Ngày 19/12, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 9523/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nội dung "Chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi".

Báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu, từ tháng 6/2019 đến nay dịch đã có chiều hướng giảm mạnh; nhiều địa phương đã hết dịch (qua 30 ngày) và chưa có dịch tái phát, cơ bản bảo đảm các yêu cầu để tái đàn (một số địa phương như: Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,.... đã tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn có kết quả tốt).

Chính phủ chỉ đạo

Bộ Nông nghiệp đề nghị Uy ban nhân các tỉnh triển khai việc nuôi tái đàn lợn theo quy định hiện hành (Ảnh: nongnghiep)

Cũng trong ngày 19/12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) cũng đã có Công văn số 13/BCĐDTLCP gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tái đàn trong chăn nuôi lợn.

Theo đó, để bảo đảm tái đàn lợn và phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm và thủy sản để phục vụ tăng trưởng chung của ngành, cũng như bù đắp lượng thịt lợn bị thiếu, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp thực hiện một số nội dung sau:

- Triển khai việc nuôi tái đàn lợn theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP nhằm sớm góp phần bình ổn giá thịt lợn.

- Chỉ đạo, hướng dẫn việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học.

- Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương.

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo 3 nguyên tắc an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội.

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời nguồn cung, giá thực phẩm trên địa bàn, nhất là mặt hàng thịt lợn, tránh cho người dân hiểu không đầy đủ, những người sản xuất, kinh doanh thiếu trách nhiệm có thể lợi dụng trục lợi đầu cơ tăng giá.

- Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 của địa phương, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn tập trung tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Tình trạng thực phẩm leo thang (Ảnh internet)

Tình trạng thực phẩm leo thang (Ảnh internet)

Trước đó, ngày 18/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.

Theo văn bản, Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Cũng tại văn bản này, Phó Thủ tướng phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.