Thời điểm này, mặc dù Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã và đang dùng nhiều biện pháp giảm giá lợn hơi, nhưng giá thịt lợn bán tại các chợ và siêu thị vẫn đắt đỏ và cao.
Thậm chí có thời điểm giá heo trên thị trường tăng trở lại và dần lên mức cao hơn so với thời điểm chưa bị buộc giảm giá.
Sáng 8/5/2020, có mặt tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn các quận Hà Đông, khảo sát cho thấy giá thịt lợn tại các chợ Hà Đông, Văn Quán vẫn ở mức cao. Thịt nạc vai: 160 -180.000 đồng/kg, sườn non bỏ cục: 180 -200.000 đồng/kg, thịt sấn: 150.000 đồng/kg, mỡ: 100.000 đồng/kg, tim: 250.000 đồng/kg…
Theo đó, giá thịt lợn cao khiến giá cả của những mặt hàng thực phẩm có sử dụng thịt lợn làm nguyên liệu như mặt hàng giò lụa, giò thủ, chả mỡ cũng biến động không ngừng và liên tục nhảy múa.
Bác Nguyễn Thị Hạnh – một tiểu thương bán giò chả lâu năm ở chợ Hà Đông chia sẻ: "Do giá thịt lợn từ sau Tết đến giờ vẫn được găm cao nên kéo theo giá giò chả lần lượt phải tăng giá. Có thể nói, từ Tết Nguyên Đán đến nay, là người bán hàng, tôi cũng thấy chưa bao giờ giá giò chả lại ở mức cao chóng mặt như vậy".
Theo bác Hạnh cho biết, giá giò lụa tăng từ 130.000 đồng/kg nhảy lên mức 160-170.000 đồng/kg. Giá giò thủ tăng từ 150.000 đồng/kg tăng lên 180-200.000 đồng/kg. Giá chả mỡ tăng từ 110.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg.
"Là người bán, tôi cũng rất mệt mỏi khi phải tăng giá giò chả. Bởi người mua toàn kêu đắt, ít ăn giò chả hơn. Việc bán hàng hàng ngày gặp khó khăn và ế ẩm. Thế nhưng tôi vẫn buộc phải tăng thêm vài giá so với giá mặt bằng chung vì giá lợn từ Tết đến giờ vẫn quá cao", bác Hạnh than thở.
Theo bác Hạnh, hiện nay vì giá giò chả đắt đỏ nên chủ yếu hàng ngày khách chỉ mua theo khoanh, lạng để ăn ngay hoặc thắp hương. Rất ít người mua cả cây giò chả về hút chân không bỏ tủ ăn dần như trước. Mỗi ngày bác cũng chỉ bán được vài kg giò chả các loại.
"Thời điểm này người mua đi mua giò chả ăn rất ít. Nhiều khách vào hỏi giá nhưng không mua vì còn đắn đo. Họ so sánh giá giò chả năm ngoái với giá năm nay. Họ thắc mắc sao giá thịt lợn thấy bảo giảm rồi mà giá giò chả vẫn đắt đỏ thế?! Thực tế, nào giá thịt lợn đã giảm, vẫn cao ở mức kỷ lục", bác Hạnh nói.
Cũng theo tiểu thương này, cái khó khi chọn thịt làm nguyên liệu để làm giò chả hàng ngày bán nhất định phải dùng thịt tươi mới mổ, bỏ bì và lọc mỡ riêng. Chính bởi thế nên lượng thịt mua về làm giò chả bị hao hụt khá nhiều và tốn thịt tươi.
Bác Hạnh còn cho biết: "Thời điểm này, tại các siêu thị có bán thịt lợn nhập khẩu đông lạnh giá rẻ. Thế nhưng thịt lợn nhập khẩu lại không thích hợp để làm giò chả được do thành phẩm cuối cùng không ngon. Do không thể thay thế được nguyên liệu đầu vào bằng thịt đông lạnh, thịt lợn tươi lại găm giá cao nên người bán, người làm giò chả như chúng tôi chỉ còn cách tăng giá bán".
Thời gian gần đây, nhà chị Trần Thị Hạnh ở La Khê, Hà Đông cũng áp dụng chính sách tiết kiệm chi phí mua sắm thịt lợn và giò chả triệt để. Những ngày này, chị hay mua măng, gà, vịt, ngan từ quê lên để ăn vừa sạch sẽ vừa tiết kiệm chi tiêu.
"Mình ít mua thịt lợn và giò chả, bánh chưng ở ngoài hẳn. Chỉ thỉnh thoảng, ngày rằm, mùng 1 mình mới mua 1 khoanh giò thắp hương thôi. Còn muốn ăn giò thủ, mình cũng không mua như trước mà quyết định tự làm giò thủ tại nhà để rẻ hơn mua ngoài chợ, lại không lo hàn the, chất bảo quản. Mua ở chợ đắt mà vẫn không yên tâm. Hoặc thỉnh thoảng mình còn làm giò gà ăn cũng thơm ngon không kém", chị Hạnh nói.
Bà nội trợ ở La Khê này cũng tiết lộ, hiện mua giò chả đắt như vậy thì chị em nên tự làm giò chả tại nhà. Hoặc khi cần thì mua 1-2 khoanh: "Giò chả không để được lâu. Chỉ để được 3-4 ngày trong ngăn mát tủ lạnh. Vì thế khi mua, chị em cần mua 1-2 khoanh để ăn sớm giữ được hương vị tươi ngon. Hoặc nếu mua giò khoanh, nên chia thành nhiều bữa, giữ nguyên lá bọc ngoài, cho vào túi bóng, để trong ngăn mát ăn trong vài ngày. Khi muốn ăn, có thể lấy ra hấp qua nồi cơm, giò sẽ thơm ngon trở lại".