Môi trường công sở vốn dĩ căng thẳng và nhiều áp lực nên những phút giây thư giãn để giải toả bớt mệt nhọc là điều vô cùng cần thiết. Vì lẽ đó, ở nhiều văn phòng, sếp luôn tạo điều kiện để nhân viên có thể thoải mái nhất có thể. Tuy nhiên, về bản chất, công sở vẫn là nơi để làm việc và dù có đùa giỡn thì việc đi quá giới hạn là chẳng hay một chút nào.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một vài trường hợp, việc đùa giỡn không đúng lúc và cũng chẳng đúng người khiến khổ chủ lâm vào tình trạng hối hận chẳng kịp. Đơn cử, vừa mới đây, một diễn đàn được đông đảo bạn trẻ quan tâm theo dõi trên mạng xã hội đã có dịp chia sẻ câu chuyện đáng tiếc của một nam nhân viên khi trót bông đùa không đúng thời điểm với sếp của mình:
"ĐI LÀM PHẢI BIẾT CÁI GÌ ĐÙA ĐƯỢC, CÁI GÌ KHÔNG"
Theo đó, thanh niên này đã bày ra trò giả vờ xin nghỉ việc đột ngột để xem phản ứng của Sếp như thế nào. Vừa thấy Sếp đang ngồi uống nước, thanh niên liền cầm tờ đơn xin nghỉ việc tới và nói: "Anh ơi, em có chút việc muốn nói chuyện với anh. Em trả lại anh phù hiệu anh đưa cho em và muốn xin anh cho em nghỉ việc".
Anh Sếp nghe xong không thèm hỏi han nguyên do, lập tức cầm bút kí thẳng vào đơn xin nghỉ việc của thanh niên khiến cậu chàng tái mặt: "Anh ký nhanh thế?".
Sếp đáp: "Anh đang bận lắm, để anh gọi điện cho kế toán báo họ xử lý".
Thanh niên vẫn bỡ ngỡ: "Anh ơi, em nghỉ việc thì anh phải hỏi lý do vì sao chứ. Sao anh lại ký một phát luôn thế này?Như thế này có nhanh quá không? Ít ra em cũng cống hiến cho anh hơn một năm nay. Anh phải hỏi em nguyện vọng, vì sao chứ".
Sếp lạnh lùng: "Hỏi han gì, anh bận lắm. Anh làm việc quyết đoán, nhanh gọn lắm. Em thích làm anh nhận em vào làm, giờ em thích nghỉ thì anh cho em nghỉ luôn. Em cầm phù hiệu này lên cho kế toán họ tính lương luôn cho. Em trả thẻ rồi làm bàn giao luôn đi".
Vừa nói, anh Sếp vừa gọi cho kế toán: "Thằng C. nó xin nghỉ việc rồi. Em đóng mail nó lại rồi xử lý trường hợp của nó ngay trong hôm nay luôn đi".
Lúc này, thanh niên mới bắt đầu buồn bã và thú nhận: "Cái này em đùa anh, làm clip cho vui thôi, sao anh lại ký thật như thế. Em không muốn nghỉ việc".
Đúng lúc đó, nhân viên kế toán đi xuống và hỏi vì sao Sếp lại cho anh này nghỉ việc. Anh nói: "Làm việc với anh rất thoải mái, cần gì anh đáp ứng. Thích nghỉ anh cho nghỉ. Ở đây không có đùa, làm việc là làm việc, chơi là chơi".
Vậy đấy, trong thời buổi mạng xã hội ngập tràn những video nhảm, mang nội dung troll này troll nọ, nhiều thanh niên bất chấp làm mọi thứ không cần biết đúng sai để kiếm view Youtube. Ranh giới giữa đùa cợt vui vẻ và thiếu nghiêm túc rất dễ bị vượt qua, có những thứ đáng lẽ không nên đùa thì họ lại cho đấy là độc đáo, dám nghĩ, dám làm.
Câu chuyện trên, tất nhiên cũng rất có thể chỉ là dàn dựng nhưng cũng đã phần nào đó, cho các Youtuber trẻ 1 bài học để có nhìn nhận đúng đắn, mang đến những nội dung bổ ích và có ý nghĩa hơn trên mạng xã hội.
Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Rất nhiều ý kiến bày tỏ thái độ trách móc cho sự quá trớn của chàng nhân viên văn phòng trong câu chuyện nói trên:
“Đáng đời cho những thành phần cứ nghĩ mình là người quan trọng. Người ta có thể tuyển được 1 người ý thức tốt, chuyên môn bình thường chứ không ai thích tuyển cậu ông trời đâu ạ”.
“Do trình độ cả thôi, nếu cống hiến nhiều mà trình độ vẫn làng nhàng thì cũng chẳng cần níu kéo làm gì cho mệt óc. Nhân sự không thiếu nên đừng nghĩ mình quan trọng”.
“Làm 1 năm là biết ngay năng lực chứ gì. Ký roẹt cái là xong chứng tỏ năng lực cũng không nhiều mà thành phần này nếu cho nghỉ cũng chả ảnh hưởng đến công việc chung”.
Qua đó mới thấy, đùa vui để mang lại không khí thoải mái, tiếng cười vui vẻ về cơ bản là một hành động đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, như chúng ta vẫn thường hay nói với nhau: “Vui thôi đừng vui quá”; niềm vui cần được tạo ra với đúng người và hợp hoàn cảnh mới có thể mang đến hiệu quả cao nhất chứ đừng nên như anh chàng trong câu chuyện kể trên bởi cái kết nhận được có vẻ quá đắng.