Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không phát hiện kịp thời, bệnh này cũng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.

Ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân sởi, rubella và tay chân miệng

Chiều 26/1, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn đã ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng và 6 trường hợp sốt phát ban.

Như vậy, lũy tích từ đầu năm ghi nhận 55 trường hợp tay chân miệng và 12 trường hợp sốt phát ban xảy ra. Đặc biệt, Hà Nội hiện cũng đã xuất hiện rải rác bệnh nhân mắc sởi. Theo cảnh báo của Sở Y tế, thời tiết đông - xuân là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sởi lây lan rộng. 

Hiện tại, thành phố Hà Nội đang triển khai công tác phòng chống dịch cũng như tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm đợt III vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 11 - 14 tuổi tại các trường THCS, đồng thời yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ đối tượng và tiền sử tiêm chủng trước đó nhằm tránh bỏ sót đối tượng cần tiêm.

Trong khi đó theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tại Công ty WANEK, khu công nghiệp Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã xuất hiện ổ dịch bệnh rubella với 29 trường hợp xét nghiệm dương tính.

Báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 2-23/1, tại Công ty WANEK đã ghi nhận 138 trường hợp nghi mắc bệnh rubella, trong đó đã có 29 trường hợp xét nghiệm dương tính với rubella.

Ngay sau khi ổ dịch rubella xảy ra, Viện Pasteur, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quyết liệt việc điều tra xác minh ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly bệnh nhân, triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Gia tăng thêm nhiều bệnh nhân bị bệnh sởi - rubella 1
Thời tiết mùa đông xuân là cơ hội cho nhiều dịch bệnh bùng phát, đặc biệt bệnh sởi - rubella. Ảnh minh họa

Bệnh rubella là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Bệnh có khả năng lây lan cao nên có thể gây dịch lớn, thường gặp vào mùa Đông-Xuân, trong điều kiện vệ sinh kém, nơi đông người.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với rubella đều có nguy cơ mắc bệnh, nhóm người có nguy cơ cao là trẻ em, thiếu niên và thanh niên.

Bệnh rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai do nhiễm rubella trong thời kỳ đầu khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Đặc biệt, trẻ sinh ra từ các bà mẹ mắc bệnh này có nguy cơ cao mắc hội chứng rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển… và có thể tử vong do hậu quả của hội chứng rubella bẩm sinh.

Hiện nay, vắcxin rubella chưa được đưa vào tiêm thường xuyên định kỳ trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, do đó tất cả những trường hợp chưa có miễn dịch hoặc chưa được tiêm chủng đều có nguy cơ mắc bệnh rubella.

Tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại các tỉnh biên giới của nước Lào, dịch sởi đang gia tăng. Ngoài ra, tại khu vực biên giới của Trung Quốc, bệnh sởi đã xuất hiện cách đây 3 năm và hiện nước này vẫn chưa hoàn toàn khống chế được. Còn tại Mỹ đã bùng phát dịch sởi tại khu du lịch Disneyland thuộc bang California với 68 trường hợp mắc sởi được ghi nhận từ đầu năm đến nay.

Biến chứng sởi – rubella đều nguy hiểm

Sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như tiêu chảy, viêm phổi, viêm não, mù lòa, suy dinh dưỡng, và trong một số trường hợp, tử vong. 

Biểu hiện bên ngoài của rubella gần giống sởi: sốt cao, nổi hạch, phát ban (từ mặt xuống đến ngực, tay, chân, khi xuống đến chân là ban ở mặt bắt đầu bay). Bệnh chỉ nguy hiểm với thai phụ vì dễ gây dị tật thai nhi như: tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển… và có thể tử vong do hậu quả của hội chứng rubella bẩm sinh. 

Trong số bệnh nhân mắc rubella vẫn có một tỷ lệ nhất định bị biến chứng. Ước tính cứ 10.000 ca mắc thì 1-3 ca biến chứng viêm não.

Để phòng bệnh sởi - rubella, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

Phòng bệnh đặc hiệu bằng tiêm vắcxin rubella đơn giá hoặc phối hợp vắcxin sởi - rubella, sởi - quai bị - rubella đầy đủ và đúng lịch; phụ nữ nên tiêm phòng trước khi có thai ít nhất ba tháng, khi đã mang thai thì không nên tiêm.

Bệnh rubella rất dễ lây, hạn chế tiếp xúc với các trường hợp nghi mắc bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng hàng ngày. Đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.