Gia tăng trẻ mắc tật khúc xạ sau thời gian học trực tuyến kéo dài - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Cháu nhà tôi học lớp 1, vừa quay trở lại trường học trực tiếp được 2 tuần đã có những biểu hiện nhìn mờ, thường xuyên bị mỏi mắt. Đo tật khúc xạ thì phát hiện cháu cận mỗi bên gần 2 độ, cần phải đeo kính để tránh nặng thêm, dù trước đó cháu chưa từng cận thị".

Đáng lo ngại, có những gia đình có 2 đến 3 con thì tất cả đều bị cận hoặc độ cận tăng đáng kể. Phần vì tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ, phần vì bố mẹ cũng lo ngại dịch bệnh mà suốt thời gian dài không đưa con đi kiểm tra mắt định kỳ.

Chị Nguyễn Thị Yên (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: "Nhà tôi cả 2 cháu đều gặp vấn đề về mắt. Một cháu thì bị cận loạn, một cháu cũng trong tình trạng cận và loạn bẩm sinh. Trước đây thì cháu chỉ loạn bẩm sinh, bây giờ lại thêm biểu hiện nữa là tăng độ cận".

Theo các bác sĩ, bên cạnh các bệnh về tật khúc xạ như cận thị, loạn thị hay viễn thị, nhiều trẻ còn ghi nhận mắc hội chứng thị giác màn hình. Hội chứng này liên quan đến việc sử dụng máy tính, thiết bị điện tử thường xuyên từ 2 tiếng trở lên mỗi ngày, tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh có bước sóng ngắn. Tuy nhiên, hội chứng ở trẻ em chủ yếu là tạm thời và sẽ dần được cải thiện khi trẻ đi học trực tiếp ở những không gian rộng và hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Nguyên, Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội cho biết: "Để bảo vệ đôi mắt của trẻ, chúng ta phải theo 3 nguyên tắc gồm bảo vệ mắt, chăm sóc mắt và thay đổi thói quen tư thế khi làm việc. Tốt nhất chúng ta sẽ sử dụng các thiết bị kỹ thuật số 1 cách hợp lý, về thời gian, khoảng cách và tư thế".

Các bác sĩ khuyến cáo: Phụ huynh nên thường xuyên quan sát việc học tập và sinh hoạt của con và nên đưa con đi khám mắt định kỳ, nhất là khi trẻ có những biểu hiện bất thường.