Tình hình giá vàng tăng liên tục đang lúc mùa cưới khiến nhiều người e ngại, chính vì trao tặng vàng luôn là một nét văn hóa trong truyền thống cưới hỏi của người Việt. Trong đám cưới, sính lễ nhà trai mang qua xin cưới vợ, của hồi môn nhà gái chuẩn bị cho con đi lấy chồng, quà mừng của người thân bạn bè, nhẫn cưới… đều sẽ có vàng.
Thông qua việc trao vàng cưới, mọi người cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ cuộc sống sung túc, hỗ trợ họ ít vốn để xây dựng gia đình. Tuy nhiên, tình huống buộc phải mua vàng trong thời điểm giá thành không tốt đôi khi khiến ngày vui có chút miễn cưỡng.
Theo thông tin mới nhất, giá vàng đồng loạt tăng mạnh. Trong nước, giá vàng miếng SJC chạm mốc 73,1 triệu đồng/lượng bán ra, giá mua vào cũng tăng lên mức 72,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn SJC tăng lập kỷ lục mới, mua vào 60,65 triệu đồng/lượng và bán ra 61,75 triệu đồng/lượng.
Tiết chế vàng cưới để bớt áp lực
Bạn Uyên Nhi (26 tuổi, TPHCM) sẽ tổ chức đám cưới sau Tết, chia sẻ: “Vì không muốn thời điểm cận ngày cưới bị nặng quá nhiều khoản chi phí, chúng mình lên kế hoạch thực hiện sớm lần lượt từng hạng mục, vì vậy sẽ đặt nhẫn cưới trước khoảng 3 tháng. Tuy nhiên hiện tại giá vàng khá cao, mình đành đợi thêm khoảng 2 tuần - 1 tháng mới sắm. Hiện tại ngoài kế hoạch bị thay đổi thì chưa có ảnh hưởng gì nhiều, nhưng mình khá lo lắng nếu cứ kéo dài tình hình này thì các trang sức cần có trong lễ cưới sẽ bị tiết chế lại.”
Hương Thủy (27 tuổi, Hà Nội) cho biết cô làm đám cưới vào thời điểm đầu năm 2022, khi đó giá vàng cũng trong thời điểm tăng khá mạnh. Tuy nhiên vì là con gái đi lấy chồng nên bố mẹ cũng chuẩn bị các bộ trang sức vàng làm của hồi môn, ngoài ra nhận được 2 chỉ vàng từ ông bà.
“Lúc đó thấy giá cũng cao mà không chuẩn bị trước nên bố mẹ mình cũng chỉ mua vừa đủ gọi là có quà lên trao trong đám cưới. Còn lại, bố mẹ mình cũng tặng riêng tiền mặt và một số quà khác để chi phí không bị quá áp lực. Tuy nhiên, hội bạn thân của mình khi đó cũng tặng nhẫn vàng, góp chung với nhau 1 chỉ vàng để tặng nên với mình khi đó thấy cũng vui sướng lắm. Vì thời điểm đó giá cũng tăng mà, được nhận như vậy là cô dâu quá hời rồi, có vốn làm ăn”, Hương Thủy chia sẻ.
Tới năm nay, một người bạn thân trong nhóm của Hương Thủy cưới nên cũng phải “có qua có lại”.
Cô bày hài hước bày tỏ: “So với năm mình cưới thì giá vàng đợt này đúng là có nhỉnh hơn. Mà mình cũng “khởi nghiệp thành công” rồi thì giờ cũng tới lúc cho bạn bè thơm lây thôi. Hai vợ chồng mình cũng ráng mua trong thời điểm này để mừng cho bạn. Và cũng không quên nhắn nhủ: ‘Giá vàng đang cao đấy, sau đừng quên sinh nhật con của tôi nhé bạn’”.
Quy vàng ra tiền, kẻ buồn người vui
Không được trọn vẹn như bạn của Hương Thuỷ, Mai Phương (29 tuổi) đang khá buồn vì tổ chức lễ cưới đúng thời điểm này.
“Chỗ của mình không cần biết điều kiện ra sao nhưng tổ chức đám cưới đều cũng phải có màn trao vàng. Trước khi mình cưới, họ hàng cũng hứa hẹn nhiều lắm, mỗi người mừng cây vàng vì cháu gái đi lấy chồng. Thế nhưng đúng dịp này, vì giá tăng cao quá nên mọi người lại “quay xe”, nói quy ra tiền mặt bởi cũng sợ trao trang sức lỡ làm mất”, Mai Phương chia sẻ.
Cô cũng cho biết thêm, không phải bản thân so đo nhiều ít nhưng ngày trọng đại, cũng muốn được nhận vàng để bằng bạn, bằng bè và cũng vui hơn khi về nhà chồng.
Ngược lại, anh Nguyễn Tiến Tường (37 tuổi, Ninh Thuận) tiết lộ rằng gia đình đã chuẩn bị đầy đủ vàng cưới từ trước nên không lâm vào tình thế buộc phải sắm sửa sính lễ. Anh nói: “Tranh thủ gần đây giá vàng tăng mình sẽ bán ra một ít để lấy trả cho các chi phí khác như xe đưa rước, thuê áo dài phù dâu phù rể… cho đám cưới vào đầu tháng 12 này.”