Để giải bài toán đội ngũ sư phạm dạy KHTN, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã có kế hoạch và sớm triển khai bồi dưỡng trực tiếp, giúp giáo viên dạy môn tích hợp này thuận lợi, hiệu quả.

Giải bài toán đội ngũ dạy môn tích hợp Khoa học Tự nhiên - Ảnh 1.

Giờ học môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An.

Tích hợp nhưng vẫn độc lập

Cô Phan Thị Huyền và Đào Thị Huyền là 2 giáo viên nằm trong tổ Khoa học Tự nhiên của Trường THCS Lê Thị Bạch Cát (thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Năm học này, 2 cô cùng được phân công phụ trách môn tích hợp này đối với khối 7. Tuy nhiên, thực tế các cô vẫn đang dạy độc lập, trong đó cô Phan Thị Huyền chuyên môn chính là Sinh học, còn cô Đào Thị Huyền phụ trách Hóa học.

Cô Đào Thị Huyền cho hay, theo sách giáo khoa môn Khoa học Tự nhiên lớp 7, ở học kỳ I, kiến thức nằm ở 2 môn hai môn Vật lý và Hóa học còn đến học kỳ II mới có Sinh học. Vì thế, hiện cô dạy Hóa với 30 tiết/tuần, vượt hơn 10 tiết so với quy định, chưa kể còn dạy học môn Hóa ở khối lớp khác.

Nhưng sang học kỳ II, số tiết cô phụ trách giảm khoảng một nửa do khối 7 không còn học Hóa nữa, mà có một số tiết tích hợp với môn Sinh. “Việc dạy học thế này khiến giáo viên vất vả và có phần quá tải, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng sắp xếp được. Điều lo ngại là học sinh bị gián đoạn môn Hóa suốt học kỳ II của năm lớp 7 để đến lớp 8 mới học tiếp. Qua thời gian dài như vậy, dễ dẫn đến quên kiến thức cũ, cần ôn tập để nối sang kiến thức mới”, cô Đào Thị Huyền nói.

Giải bài toán đội ngũ dạy môn tích hợp Khoa học Tự nhiên - Ảnh 2.

Giờ học tại Trường THCS Lê Thị Bạch Cát (thị xã Cửa Lò, Nghệ An).

Theo thầy Hoàng Duy Hợi – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, qua 2 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với khối 6 – 7 thực sự đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong dạy học. Chương trình giảng dạy phong phú, đa dạng, phát huy tố chất năng lực học sinh thông qua nhiều hoạt động giáo dục phù hợp. Việc kiểm tra đánh giá học sinh cũng có nhiều đổi mới và qua nhiều kênh như sản phẩm học tập, đánh giá hằng ngày và cả quá trình dạy học...

Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn rất vất vả cho cả giáo viên lẫn học sinh khi chương trình mới bắt đầu triển khai trong điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ đang từng bước đồng bộ, hoàn thiện. Cơ cấu môn học thay đổi, phương pháp dạy học cũng phải điều chỉnh để phù hợp. Nhất là dạy học tích hợp liên môn trong khi mức độ tích hợp đối với lớp 6, lớp 7 chưa sâu. Giáo viên chưa được đào tạo về dạy học tích hợp. Đối với môn Khoa học tự nhiên, hiện dù tổ chức dạy tích hợp nhưng cơ bản giáo viên môn Lý – Hóa – Sinh đang dạy độc lập. Dẫn đến tình trạng học kỳ 1 các em chỉ học Vật Lý, Hóa học còn sang tới học kỳ 2 mới học môn Sinh.

Cần bồi dưỡng để dạy chương trình tích hợp sâu

Cô Lê Thị Phương Thảo là giáo viên duy nhất của Trường Trường THCS Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) dạy hai môn, gồm Sinh học lớp 7 và lớp 9, Hóa học lớp 6. Trong khi đó chuyên ngành đào tạo của cô vốn là sư phạm Sinh học.

Cô Phương Thảo cho biết: "Môn Khoa học Tự nhiên của Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng tích hợp, nên giáo viên có thể đảm nhận cả 3 môn Vật lý - Hóa học - Sinh học là tốt nhất. Cá nhân tôi, trước đó ở nhà từng dạy cho con và bạn bè của cháu các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh nên kiến thức cũng được bồi đắp dần. Đến nay, dạy học chương trình mới tôi không quá bỡ ngỡ và triển khai được. Tuy nhiên, tôi cũng mong sẽ được bồi dưỡng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu môn học, chương trình học".

Thầy Nguyễn Đình Điền - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng, phương án lý tưởng nhất đối với môn Khoa học Tự nhiên là bài học của phân môn nào sẽ do giáo viên chuyên môn đó dạy, còn giáo viên phân môn khác sẽ trợ giảng và kịp thời phối hợp khi cần kiến thức liên quan.

Tuy nhiên, thực tế các trường THCS đều thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Triển khai như vậy sẽ không đủ giáo viên để dạy cho khối lớp khác. Còn dạy độc lập sẽ dẫn đến học kỳ I giáo viên Lý, Hóa bị thừa tiết, còn học kỳ 2 giáo viên Sinh học quá tải. Nếu dạy đồng thời 3 phân môn để giảm áp lực cho giáo viên lại nảy sinh vấn đề chương trình không “đuổi kịp nhau”. Ví dụ, có kiến thức môn Hóa chưa dạy nhưng môn Sinh đã dạy rồi và thiếu sự kết nối giữa các môn. Hiện giải pháp của nhà trường là gặp những bài như vậy, giáo viên các phân môn phải ngồi lại với nhau để soạn giáo án phù hợp.

Trường THCS Hà Huy Tập (thành phố Vinh) có hơn 2.000 học sinh và mỗi khối có hơn 13 lớp. Mỗi tuần nhà trường có 84 tiết Lý, Hóa hoặc Sinh, trong khi chỉ có 3 giáo viên mỗi môn. Vì vậy, môn KHTN lớp 6, 7 không thể tổ chức dạy học độc lập theo từng phân môn. Thay vào đó chỉ 1 giáo viên phụ trách dạy tích hợp tất cả.

Theo cô Nguyễn Thị Huyền Nga – Phó Hiệu trưởng nhà trường, trong hai năm qua đều phân công giáo viên trẻ dạy môn Khoa học Tự nhiên. Họ là những người năng động, nhiệt huyết, ham học hỏi và khả năng tiếp cận CNTT, phương pháp mới nhanh. Vì vậy, việc giao cho các thầy cô này dạy môn Khoa học Tự nhiên chương trình mới sẽ phù hợp.

Tuy nhiên, giáo viên của trường đều có trình độ đại học sư phạm và chỉ được đào tạo dạy 1 môn, về lâu dài phải có bồi dưỡng bài bản. Bởi chương trình lớp 8, lớp 9 kiến thức sẽ nặng hơn, mức độ tích hợp cao hơn, việc bố trí giáo viên 2 trong 1 hoặc 3 trong 1 sẽ khó đảm bảo chất lượng. Chưa kể đây là giai đoạn chọn đội tuyển học sinh giỏi của trường dự thi cấp thành phố, cấp tỉnh, thi tuyển sinh vào lớp 10.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, triển khai Chương trình GDPT 2018, giáo viên cốt cán và đại trà trên địa bàn đã được tập huấn trực tiếp và trực tuyến qua hệ thống LMS theo chương trình ETEP. Bên cạnh đó, Nghệ An còn có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho toàn bộ giáo viên dạy SGK mới, được tỉnh cấp kinh phí thực hiện. Vì vậy, việc triển khai chương trình SGK mới 2 năm qua cơ bản thành công, được đánh giá cao. Riêng năm học này, việc bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn mới, cụ thể là tích hợp KHTN, KHXH chậm triển khai do một số nguyên nhân khách quan. Lãnh đạo Sở GD&ĐT chia sẻ khó khăn với giáo viên, các nhà trường và cho hay việc bồi dưỡng trực tiếp sẽ sớm tổ chức để giáo viên dạy học môn tích hợp thuận lợi, hiệu quả.