Thông thường, các chuyên gia y khoa khuyến khích mỗi người trưởng thành ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Tuy vậy, nếu bạn đã dành đủ thời gian cho mỗi giấc ngủ mà vẫn cảm thấy mệt mỏi thì có thể cơ thể bạn đã gặp những vấn đề nghiêm trọng. Dưới đây là một trong số những rắc rối đó mà giấc ngủ đang cố thông báo cho bạn:

Ngáy

Ngáy là một vấn đề phổ biến của hệ hô hấp khi luồng không khí lưu thông giữa môi trường bên ngoài và phổi bị cản trở bởi các mô khoang mũi. Theo thống kê của các chuyên gia y khoa, có đến một nửa số người trưởng thành ngáy mỗi đêm. Tuy vậy, không nhiều người nhận biết được hiện tượng này bởi giấc ngủ của họ không bị gián đoạn. Dược sĩ Christopher Winter, trưởng khoa Thần kinh học tại Viện nghiên cứu Charlottesville Virginia (Mỹ) cho hay, nếu bạn không cảm nhận được khác biệt trong khi ngủ thì ngáy không phải vấn đề với sức khỏe của bạn.

giac ngu canh bao suc khoe
Nếu bạn đã dành đủ thời gian cho mỗi giấc ngủ mà vẫn cảm thấy mệt mỏi thì có thể cơ thể bạn đã gặp những vấn đề nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: Internet)

Mọi chuyện chỉ tồi tệ khi những cơn ngáy cản trở quá trình hô hấp khiến bạn thức dậy nhiều lần ban đêm. Hiện tượng này được mang tên chứng ngạt thở và thường để lại những rối loạn mãn tính cho người mắc. Tiến sĩ Winter cho biết: "Chính vì việc bị đánh thức nhiều lần bởi rối loạn hô hấp, giấc ngủ của bạn sẽ không sâu mà chập chờn, giảm khả năng hồi sức cho cơ thể. Bạn sẽ mệt mỏi và cảm thấy buồn ngủ cả ngày dù đêm hôm trước đã dành nhiều thời gian cho giấc ngủ. Để cải thiện tình trạng này, người mắc chứng ngáy có thể áp dụng biện pháp đặt ống thở hoặc tiến hành phẫu thuật nhằm mở rộng đường lưu thông cho không khí vào phổi, giúp giấc ngủ trọn vẹn hơn".

Barbara Suacen, bác sĩ kiêm nhà trị liệu tại Viện Y khoa Trung ương thành phố Brusel (Bỉ) cho biết, bạn cũng có thể hạn chế ngáy bằng cách thay đổi tư thế khi ngủ. Tránh việc nằm thẳng thay vào đó là nằm nghiêng sẽ giúp quá trình hô hấp của bạn thuận lợi hơn. Ngoài ra, giảm cân cũng mang lại hiệu quả rõ rệt trong điều trị ngáy khi góp phần giảm lượng mô mềm tại vùng cổ và họng. 

Mất ngủ

Tỉnh dậy vào nửa đêm sẽ không ảnh hưởng gì tới sức khỏe bạn nếu hiện tượng này diễn ra với tần số thấp. Rắc rối thật sự bắt đầu khi những lần thức giấc của bạn kéo dài và lặp lại hàng tối. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân của chúng. Một trong số những nhân tố cần xem xét có thể kể đến như:

Cafein: Cafein có khả năng giữ cho tinh thần bạn tỉnh táo, giúp công việc đạt hiệu quả cao. Tuy vậy, sử dụng cà phê vào tối muộn sẽ gây ra những rắc rối cho giấc ngủ của bạn. Colin Wall, nhà dược sĩ học tại Học viện Dược phẩm và Sức khỏe con người tại Pháp cho biết: Với khả năng “công hiệu” lên tới 6 giờ, cà phê nên được sử dụng trước 5 giờ chiều để đảm bảo giấc ngủ không bị ảnh hưởng. Nếu có thể, hãy giảm lượng cà phê tiêu thụ để tránh các tác động xấu tới cơ thể.

Đồ uống có cồn: Duale Bunga, Nhà nghiên cứu hóa chất tại Trung tâm Y khoa Schotlas tại Nga cho hay, không chỉ khiến cơ thể rơi vào giấc ngủ li bì, những loại đồ uống có cồn cũng có thể khiến bạn thức trắng đêm. Tiếp nhận nhiều cồn trước lúc ngủ cũng sẽ làm đảo lộn quá trình trao đổi chất của cơ thể dẫn tới giảm thời gian ngủ sâu. Hạn chế những đồ uống như rượu, bia trước lúc ngủ sẽ giúp ngày làm việc hôm sau của bạn không chìm trong mệt mỏi và uể oải.

giac ngu canh bao suc khoe
Ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử có khả năng kích thích não bộ, khiến việc tiếp cận giấc ngủ trở nên khó khăn. (Ảnh minh họa: Internet)

Màn hình: Ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử có khả năng kích thích não bộ, khiến việc tiếp cận giấc ngủ trở nên khó khăn. Giáo sư Alan Dely, chủ tịch Hiệp hội Giấc ngủ và Sức khỏe thường thức cho biết, những thiết bị như màn hình máy tính, vô tuyến, điện thoại, máy tính bảng đều mang ánh sáng xanh và ảnh hưởng tiêu cực tới giấc ngủ của bạn. Hạn chế sử dụng những thiết bị này trước khi ngủ 30 phút là cách an toàn nhất đảm bảo giấc ngủ của bạn không bị ảnh hưởng.

Tập luyện quá sức: Không hồi sức kịp sau khi hoạt động cường độ cao như tập luyện cũng có thể dẫn tới tình trạng mất ngủ. Nhà nghiên cứu kiêm bác sĩ giám định sức khỏe tại viện Y khoa Drolga (Philipin), Ygali Phil cho hay, hoạt động quá sức khiến cơ thể mệt mỏi và ảnh hưởng tới sự cân bằng hormone của cơ thể. Khi hàm lượng serotonin suy giảm và các hormone stress tăng cao, cơ thể sẽ mất đi cảm giác buồn ngủ. Nếu những vấn đề ngày càng trầm trọng, hãy liên lạc với chuyên gia tư vấn chế độ tập luyện để điều chỉnh cho phù hợp với bạn.

Thường xuyên "giải quyết nỗi buồn" vào nửa đêm

Tỉnh dậy để “giải quyết nỗi buồn” trong khi ngủ là hiện tượng hết sức bình thường nhưng nếu điều này lặp lại vài lần mỗi đêm thì đây lại không phải chuyện nhỏ. Chuyên gia y khoa Doctyl Smally, công tác tại Viện Huyết học Trung ương Pháp đề xuất, nếu bạn là nam giới, hãy ghé thăm các cơ sở y tế để kiểm tra hoạt động của tuyến tiền liệt bởi những tổn thương tại khu vực này có thể gây ra hiện tượng trên. Với nữ giới, hiện tượng này có thể báo hiệu bàng quang không hoạt động hiệu quả và có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

Tuy nhiên đây cũng có thể là hiện tượng bài tiết thông thường của cơ thể nếu trước khi ngủ bạn uống quá nhiều nước. Hạn chế lượng nước tiếp nhận vào cơ thể trong khoảng 2-3 giờ trước khi ngủ sẽ giúp giấc ngủ của bạn không bị gián đoạn liên tục trong trường hợp này.

(Nguồn: Prevention)