và di chứng về sau.
PGS.TS Nguyễn Bá Quang cho biết thêm: Để chữa liệt dây thần kinh số 7 này thì cần xử trí ngay trong 15 ngày đầu. Càng để muộn càng khó chữa, nếu muộn quá có thể liệt mặt vĩnh viễn.
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh méo miệng, liệt mặt, khi thời tiết lạnh người dân nên chú ý cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là giữ ấm vùng mặt, vùng đầu. Ngay cả khi ở nhà cũng phải giữ ấm và phòng ngủ cũng không nên để gió lùa. Nếu có biểu hiện của bệnh, cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị các biện pháp dân gian như: chườm nóng, dán máu đuôi lươn… có thể gây hậu quả khôn lường.