Theo BSCKI. Ngô Thanh Huế, Phó Trưởng Khoa Nhi, thời gian gần đây, khoa liên tục tiếp nhận nhiều ca bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản nhập viện. Chỉ tính riêng trong tháng 10, khoa điều trị cho gần 100 bệnh nhi nhiễm virus RSV trong đó có bệnh nhân nặng phải thở máy hoặc thở oxy.
Hiện tại, Khoa Nhi đang điều trị cho một trường hợp trẻ sơ sinh non tháng nhiễm virus RSV thở máy xâm nhập, 2 trường hợp thở oxy, 2 trẻ thở CPAP và khoảng 15 bệnh nhi đang điều trị viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Virus hợp bào hô hấp là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ như viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Bệnh hay gặp ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, trong đó trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Trẻ bị nhiễm virus RSV thường có những dấu hiệu khởi phát gồm: nghẹt mũi, sổ mũi, ho nhẹ và sốt. Các triệu chứng này thường sẽ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày và dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh. Ở giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng gồm ho, thở khò khè và thở gấp.
Nhóm trẻ dễ chuyển nặng khi nhiễm RSV gồm: Trẻ sơ sinh; trẻ sinh non; bệnh tim bẩm sinh; bệnh phổi mạn tính và suy giảm miễn dịch; bệnh xơ nang; hội chứng Down, bại não; thời điểm sinh gần với mùa RSV.
Để phòng bệnh, ngay từ khi mang thai, cần chăm sóc bà mẹ để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân và khỏe mạnh. Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi. Cho trẻ ăn dặm đúng phương pháp, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.
Giữ không gian sống và vui chơi của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát; không có khói, bụi, khói thuốc lá. Vệ sinh mũi họng thường xuyên; Tập cho trẻ thói quen vệ sinh tay bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch cho trẻ.
Trẻ mắc các bệnh đường hô hấp do virus RSV có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu nặng như: bỏ bú, ăn kém, thở nhanh rút lõm lồng ngực, tím tái, sốt cao, co giật… cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.