Tháng 10 đã bước sang tuần cuối cùng, lúc này ấy mà, chắc không ít người đang trong cảnh thoi thóp chờ lương rồi. Vậy mà sáng mở mắt ra, lướt Facebook, TikTok đã thấy toàn những thông tin choáng váng “giá vàng SJC lên 85-88 triệu đồng/lượng”. Đọc xong mà tỉnh cả người.
Buồn của dân văn phòng: “Đi làm cả tháng, tiền lương không đủ mua 1 chỉ vàng”
Trước đây, khi giá vàng vẫn còn ở mức 53-55 triệu đồng/lượng (5,3 - 5,5 triệu đồng/chỉ), hoặc thấp hơn, Hoàng Trang (26 tuổi, Hà Nội) vẫn cố gắng tích góp, để dành tiền, khoảng 3 tháng, cô sẽ mua được 1 chỉ. Còn 2 năm trở lại đây, khi giá vàng lên tới đầu 7 đầu 8, mục tiêu tích tiền mua vàng của Hoàng Trang đã trôi vào dĩ vãng.
“Ngoài công việc giờ hành chính, mình còn làm thêm 1 công việc freelance, tổng thu nhập cả tháng khá lắm mới được 12-13 triệu, mà giờ giá vàng lên tới cỡ này, chắc phải tích gần nửa năm mới đủ tiền mua 1 chỉ, thực sự là thấy nản. Giờ còn sắp Tết rồi, đủ thứ phải lo, cũng chẳng dư dả mà mua vàng bây giờ” - Hoàng Trang thở dài.
Chung tình cảnh với Hoàng Trang là Hồng Ngọc (29 tuổi, Hà Nội). Dù thu nhập có phần khá khẩm hơn, nhưng khoảng 1 năm nay, Hồng Ngọc cũng không còn mua vàng nữa, dù trước đó, cô mua khá đều đặn.
“Mình thấy nhiều người cứ bảo là nếu đã mua vàng tích sản thì nên mua đều hàng tháng, rồi là mua có 1-2 chỉ thì giá vàng tăng cũng chẳng ảnh hưởng nhiều. Chắc họ giàu lắm nên mới nói được vậy. Giờ 1 chỉ là 8,5 triệu; 2 chỉ là 17 triệu rồi - hơn cả 1 tháng lương của nhiều người. Còn trước đây, như đợt đầu năm 2022 thì 1 chỉ có 4-5 triệu thôi, cố thì cũng vẫn mua được.
Nói chung là mua vàng tích sản thì ai chẳng muốn, nhưng giá vàng tăng tới đầu 8 rồi thì cũng xin là chịu” - Hồng Ngọc chia sẻ.
Giá vàng tăng mỗi ngày, nhưng câu chuyện này vẫn chưa bao giờ là chủ đề hết hot. Từ người lương cao đến người lương “chưa cao lắm”, từ người vẫn duy trì thói quen mua vàng hàng tháng đến người chỉ hóng giá cho biết, ai ai cũng phải thở dài. Người trẻ nói chung thường mua vàng với mục đích tích sản, có dư thì mua, không thì thôi, cũng không ảnh hưởng gì; nhưng với thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta, giá vàng tăng kéo theo một nỗi nóng lòng không tả nổi.
Cô Thúy (56 tuổi, Hà Nội) cho biết: “May là cô đã tích vàng từ xưa, đủ vàng để cho con dâu rồi. Giờ mà con trai cô lấy vợ thì cô có sẵn 5 cây vàng cho vợ chồng nó, chứ tầm này mới lật đật đi mua vàng để cho con cưới vợ thì móm mất” .
Chuyên gia nhận định: Vàng không phải là “cuộc chơi” cho người mới!
Anh Gerard Do - Người quản lý hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, đồng thời là tác giả cuốn sách Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư, cho rằng: Vàng không phải là kênh đầu tư, cũng không phải là kênh đầu cơ tốt trong ngắn hạn.
“Đầu tư là việc bạn bỏ ra một số vốn và đặt kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, khi giá trị khoản đầu tư của mình tăng trưởng theo tốc độ phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Còn vàng là thứ bạn mua khi nền kinh tế gặp bất ổn và bạn lo sợ tài sản của mình có thể sẽ mất giá.
Một bên là đầu tư với kỳ vọng tăng trưởng tiền vốn, một bên là chuyển đổi tài sản để bảo toàn giá trị. Đây là hai đặc tính để phân biệt kênh trú ẩn và kênh đầu tư.
Nếu bạn có một khoản tiền và đang không biết làm gì với nó, bạn có thể mua vàng và quên nó đi, nghĩa là bạn giữ vàng qua nhiều đợt biến động thì tài sản của bạn vẫn còn nguyên, bảo toàn được giá trị.
Nhưng nếu bạn mua vàng với tư duy đợi giá vàng lên rồi đem bán, tôi cho rằng đây là suy nghĩ rất tai hại, vì không có thị trường nào bền vững đi lên mà không đi xuống, đặc biệt là giá vàng đã tăng quá cao dạo gần đây càng làm cho thị trường này rủi ro hơn với các khoản đầu cơ ngắn hạn” - Anh Gerard Do khẳng định.
Sau đó, anh cũng chia sẻ quan điểm cá nhân rằng với F0 - Những người chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư, chứng chỉ quỹ mới là kênh đầu tư lý tưởng, ít rủi ro nhất, chứ không phải là vàng.
“Bạn có thể hiểu đơn giản rằng chứng chỉ quỹ giống như một cái rổ, trong đó có chứa các mã cổ phiếu nhất định, được chọn lọc bởi các nhà quản lý chứng chỉ quỹ. Ưu điểm của đầu tư chứng chỉ quỹ là bạn không cần dành thời gian tìm hiểu, chọn lọc cổ phiếu cho danh mục đầu tư của mình.
Tuy nhiên, có một điều quan trọng mà bạn cần tìm hiểu kỹ là chứng chỉ quỹ bạn muốn đầu tư, hoặc được mời đầu tư có những công ty nào trong đó, thuộc ngành nào - chứng khoán, BĐS hay tài chính,...” - Anh Gerard Do khuyên bạn nên hỏi thẳng những điều này với người đang bán chứng chỉ quỹ cho bạn, trước khi chốt mua.
Việc đầu tư chứng chỉ quỹ cũng giống như việc mua vàng, mỗi tháng, bạn dành một ít vốn và mua đều hàng tháng trong tối thiểu 1 năm. Nếu làm được như vậy, anh Gerard Do khẳng định thành quả mà bạn gặt hái được sẽ rất lạc quan.