Theo ghi nhận, tính đến đầu chiều 9/3, trên thị trường thế giới giá dầu Brent được giao dịch khoảng 130 USD thùng, dầu WTI 125.9 USD/thùng (tăng khoảng 30 USD/thùng so với ngày 1/3).
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương đến ngày 8/3, giá bán lẻ tại Singapore xăng RON 92 có giá gần 150 USD/thùng (tăng 36 USD/thùng so với ngày 1/3); Xăng 95 có giá 144.8 USD/thùng (tăng 28 USD/thùng), dầu hỏa 147,7 USD/thùng (tăng 34,5 USD/thùng); dầu Diesel 157,6 USD thùng (tăng 40 USD/thùng), mazut 700 USD/tấn (tăng 145 USD/tấn).
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine hiện nay, giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng cao.
Theo ông Long, hiện, nguồn cung trên thị trường đã bị ảnh hưởng sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với ngành năng lượng của Nga. Do đó, giá xăng trong nước dự báo tiếp tục tăng mạnh. Trong thời gian tới, mốc 30.000 nghìn đồng/lít trong nước là điều có thể xảy ra.
Ông Bùi Xuân Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), cho rằng, giá dầu thô thế giới đang tăng chóng mặt, từ 24-34% trong gần 10 ngày qua. Trong khi cơ quan điều hành vẫn điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần nên nhiều doanh nghiệp đang phải gồng lỗ 1.000-2.000 đồng/lít, thậm chí phải bù thêm nhiều chi phí vận chuyển, mặt bằng, lương nhân viên...
“Chính vì vậy, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 11/3, giá xăng sẽ tăng rất mạnh, trong đó giá xăng phải tăng hơn 2.000 đồng/lít, giá dầu tăng trên 1.000 đồng/lít", ông Vũ nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội tính toán, giá xăng dầu có thể tăng mạnh ở mức từ 3.000-4.000 đồng/lít. Mức tăng có thể giảm trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính sử dụng quỹ Bình ổn giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ Bình ổn giá cạn kiệt, mức chi "không thấm vào đâu" so với giá tăng.
Trước tình hình giá xăng dầu tăng mạnh, Bộ Tài chính vừa đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng (trừ etanol), giảm 500 đồng/lít/kg đối với dầu diesel, dầu hỏa, mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, dù mức giảm này còn “nhỏ giọt” so với phần thuế trong cơ cấu giá thành xăng dầu. Song trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đây cũng là nỗ lực của các bộ, ngành.
Ông Long cho rằng, dư địa giảm thuế môi trường và thuế nhập khẩu xăng dầu hiện vẫn còn. Nhưng, để tiếp tục giảm, Bộ Tài chính cần rà soát và cân đối lại nguồn thu, xem những lĩnh vực nào còn tiềm năng mà chưa khai thác hết có thể tận dụng để bù đắp phần thiếu hụt từ xăng dầu.
Giá dầu thế giới những ngày qua tiếp tục tăng mạnh do ảnh hưởng từ căng thẳng chính trị giữa Nga – Ukraine. Thậm chí, trong phiên giao dịch sáng 7/3, giá dầu Brent có thời điểm tăng lên tới 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Còn giá dầu WTI có lúc tăng vọt lên mức 130,5 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2008.
Sau khi Tổng thống Mỹ thông báo lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga gồm dầu, than đá, và khí thiên nhiên hóa lỏng, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục neo ở mức cao.