Gia tăng đột quỵ ở người trẻ - Ảnh 1.

Cấp cứu thành công bệnh nhân đột quỵ 10 tuổi

Một bệnh nhi mới 10 tuổi, đang là học sinh lớp 5, đã bị đột quỵ và được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh nhân là một bé trai, sinh năm 2013, cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người bên phải, không nói được. Người nhà cho biết, khi đang chơi, bé kêu đau đầu, sau đó méo miệng. Các bác sĩ tiến hành chụp CT và xác định đây là trường hợp đột quỵ trẻ em rất hiếm gặp.

Sau khi hội chẩn khẩn với chuyên gia đột quỵ đầu ngành tại TP Hồ Chí Minh, bệnh viện quyết định điều trị cho bệnh nhi bằng thuốc đặc trị. May mắn, bệnh nhi đáp ứng điều trị, cải thiện nhanh và tập phục hồi chức năng tích cực. Sau gần 1 tháng, bệnh nhân đã được xuất viện, đi học trở lại.

Đây là thông tin được nhiều khán giả quan tâm trong những ngày qua, đặc biệt là các phụ huynh đang có con nhỏ. Bởi nhiều người vẫn cho rằng, đột quỵ chỉ gặp ở người cao tuổi, hoặc những người có bệnh lý tim mạch. Trường hợp này cũng đã được các bác sĩ đánh giá là hy hữu, hiếm gặp. Tuy nhiên trên thực tế, độ tuổi đột quỵ ở Việt Nam cũng đang ngày càng trẻ hóa.

Trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ

Gia tăng đột quỵ ở người trẻ - Ảnh 2.

Hiện có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18 - 50.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ, 50% trong số đó không thể qua khỏi. Hiện có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18 - 50. Đáng chú ý, tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc căn bệnh này đang tăng trung bình 2% mỗi năm. Những con số cho thấy tình trạng đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Cho rằng mình còn trẻ, bệnh nhân không ngờ bị đột quỵ khi mới 30 tuổi, dù trước đó sức khỏe hoàn toàn bình thường.

"Hay bị đau đầu, mình cứ nghĩ thức khuya bị thế thôi chứ không nghĩ bị đột quỵ. Chẳng bao giờ nghĩ tại vì nghĩ mình ít tuổi", bệnh nhân đột quỵ chia sẻ.

40 tuổi, tái mắc đột quỵ lần hai. Đáng nói, người nhà nam bệnh nhân thay vì đưa đến viện lại ở nhà, tự sơ cứu sai cách.

"Tìm hiểu trên mạng cách sơ cứu người bị tai biến, châm vào các đầu ngón tay rồi nặn máu ra mới cho đi viện", người nhà bệnh nhân cho biết.

"Dù chỉ bị tê bì nhẹ hoặc có yếu liệt nên đến bệnh viện sớm nhất trong 3 tiếng đầu tiên là giờ vàng của đột quỵ", bác sĩ Trần Đăng Huân, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho hay.

Ghi nhận tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi mắc đột quỵ đều tăng từ 20 - 25%, tăng gấp đôi so với những năm trước. 76% người bệnh nhập viện muộn sau 6 giờ khởi phát của bệnh, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết.

Mùa đông đang đến cũng là mùa tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ tăng cao, do đó, người dân cần rất chú ý trong việc sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe.