Giá thực phẩm 'bủa vây' người nghèo - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá.

Chị Nguyễn Thị Hương, 34 tuổi làm công nhân dệt may ở quận Bình Tân (TPHCM) cho biết, khoảng vài tháng trở lại đây, các loại thực phẩm như gạo, rau củ quả, thịt cá, trứng… đều tăng. “Rất nhiều thứ tôi mua hàng ngày đã tăng giá. Như trứng vịt hồi đầu năm chỉ 30.000 đồng/10 quả thì nay là 40.000 đồng. Còn rau xanh thì tăng nhưng khó nhận biết lắm. Trước một bó rau cần là 10.000 đồng, nay lên 12 – 15.000 đồng, bó rau thì nhỏ đi thấy rõ” - chị Hương kể. Cũng theo chị Hương, trước kia gia đình chị bỏ ra khoảng 1 triệu đồng là mua thực phẩm cho 4 người đủ ăn một tuần. “Tôi và chồng đều làm công nhân, buổi trưa ăn ở công ty. Hai cháu nhỏ đi học cũng ăn trưa ở trường. Chỉ chiều và sáng ăn ở nhà mà thôi. Tuy nhiên nay phải chi khoảng 1,5 triệu đồng mới đủ thức ăn cho cả tuần vì cái gì cũng tăng giá. Trong khi đó, lương công nhân lại không tăng, thậm chí mấy tháng gần đây còn bị giảm do công ty thiếu đơn hàng” - chị Hương chia sẻ thêm.

Không chỉ có các loại thực phẩm thiếu yếu đời sống hàng ngày tăng giá so với chừng 5-6 tháng trước. Các quán hàng ăn uống cũng đã tăng giá vì nhiều nguyên nhân khác nhau. “Hồi trước Tết ổ bánh mì thịt có 18.000 đồng, sau Tết lên 20.000 đồng rồi bây giờ là 22.000 đồng. Trong khi đó, quán cơm tấm tôi hay ăn cũng tăng giá. So với hồi đầu năm thì từ 25 lên 30.000 đồng/đĩa. Buổi trưa ăn cơm quán cũng tăng giá lên 30.000 đồng/suất. Trước chỉ 25.000 đồng thôi. Hỏi thì chủ quán nói gạo, thực phẩm và điện nước cũng tăng giá nên nếu không tăng quán sẽ không trụ nổi” - anh Phạm Văn Hùng, chủ thầu một công trình xây dựng ở huyện Hóc Môn chia sẻ.

Theo anh Hùng, việc tăng giá nhiều mặt hàng và đồ ăn hàng ngày khiến anh áp lực hơn. “Tôi làm ăn nhỏ lẻ, nhận công trình chủ yếu là xây nhà phần thô, trang trí, làm tôn, sửa nhà… Có 6, 7 anh em thợ làm phụ tính tiền lương theo ngày. Khi nào có công việc thì đi làm mới trả lương. Lương thì thoả thuận nhưng ăn uống phải đầy đủ bởi công nhân xây dựng rất vất vả, không ăn no không làm việc được. Mà giờ cái gì cũng tăng giá nên rất áp lực” - anh Hùng tâm sự.

Chị Trương Thị Hạnh, chủ một quán cơm bình dân ở đường Trường Sa (quận 3) cho biết, mấy tuần qua do giá gạo tăng nên quán ăn cũng tăng giá. “Quán cơm của tôi chủ yếu bán cho sinh viên, người lao động nghèo nên khách ăn thêm cơm cũng không lấy thêm tiền. Thời gian gần đây giá gạo tăng nên buộc phải tăng từ 3.000 tới 7.000 đồng mỗi suất cơm. Mỗi ngày tôi bán khoảng 100kg gạo, mà gạo tăng giá thêm 5.000-6.000 đồng/kg nên quán buộc phải tăng theo. Tôi bán cơm bình dân, chủ yếu người thu nhập bình thường ăn nên khi tăng giá suất cơm cũng đắn đo lắm. Nhưng không tăng giá mà để đĩa cơm hao hụt, khách ăn không đủ no thì cũng không được” - chị Hạnh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khoảng nửa năm qua, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như lúa gạo, xăng hay điện đã tăng giá khiến một số mặt hàng tiêu dùng khác cũng tăng theo. Ngoài ra, việc tăng giá lương cơ bản cũng khiến giá cả một số mặt hàng thiết yếu leo thang. Những nguyên nhân này khiến cho nhiều người lao động, công nhân có thu nhập chưa kịp tăng đã gặp khó trong đời sống hàng ngày.