Dịch corona vẫn tiếp tục với những diễn biến khó lường. Số người nhiễm, số người thiệt mạng đang tăng lên từng ngày. Nhiều công ty đau đầu nghĩ trăm phương ngàn kế để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh trang bị hệ thống phòng vệ bao gồm khẩu trang, nước rửa tay... thì họ còn tích cực nâng cao kiến thức liên quan đến virus corona.
Đặc biệt với những công ty nằm ở vùng dịch nguy hiểm, họ bắt buộc phải cho nhân viên tạm nghỉ ở nhà chờ đến khi nào mọi việc trong tầm kiểm soát mới có thể đi làm tiếp. Nhưng nhiều người lại cho rằng đây là một thách thức lớn, bởi họ sợ công ty sẽ không chi trả lương cho những ngày nghỉ bất khả kháng này.
Vậy vấn đề được đặt ra: Trên thực tế và theo luật pháp hiện hành, người lao động có được hưởng lương trong thời gian tạm nghỉ việc để phòng tránh virus corona hay không?
Trên thực tế, điều này sẽ được xem xét dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động.
Nếu hai bên thỏa thuận thời gian nghỉ từ 1-2 tuần là thời gian nghỉ phép có hưởng lương trong năm của người lao động theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2012 hoặc thỏa thuận nghỉ không hưởng lương để đảm bảo an toàn, sức khỏe tính mạng của cả hai bên.
Mặt khác, Điều 98 Bộ luật Lao động quy định, trường hợp phải ngừng việc, nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương. Còn nếu nghỉ việc do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương.
Những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Trường hợp do sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Như vậy theo quy định trên, trường hợp nghỉ vì nguyên nhân dịch bệnh người lao động sẽ được hưởng lương. Song điều này chỉ áp dụng khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước về việc các doanh nghiệp phải cho người lao động tạm ngừng làm việc.
Tuy vậy, không phải mọi trường hợp thời tiết bất thường thì người lao động được quyền tự ý nghỉ việc hay được công ty cho tạm nghỉ và đều trả lương tạm nghỉ việc những ngày đó. Họ chỉ được nghỉ khi được công ty, doanh nghiệp có thông báo cho nghỉ.
Việc trả lương phụ thuộc vào quy chế của công ty và thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nếu người lao động tự ý nghỉ việc phải tự chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, khoản 2 điều 140 Bộ luật Lao động còn quy định, người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp.
Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục. Trong trường hợp này, người lao động thông báo với người sử dụng lao động để có thể nghỉ làm mà vẫn được hưởng lương, không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động.
Hi vọng, thông qua những kiến thức bổ ích được Luật sư chia sẻ, các chị em công sở đã có thể tìm được câu trả lời cho thắc mắc của mình. Hãy bình tĩnh, trang bị đủ thông tin chính thống để đương đầu và cùng nhau vượt qua cơn đại nạn này nhé!
Trang bị những thông tin, kiến thức hữu ích - kịp thời để xây dựng lá chắn bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại: https://lotus.vn/lachanviruscorona
Tải app Lotus để kiểm tra độ hiểu biết, nhận thông báo mới nhất và theo dõi các nguồn tin uy tín về dịch bệnh.
#LaChanVirusCorona #VirusCorona #Lotus #VCCorp