" Không chỉ bất ngờ mà tôi thực sự choáng váng vì mức này gần bằng mức lương hàng tháng của cả hai vợ chồng tôi ", chị Thùy Linh (quê Nam Định, hiện đang làm công nhân may) nói.

Chị Linh cho hay, từ 2 năm nay, do ở quê ít việc nên vợ chồng chị lên Hà Nội và cùng làm công nhân cho một nhà máy may ở ngoại thành, với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng/người. Những hôm tăng ca hoặc nhiều việc, anh chị sẽ được hưởng thêm trợ cấp. Tính ra trung bình mỗi tháng, thu nhập của anh chị khoảng 20 triệu đồng.

Hiện gia đình anh chị đang thuê 1 căn nhà trọ 30m2 tại quận Thanh Xuân. Căn phòng có đủ đồ đạc cơ bản và 1 gác xép nhỏ, giá thuê mỗi tháng là 4 triệu đồng. Thời gian tới, vì muốn đón 2 con nhỏ lên ở cùng để tiện chăm sóc nên chị Linh dự định tìm nơi ở có diện tích rộng hơn, đồng thời chấp nhận làm thêm nghề tay trái là bán hàng online để tăng thu nhập, nhằm đủ trả tiền thuê nhà sẽ cao hơn. Và nhà ở xã hội đang được gia đình chị nhắm tới.

" Tôi biết giá thuê chung cư đang ngày càng đắt đỏ nên chúng tôi muốn chuyển hướng sang thuê nhà ở xã hội vì loại nhà này sẽ được trợ giá. Hiện tại, gia đình tôi đang khá chật vật để xoay xở chi tiêu, vì thế không thể chọn nơi quá đắt được. Dù chuyển sang chỗ ở rộng hơn nhưng tôi muốn giá thuê cũng chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Mức giá đó chúng tôi mới cố gánh được và tôi đã kỳ vọng giá thuê nhà ở xã hội sẽ đáp ứng được tiêu chí đó ", chị Linh chia sẻ.

Tuy nhiên, sau khi biết thông tin về đề xuất giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội và nhẩm tính có thể còn đắt hơn giá phòng trọ hiện nay, chị Linh rất ngỡ ngàng. " Để đủ không gian cho 4 người ở thì chúng tôi muốn thuê căn có diện tích 70 m2. Nhưng như vậy sẽ phải chi tới gần 14 triệu đồng, ngốn hết 1 tháng thu nhập của cả hai vợ chồng. Còn nếu chọn căn hẹp hơn, tầm 50m2 thì chúng tôi cũng mất gần 10 triệu đồng, vẫn quá đắt. Nếu mức giá này được thông qua thì chắc gia đình tôi cũng không đủ sức thuê nhà ở xã hội ", chị Linh than.

Giá thuê nhà ở xã hội Hà Nội gần bằng 1 tháng lương, người nghèo 'choáng váng' - Ảnh 1.

Nhiều người ngỡ ngàng trước giá thuê dự kiến của nhà ở xã hội tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Cũng theo chị Linh, chị đã tìm hiểu và được biết, thường thì những tòa nhà ở xã hội có chiều cao trên 30 tầng tuy chi phí cao hơn nhưng thường có chất lượng, được trang bị nhiều nội thất, do chủ đầu tư chịu bỏ vốn lớn để xây dựng. Ngược lại, những tòa nhà thấp tầng hơn thì thường được đầu tư ít vốn hơn nên chất lượng không bằng, lại dễ xa trung tâm, cơ sở vật chất kém hơn.

" Nếu đã thuê nhà xã hội thì phải chọn dự án chất lượng tốt mới có thể ở lâu dài được. Còn nếu không thì tôi thà chọn thuê nhà ở thương mại, vừa trong nội đô thuận tiện, vừa được trang bị full nội thất ", chị Linh so sánh.

Cũng trong hoàn cảnh phải thuê nhà, chị Nguyễn Minh Hồng - công nhân làm việc tại một khu công nghiệp ở huyện Gia Lâm - cho biết đã phải trải qua nhiều lần chuyển nhà vì giá tăng liên tục.

Trước đây, cả gia đình 5 người nhà chị Hồng thuê 1 phòng rộng 50m2 trong 1 căn chung cư mini với giá 4,5 triệu đồng/tháng. Gần đây, chủ nhà đòi tăng giá lên 6 triệu đồng/tháng nên chị đành phải chuyển sang thuê 2 phòng trọ nhỏ với giá 2,5 triệu đồng/tháng/phòng.

Tôi chấp nhận phải thuê 2 phòng vì nếu ở chung cư mini 50m2, giá thuê cũng phải 6 - 7 triệu đồng/tháng. Còn phòng trọ tuy giá rẻ nhưng không có nhiều căn diện tích lớn. Tiền phòng tăng thêm 500.000 đồng/tháng cũng đã là một khoản khiến chi phí của gia đình bị hụt thêm ”, chị Hồng nói.

Chị cho biết, mức lương công nhân của chị mỗi tháng chỉ được khoảng 8 triệu đồng. Chồng chị làm nghề tự do, công việc không ổn định nên tổng thu nhập trong tháng của anh không khi nào vượt quá 15 triệu đồng.

Với tổng số tiền trên, anh chị phải xoay xở, tiết kiệm hết mức có thể mới đủ để trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học. Anh chị không dám nghĩ đến mua nhà tại khu vực này mà chỉ mong được thuê với mức giá hợp lý. Được nghe giới thiệu về nhà ở xã hội thường có mức giá ổn định, không lên xuống thất thường nên anh chị đặt nhiều kỳ vọng.

Nhưng khi nghe thông tin về mức giá thuê vừa được đề xuất, chị Hồng buồn rầu nói: " Giá thuê trên dưới 10 triệu đồng/tháng thì vợ chồng tôi không thể thuê được. Giờ có 5 triệu đồng mà tháng nào tôi cũng phải đau đầu cân đối chi tiêu với số tiền lương ít ỏi còn lại rồi ".

Chị Hồng nêu quan điểm, với mức giá này thì phải là người có thu nhập từ khoảng 30 triệu đồng/tháng thì mới không lo hụt quỹ chi tiêu. " Những người thu nhập thấp như tôi làm sao có thể gánh nổi tiền nhà cao như thế. Thử tính những khoản chi cơ bản tại Hà Nội thì biết, ở đây cái gì cũng đắt đỏ. Tiền học của 3 đứa con nhà tôi cơ bản cũng phải 6 - 7 triệu đồng/tháng, chưa kể học thêm. Tiền ăn và sinh hoạt của 5 người cũng phải chi đến 10 triệu đồng/tháng. Số dư vài triệu đồng còn lại chắc vừa đủ trả tiền thuê nhà, đắt hơn chút là chúng tôi rất khó xoay xở, co kéo ", chị dẫn chứng.

Giá thuê nhà ở xã hội Hà Nội gần bằng 1 tháng lương, người nghèo 'choáng váng' - Ảnh 2.

Nhiều người lao động có thu nhập thấp không đủ sức mua nhà xã hội ở Hà Nội. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức giá thuê nhà như dự thảo đề xuất là quá cao so với thu nhập ít ỏi của người lao động - cũng là những người cần thuê nhà ở xã hội nhất.

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi phân tích, theo khảo sát, với thu nhập bình quân đầu người là 6,869 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm có thể đạt khoảng 13,738 triệu đồng/tháng.

Theo nguyên tắc tài chính, chi phí nhà ở nên chiếm tối đa 30% tổng thu nhập, tức là khoảng 4,1 triệu đồng/tháng, để các hộ gia đình có thể duy trì các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu khác. Nhưng với mức giá thuê nhà ở xã hội hiện tại, chi phí này đã chiếm hơn 100% thu nhập của một cá nhân và gần 50% của một gia đình có hai người lao động.

" Điều này có nghĩa là, ngay cả những gia đình có thu nhập tương đối ổn định vẫn phải chi trả một khoản quá lớn cho thuê nhà ở xã hội. Đối với nhóm thu nhập thấp hoặc trung bình, chi phí nhà ở này đang là một trở ngại lớn để có thể ổn định cuộc sống. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết hiện nay là tạo ra các giải pháp để giá thuê nhà phù hợp hơn với thu nhập của đa số người lao động ", ông Huy nói.

Ông Huy đề xuất, nên xây dựng các tòa nhà từ 5-10 tầng và không yêu cầu hệ thống kỹ thuật phức tạp. Không nên xây dựng các khu vực ngầm như bãi đỗ xe vì có chi phí xây dựng và bảo trì cao, thay vào đó tận dụng các khu vực trên mặt đất. Việc này giảm bớt chi phí xây dựng cũng như bảo trì, giúp mức giá thuê giảm xuống mà vẫn đảm bảo an toàn và tiện ích cơ bản.

Hoặc ứng dụng công nghệ xây dựng mô-đun và lắp ghép giúp giảm thiểu chi phí và thời gian xây dựng. Các mô-đun được sản xuất trước và lắp ráp nhanh chóng, không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn giảm lãng phí nguyên vật liệu. Giải pháp này đã được nhiều quốc gia áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong xây dựng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, sử dụng các nội thất đa năng như: giường gấp, tủ tích hợp hay bàn xếp, có thể tạo ra không gian linh hoạt cho người thuê nhà. Điều này không chỉ giảm chi phí mua sắm nội thất mà còn tiết kiệm không gian, phù hợp với những căn hộ nhỏ, mang lại sự tiện lợi và cảm giác sống thoải mái hơn cho người dân thu nhập thấp.

Ngoài ra, Nhà nước có thể cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, miễn giảm thuế, hoặc hỗ trợ cung cấp đất giá rẻ. Những ưu đãi này giúp các nhà đầu tư giảm bớt gánh nặng tài chính và có thể đưa ra mức giá thuê hợp lý hơn cho người dân.

" Các giải pháp đề xuất không chỉ nhắm đến việc giảm giá thuê mà còn hướng tới chất lượng sống cho người dân. Sự kết hợp giữa thiết kế thông minh, công nghệ xây dựng hiện đại và chính sách hỗ trợ từ chính quyền sẽ giúp hiện thực hóa một tương lai mà mỗi người dân lao động có thể tiếp cận được nhà ở ổn định, bền vững và phù hợp với khả năng chi trả ", ông Huy chia sẻ.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo khung giá cho thuê nhà ở xã hội do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã bỏ vốn đầu tư. Khung giá này tính theo m2 sàn sử dụng và thay đổi theo số tầng của tòa nhà.

Theo đó, mức cao nhất áp dụng cho tòa nhà cao trên 30 tầng với giá thuê 198.000 đồng một m2 sàn sử dụng một tháng. Nếu chiếu theo Nghị định 100 quy định tiêu chuẩn diện tích sàn sử dụng mỗi căn nhà xã hội trong dự án tối đa 70 m2, tối thiểu 25 m2 thì giá thuê nhà xã hội cao nhất áp dụng với căn 70 m2 trong tòa nhà trên 30 tầng lên đến 13,9 triệu đồng/căn.

Mức thấp nhất thuộc về tòa nhà dưới 10 tầng với giá cho thuê tối thiểu 48.000 đồng một m2 sàn, tương đương căn hộ 25m2 có giá thuê 1,2 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, với toà nhà cao từ 11-20 tầng có giá thuê nhà 49.000 - 98.000 đồng/m2/tháng.

Dự thảo nêu mức giá thuê chưa gồm thuế giá trị gia tăng; chi phí bảo trì công trình; giá dịch vụ quản lý vận hành; chi phí mua sắm trang thiết bị nội thất; bảo hiểm cháy nổ; phí trông giữ xe; dịch vụ điện nước, truyền hình.