TS. Monica, ĐH Tennessee, Mỹ đã nhận định giai đoạn 5 năm đầu đời là thời điểm vàng rất đáng để đầu tư vì nó chứa đựng rất nhiều giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ gồm: 2 thời điểm tăng nhanh vượt trội của chiều cao ở cả bé gái và bé trai, 90% kích thước não bộ sẽ được hình thành, hệ miễn dịch cơ bản được hoàn thiện, và chức năng điều hành cấp cao của não bộ cũng được kích hoạt tại 2 tuổi…
Vậy cha mẹ nên chăm sóc và yêu thương con thế nào để giúp trẻ phát triển toàn diện? Dưới đây là những điều bố mẹ nên làm để đồng hành với con trong 5 năm đầu đời.
1. Dành thời gian tương tác, trò chuyện, chăm sóc con mỗi ngày
Dù rất bận rộn nhưng cha mẹ vẫn nên dành thời gian chất lượng cố định mỗi ngày cho con, việc được thường xuyên chia sẻ với bố mẹ sẽ có lợi cho sự phát triển các kỹ năng, tình yêu thương trong trẻ. Một số việc mà cha mẹ nên làm như:
Hãy đọc sách cho trẻ mỗi tối: Ai cũng biết vai trò quan trọng của sách đối với trẻ nhỏ. Đọc sách không chỉ giúp trẻ có thêm kiến thức, sự hiểu biết mà còn giúp làm tăng tình cảm giữa bố mẹ và con cái.
Cha mẹ nên thường xuyên bày tỏ sự tôn trọng con cái: Bày tỏ sự tôn trọng trẻ khi giao tiếp và xem trẻ như người bạn để chia sẻ, thậm chí cần sự cảm thông như gọi tên trẻ, bày tỏ xin lỗi nếu điều đó gây ảnh hưởng đến trẻ, cho trẻ sự lựa chọn...
Khi trẻ từ 1-4 tuổi, hãy cho trẻ quyết định chọn cách chơi như thế nào trong các hoạt động chơi cùng bé. Hỏi trẻ những câu hỏi để trẻ diễn giải thêm về các hoạt động vui chơi.
Bố mẹ nên dẫn trẻ ra công viên, khu công cộng hơn là cho trẻ Ipad hoặc điện thoại để chơi 1 mình. Dẫn trẻ đến các khu vui chơi có sự tham gia của các bé khác, tạo điều kiện cho tương tác xã hội được phát triển sớm khi bé bước sang 2 tuổi.
3 tuổi là thời điểm quan trọng có thể giúp trẻ làm quen với ngoại ngữ dưới dạng vừa học vừa chơi. 5 tuổi là độ tuổi thích hợp cho trẻ học về nghệ thuật như vẽ, đàn phím và hát. Học ở đây là chơi để học. Đừng tạo quá nhiều áp lực, cứ để con tham gia, vui chơi và học từ đó.
2. Dạy con các bài học về đức tính cần thiết trong cuộc sống
- Sự tự tin: Những đứa trẻ coi điểm số của mình là do nỗ lực và điểm mạnh của bản thân sẽ thành công hơn những đứa trẻ tin chúng không kiểm soát được kết quả học tập. Sự tự tin thực sự là kết quả của việc con làm tốt, biết đối mặt với những trở ngại, tạo ra giải pháp và tự mình khắc phục.
- Sự đồng cảm có ba loại: cảm xúc, hành vi, nhận thức. Sự đồng cảm về cảm xúc là khi chúng ta chia sẻ cảm xúc với người khác, thấu hiểu họ.
- Khả năng tự chủ: Khả năng kiểm soát sự tập trung, cảm xúc, suy nghĩ, hành động và mong muốn có tương quan lớn đối với sự thành công.
- Tính tò mò: Sự tò mò giúp trẻ theo đuổi và mong muốn khám phá những sự kiện mới lạ, đầy thử thách và không chắc chắn.
- Sự kiên trì: Một số trẻ bỏ cuộc vì cảm thấy quá tải khi phải đối mặt nhiều vấn đề hoặc một chồng bài tập. Khi đó, bố mẹ giúp trẻ khắc phục và xác định những sai lầm.
3. Lên thực đơn dinh dưỡng cho con
5 năm đầu đời là khoảng thời gian trẻ có sự phát triển về mặt thể chất một cách vượt trội, vì vậy, cha mẹ không nên lơ là giai đoạn này nếu muốn con có sự khởi đầu tốt nhất.
Người mẹ nên cho trẻ bú mẹ sớm nhất có thể ngay từ lúc mới sinh, duy trì sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến 2 tuổi nếu có thể. Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm, không nêm gia vị vào thức ăn cho trẻ trước 1 tuổi, tránh dụ dỗ hay ép trẻ ăn, tránh các yếu tố sao nhãng như TV, ipad, đồ chơi hay bế rong khi ăn.
Bố mẹ cần giúp trẻ ăn đúng cấu trúc thức ăn theo độ tuổi để giúp trẻ học nhai và phát triển đa dạng vị giác trước 18 tháng tuổi. Giới thiệu đa dạng nguồn đạm từ thịt, cá, trứng, sữa… cũng như rau củ quả trong bữa ăn của trẻ nhằm gia tăng các vitamin khoáng quan trọng cho sự phát triển của trẻ như vitamin A, sắt, kẽm, canxi.
Và đặc biệt, cha mẹ nên hạn chế các thức ăn không lành mạnh chứa nhiều đường, chất béo không tốt từ bánh kẹo, nước ngọt, bim bim… Những thực phẩm này rất dễ gây thừa cân béo phì. Nếu thừa cân béo phì ở giai đoạn nhạy cảm này sẽ gia tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe của trẻ ở giai đoạn sau.